Khi niềm tự hào của Hàn Quốc lâm vào khủng hoảng

30/05/2016 19:49 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngành đóng tàu là một trong những niềm tự hào của Hàn Quốc khi đóng vai trò chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế của nước này thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, giao dịch thương mại giảm đang tàn phá ngành công nghiệp này cũng như đe dọa đến tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc

Nguy cơ vỡ nợ hàng loạt đang hiện hữu trong ngành đóng tàu Hàn Quốc, một trong những lĩnh vực kinh tế làm nên tên tuổi của quốc gia này.

Tồi tệ hơn, khả năng không thanh toán được các khoản tín dụng của ngành đóng tàu nước này có thể sẽ khiến ngành ngân hàng chịu tổn thương nặng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Ngành đóng tàu Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn với khó khăn khi giao dịch thương mại toàn cầu suy giảm khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi xuống theo. Hơn nữa, sự dư thừa nguồn cung vận chuyển bằng tàu và giá cước hàng hải thấp đã khiến một trong những ngành chủ lực của Hàn Quốc này phải chịu tổn thương.

Hiện 3 tập đoàn đóng tàu chính của Hàn Quốc là Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering, Hyundai Heavy Industries và Samsung Heavy Industries đang có khoản vay nợ lên tới 42,1 tỷ USD nhưng kết quả kinh doanh năm 2015 của 3 ông lớn này lại thua lỗ đến hơn 6 tỷ USD.


Một con tàu chở hàng được đóng bởi công ty Hàn Quốc Daewoo Shipbuilding Marine Engineering.

Một con tàu chở hàng được đóng bởi công ty Hàn Quốc Daewoo Shipbuilding Marine Engineering.

Đây là một thông tin không mấy tích cực cho ngành kinh tế chiếm đến 6,5% GDP của Hàn Quốc và tuyển dụng đến 200.000 lao động. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, ngành đóng tàu vẫn là một trong những niềm tự hào của xứ sở kim chi và cũng là động lực tăng trưởng chủ chốt cho nền kinh tế.

Tồi tệ hơn, tổng giá trị các đơn đặt hàng mới ngành đóng tàu trong quý I/2016 tại Hàn Quốc đã giảm 94% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), tổng giá trị các đơn hàng trong ngành đóng tàu năm nay sẽ giảm 85% sơ với năm trước.

Theo hãng Natixis, hiện tượng kinh doanh ảm đạm trong ngành đóng tàu không phải là trường hợp cá biệt tại Hàn Quốc khi giao dịch thương mại trên toàn thế giới hiện nay đang suy giảm. Dẫu vậy, Hàn Quốc là một nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ giao dịch thương mại, đặc biệt là ngành đóng tàu nên tình hình đáng báo động hơn so với nhiều nước.

Tính đến tháng 4/2016, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã suy giảm tháng thứ 16 liên tiếp.


Tổng giá trị giao dịch thương mại trên toàn cầu suy giảm (tỷ USD)

Tổng giá trị giao dịch thương mại trên toàn cầu suy giảm (tỷ USD)


Xuất khẩu của Hàn Quốc suy giảm (% so với cùng kỳ năm trước)

Xuất khẩu của Hàn Quốc suy giảm (% so với cùng kỳ năm trước)

Trong khi đó, hãng Societe Generale cho rằng vay nợ không phải là mối lo lắng duy nhất trong ngành đóng tàu Hàn Quốc khi năng suất đóng tàu của nước này đã giảm 60% so với mức đỉnh trước đây. Nhiều nhà máy đóng tàu Hàn Quốc đã phải giảm năng suất, sa thải bớt nhân công nhằm tiết kiệm chi phí và thanh toán lãi vay.

Đây sẽ là rủi ro tiềm tàng cho ngành đóng tàu Hàn Quốc khi nhiều xưởng đóng tàu bị bỏ phế hoặc phải hoạt động dưới công suất, trong khi những lao động lành nghề buộc phải chuyển sang làm những công việc khác.

Ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng

Nhiều ngân hàng quốc doanh Hàn Quốc có tham gia cho vay lớn với những tập đoàn đóng tàu và khả năng thanh khoản yếu của ngành này đang khiến các chủ nợ “đứng ngồi không yên”.

Những ngân hàng quốc doanh Hàn Quốc là các tổ chức tín dụng có đủ vốn để cho vay ngành đóng tàu, một ngành vốn cần nhiều tín dụng khi thời gian từ lúc ký hợp đồng đến chuyển giao, kiểm nghiệm và thanh toán một con tàu là rất dài.

Các ngân hàng này là những chủ nợ chính tại Hàn Quốc bởi họ có lợi thế về vốn và sự hậu thuẫn từ chính phủ, qua đó khiến các tổ chức tài chính tư nhân nhỏ khó lòng tham gia thị trường.

