Khi những ông lớn “bắt tay” giải bài toán đầu ra cho sản phẩm

26/06/2017 11:22 AM | Kinh doanh

Thương vụ kết hợp giữa MWG và HAG hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đã gây bão cho thị trường tuần qua. Sự kết hợp giữa những “ông lớn” nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam.

Khi “đại gia” nông nghiệp gặp “vua” bán lẻ

Thương vụ hiện đang làm xôn xao giới đầu tư những ngày qua là cái “bắt tay” giữa CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG). Theo đó, HAG sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm trái cây cho Bách hóa Xanh - công ty trực thuộc MWG, tiến tới cung cấp toàn bộ các sản phẩm của HAG.

Cụ thể hơn, HAG sẽ ưu tiên cung cấp hàng cho Bách hóa Xanh trước các mối hàng xuất khẩu hay nội địa khác đồng thời có chính sách giá ưu đãi cho Bách hóa Xanh để đảm bảo sức cạnh tranh.

Ngược lại, Bách hóa Xanh bán hàng trái cây do HAG sản xuất trên hệ thống cửa hàng của mình trên toàn quốc. Nhà bán lẻ ưu tiên hàng do HAG sản xuất trước các nhà cung cấp khác cùng mặt hàng và phối hợp chặt chẽ với HAG để đảm bảo gìn giữ và phát triển thương hiệu của nhau.

Việc hợp tác của 2 đơn vị này diễn ra khi dự án về trồng cây ăn quả, tận dụng quỹ đất dôi dư của HAG bắt đầu thu hoạch và cần tìm đầu ra phân phối sản phẩm, mặt khác chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG cũng đã hoàn tất thử nghiệm, đang đầu tư mở rộng hệ thống và được MWG xác định sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai.

Được biết, HAG đã trồng gần 18,7 ngàn ha cây ăn trái, tập trung vào trái cây nhiệt đới, nổi bật là xoài (3.983 ha), thanh long (2.988 ha), chuối (2.826 ha) và chanh dây (1.483 ha). Theo kế hoạch 2017 của HAG, chanh dây sẽ là sản phẩm đóng góp lớn nhất với khoảng 1.055 tỷ đồng doanh thu và 437 tỷ lợi nhuận gộp, tương đương với mức biên lãi gộp 35-40%.

Với Bách Hóa Xanh, đến cuối năm 2017, MWG dự kiến sẽ bán khoảng 40-50 tấn trái cây/ngày và trong 12 tháng tới, lượng tiêu thụ trái cây ít nhất tăng 5 lần, tương đương 200 - 300 tấn/ngày.

Với việc hợp tác giữa 2 bên, cả MWG và HAG đều nhận được những lợi ích không nhỏ, khi mà HAG giải quyết được câu chuyện đầu ra và kênh phân phối còn MWG lại tìm được nguồn hàng chất lượng tốt với giá cả ưu đãi, hợp lý nhằm từng bước khẳng định thương hiệu.

Sau khi có tin chính thức về việc hợp tác, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này đã liên tục khởi sắc. Cụ thểm cổ phiếu MWG vừa qua đã ghi nhận 4 phiên tăng điểm liên tiếp và thiết lập đỉnh mới ở mức 102.900 đồng/cp trong phiên ngày 22/06. Trong khi đó, cổ phiếu HAG và HNG - CTCP Nông Nghiệp Quốc Tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) cũng tăng 4 phiên và hiện lần lượt ở mức 9.780 đồng/cp và 11.150 đồng/cp.

Hai ông lớn ngành thực phẩm tiêu dùng “nối duyên”

Một thương vụ khác cũng đang làm dư luận chú ý thời gian qua là CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) mua lại 55% vốn của Công ty Chế biến Thực phẩm Dabaco – Dabaco Food doCTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HNX: DBC)sở hữu. Dabaco Food là đơn vị kinh doanh chính trong chế biến, bảo quản thịt gia súc, gia cầm (công suất giết mổ gà đạt 25,000 con/ngày); đóng gói và đóng (thịt hộp, xúc xích); sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn.

Theo đó, với việc thâu tóm Dabaco Food, KBC sẽ góp mặt ở 3 phân khúc quan trọng của ngành hàng thực phẩm là thực phẩm tươi sống (thịt, xúc xích), đông lạnh và đồ hộp.

Được biết, sau khi bán đi mảng bánh kẹo, KDC đã liên tục thực hiện 2 thương vụ thâu tóm Tường An và Vocarimex, lần lượt sở hữu 51% và 65% vốn của 2 đơn vị này.

Mặt khác, phía DBC sẽ thông qua KDC tận dụng kênh phân phối trên 400.000 ngàn điểm bán hàng (dầu ăn) trên cả nước. Bên cạnh đó, DBC cũng tìm được “đúng người” giải được bài toán trong lĩnh vực thực phẩm của Dabaco Food mà vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ đơn vị này.

Trên thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2017, thị giá cổ phiếu KDC liên tục tăng điểm và vừa chạm mức 47.000đồng/cp (phiên 26/06), tương đương với mức tăng 28%. Trong khi đó, thị giá DBC lại khá ảm đạm và đang có chiều hướng đi xuống, hiện đang dao động ở mức 28.800đồng/cp (phiên 26/06)

Và những “trùm” bất động sản gặp “nhà thầu” xây dựng

Nhắc đến những mối lương duyên không thể bỏ qua sự hợp tác giữa Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) và CTCP Xây Dựng Coteccons (HOSE: CTD).

Trong khi, VIC là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam thì CTD là đơn vị nhà thầu lớn nhất xây dựng các dự án chung cư, phần lớn là chung cư cao cấp. VIC luôn là đối tác lớn nhất của CTD với nhiều dự án TimesCity, Vinhomes Central Park hay dự án có thòa tháp cao nhất Việt Nam - Landmark 81.

Ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch CTD từng cho biết, VIC luôn dành cho CTD hạn mức tín dụng lớn nhất để xây dựng các dự án, trừ phần thanh toán rồi, hạn mức các hợp đồng mà Coteccons ký với Vingroup mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tiến tới đây, với chiến lược dòng sản phẩm mới VinCity, được định vị là loại nhà giá rẻ cho người thu nhập trung bình có giá từ 700 triệu đồng, VIC và CTD sẽ tiếp tục kết hợp để đưa ra sản phẩm.

Ngoài VIC, CTD vừa qua cũng ký hợp tác chiến lược với Tổng CTCP Viglacera (VGC). Theo đó, CTD sẽ được ưu tiên lựa chọn để trở thành nhà thầu thiết kế và thi công tùy theo dự án của Viglacera và ngược lại với những dự án mà CTD là nhà thầu thi công, sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng của VGC.

Được biết, các công trình do CTD xây dựng sử dụng thép của CTCP Thép Việt – Ý (HOSE: VIS) để sử dụng sản phẩm của đơn vị này trong các công trình thi công. ( xem thêm)

Các sản phẩm của VIS cũng được đẩy mạnh phân phối ra thị trường sau khi kết hợp vớiCTCP Thương mại Thái Hưng, với tổng sản lượng thép cung cấp chiếm gần 12% thị phần của cả nước, là một trong những doanh nghiệp phân phối thép lớn và nổi tiếng của Việt Nam. Một bên là đơn vị sản xuất, một bên là đơn vị phân phối đã tạo vòng tròn khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối đến tận tay người tiêu dùng.

Một cặp đôi cũng nổi tiếng không kém khác trong ngành bất động sản – xây dựng là Sun Group và Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HOSE: HBC).

Vừa qua 2 đơn vị này đã ký kết hợp tác chiến lược. Theo đó, Sun Group sẽ ưu tiên lựa chọn Hòa Bình làm nhà thầu thi công cho các công trình của Sun Group trên cơ sở xem xét các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, giá cả và nhân lực. Đồng thời, Hòa Bình sẽ ưu tiên tập trung nhân lực, thiết bị để đảm bảo thi công an toàn, chất lượng và tiến độ đáp ứng các yêu cầu của dự án.

Trước đó, Sun Group và Hòa Bình đã cùng thực hiện nhiều công trình tại Phú Quốc như: JW Marriott Emerald Bay Resort & Spa, Premier Village Phu Quoc Resort, Sunhome Phú Quốc, Condotel Sebel Phú Quốc..., với tổng giá trị các hợp đồng được ký kết trên 1.400 tỷ đồng.

Mới đây, Sun Group vừa giao cho Hòa Bình gói thầu 1, phần tường vây và cọc đại trà dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, căn hộ Sun Grand City (số 69B Thụy Khuê, Hà Nội), thời gian thi công là 144 ngày với giá trị hợp đồng hơn 240 tỷ đồng.

Hay như trong lĩnh vực xăng dầu, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cung cấp xăng dầu cho các đơn vị logistics nhưng Tập đoàn này cung cấp xăng máy bay cho CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Được biết, tại khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, sản lượng xăng dầu của Petrolimex tăng trưởng 15-20%/năm nhờ lượng khách du lịch ở khu vực này tăng 40%/năm trong các năm qua.

Trong lĩnh vực bán lẻ, các sản phẩm của Bibica, Lafooco, gạo NSC được phân phối bới PAN Food thuộc Tập đoàn PAN.

Sự kết hợp giữa các đại gia trên thị trường là mối quan hệ win-win, bên sản xuất kết hợp với bên phân phối sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng tốt với giá hợp lý. Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng các cú "bắt tay" này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng sản lượng bán hàng, giải quyết câu chuyện đầu ra của sản phẩm và qua đó kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tốt đẹp hơn.

Theo Phan Tùng

Cùng chuyên mục
XEM