Dẫu vậy, chính sự độc quyền trong ngành cho vay đóng tàu này cũng khiến các ngân hàng quốc doanh gặp rủi ro khi kinh doanh gặp khó khăn.

Những ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) chiếm tới 60% tổng tín dụng trong ngành đóng tàu nước này.

Trong khi đó, công ty đóng tàu lớn thứ 4 thế giới của Hàn Quốc là STX Offshore & Shipbuilding mới đây đã nộp đơn đề nghị tái cơ cấu lên tòa án sau khi chủ nợ chính là ngân hàng KDBn cho biết họ không thể tiếp tục cho công ty này vay thêm tiền.

Hiện tòa án Hàn Quốc sẽ phải quyết định xem STX sẽ được tái cơ cấu và quản lý bởi các ngân hàng hay sẽ bị phát mại thanh lý tài sản để trả nợ.

Chính phủ buộc phải cứu

Chính quyền Tổng thống Park Geun-Hye chắc chắn sẽ không cho ngành đóng tàu sụp đổ, nhưng chính phủ cũng khó lòng giúp đỡ tài chính trữ tiếp cho ngành này.

Hiện chính phủ Hàn Quốc nếu muốn giúp đỡ ngành đóng tàu thì cần lên kế hoạch đệ trình và được Nghị viện thông qua. Điều này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi Đảng cầm quyền của Tổng thống Park đã thất bại trong bầu cử tháng 4/2016 nhằm chiếm đa số ghế ở Nghị viện.

Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) là cơ quan duy nhất hiện nay có đủ thẩm quyền để đưa ra những biện pháp giúp đỡ ngành đóng tàu trong thời gian này.

Hồi đầu tháng 5/2015, BOK đã đề xuất thành lập quỹ tái cấp vốn nhằm mua lại trái phiếu chuyển đổi cho các ngân hàng như KDB và KEXIM nhằm hỗ trợ tài chính cho ngành đóng tàu. Dẫu vậy, kế hoạch này vẫn đang phải chờ các bước phê duyệt cuối cùng trước khi được thông qua.

Hiện BOK đang thực hiện một chiến lược như đã làm hồi năm 2009 khi tái cấp vốn 20 nghìn tỷ Ươn (khoảng 20 tỷ USD) cho ngân hàng KDB nhằm hỗ trợ tài chính cho các ngành sản xuất.

92% người dân Hàn Quốc cho rằng họ đang bị suy thoái kinh tế

Các hàng đóng tàu hiện đang tìm mọi cách để đối phó với tình trạng suy giảm hiện nay. Gần đây, tập đoàn Hyundai Heavy Industries tuyên bố sẽ chấp nhận đơn nghỉ hưu sớm “tự nguyện” của các nhân viên quản lý sau khi đã cắt giảm 25% số quản lý của mình. Trong khi đó, hãng Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. cũng lên kế hoạch cắt giảm 10% công nhân từ nay đến cuối năm 2018.

Dẫu vậy, việc cắt giảm sản lượng và sa thải bớt nhân công bị nhiều chuyên gia đánh giá là chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.

Lương trung bình hiện nay của các lao động trong ngành đóng tàu Hàn Quốc là khoảng 4,5 triệu Won, tương đương 3.800 USD và cao hơn nhiều ngành nghề khác. Bởi vậy, việc sa thải hàng loạt lao động sẽ gây sức ép lên thị trường tiêu dùng nước này.

Thành phố Ulsan, một trung tâm công nghiệp chủ chốt tại phía Đông Nam Hàn Quốc hiện đang có số đơn trợ caaso thất nghiệp tăng 18% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số đơn trợ cấp thất nghiệp trên toàn Hàn Quốc đã tăng 1,3%.


Tỷ lệ xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng mạnh tại trung tâm công nghiệp Ulsan.

Tỷ lệ xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng mạnh tại trung tâm công nghiệp Ulsan.

Tại Hàn Quốc, việc mất một công việc với thu nhập ổn định như trong ngành đóng tàu thường đồng nghĩa với nguy cơ lâm vào tình trạng nghèo khó do các cơ hội tìm việc thu nhập tốt không hề dễ tại quốc gia này.

Ngoài ra, chế độ an sinh xã hội của nước này còn kém so với nhiều quốc gia khác khi mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất tại Hàn Quốc là 43.416 Won/ngày (khoàng 37 USD/ngày) và tối đa trong 240 ngày. Đây là chưa kể những điều kiện liên quan đến số tuổi, số năm đóng bảo hiểm và mức lương trước khi mất việc.

Theo một nghiên cứu của Nielsen, niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc hiện đang xuống mức thấp nhất thế giới trong quý I/2016 với 92% người được hỏi cho rằng nước này đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM