Khi người Việt mắng con 'Không học thì lớn lên đi cày' thì làm nông dân ở Đức, Nhật lại được trẻ yêu quý hơn cả nghề… làm thủ tướng!

01/03/2017 12:10 PM | Xã hội

Còn ở Úc, người nông dân lại còn sướng hơn nữa. Họ được chính phủ hỗ trợ sản xuất và được các chuyên gia nông học nể trọng. Thậm chí nghề nông còn được lớp trẻ yêu quý hơn cả nghề… làm thủ tướng!

Là một trong số ít người lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp để theo đuổi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng (Huế, Nghệ An) đã thành công xuất sắc về nông học ở nước ngoài.

Ông từng nghiên cứu ở Nhật, làm việc trong Bộ Nông nghiệp Úc và Mỹ và hiện làm chuyên gia cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Rau quả.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn VietGap vào Việt Nam.

40% nông dân Úc có bằng đại học, rất nhiều người là tiến sĩ

Hơn 40 năm sinh sống và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài, ông Vọng đã thấm thía khi chia sẻ với DNSG: “Tôi rất thương người nông dân Việt Nam”. Bởi theo tiến sĩ, nông dân Việt Nam chưa được xã hội tôn trọng như đúng với vai trò cao quý của họ.

Ở Nhật, người nông dân rất “sướng” và luôn được xã hội kính trọng vì nông dân là người làm nên “cơm áo” cho toàn xã hội. Giới nông dân Nhật có thu nhập rất cao và đây là nguồn tài chính dồi dào để họ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng.

Còn ở Úc, người nông dân lại còn sướng hơn nữa. Họ được chính phủ hỗ trợ sản xuất và được các chuyên gia nông học nể trọng. Thậm chí nghề nông còn được lớp trẻ yêu quý hơn cả nghề… làm thủ tướng!

Trong khi đó, ở Việt Nam, hiếm người thích học nông nghiệp và không ai muốn làm nông dân.

“Trong một chương trình truyền hình, cả gia đình phải than nghèo kể khổ, khóc lóc thảm thiết để đánh động sự thương tâm của mọi người, trước sự chứng kiến của rất đông người cùng làng để được tặng hai con bò. Trong một chương trình khác, nông dân bị gọi là “hai lúa” và việc họ chế tạo máy móc được xem là điều không tưởng”, tiến sĩ Vọng cho hay.

Thế nhưng, thực chất, nông dân chính là những người anh hùng vô danh, có khả năng “biến sỏi đá thành cơm” cho cả một dân tộc. Từ đời này qua đời khác, họ bám đất bám làng xây dựng nông thôn thành nơi sản xuất nông sản và là nơi bảo vệ môi trường đất, nước, bảo vệ hệ sinh thái và động thực vật hoang dã.

Vì vậy ở Úc, chuyện một nông dân chế tạo máy móc là điều rất đỗi bình thường. Vì họ là người làm việc trực tiếp trên đồng ruộng, hiểu rõ về công dụng các loại máy móc cần thiết cho công việc của mình.

Nên nhớ rằng, 40% nông dân Úc có bằng đại học, không ít người trong số đó là tiến sĩ. Đại học Nông nghiệp do Chính phủ Úc xây dựng là nơi đào tạo ra nông dân hoặc những ai muốn làm việc hiệu quả trong ngành nông nghiệp chứ không phải là nơi đào tạo người làm quan.

“Không học thì lớn lên đi cày!”

Nếu cha mẹ cứ dạy con: “Không học thì lớn lên đi cày”, hoặc những người làm công việc trồng trọt, chăn nuôi cứ bị gọi là “bần nông” thì tư duy coi khinh nông nghiệp sẽ còn tồn tại mãi.

Vì thế, theo tiến sĩ Vọng, cần thay đổi tư duy bắt đầu từ giáo dục. Ngay từ nhỏ, trẻ em cần được dạy rằng, nông dân là người làm ra hạt gạo cho chúng ta ăn mỗi ngày. Vĩ mô hơn, nông dân là những người đảm bảo cho 25% đóng góp cho GDP hằng năm.

Một thực tế ở Việt Nam, năm 2014, nước ta nhập đến 116.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Nếu thử chia đều cho dân số thì mỗi người Việt Nam đưa vào người khoảng 1,2 kg thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm.

Do đó, cần đưa ra hướng dẫn chính xác trong tính toán cung – cầu của thị trường trong và ngoài nước, để Việt Nam không phải “chạy” theo đuôi thị trường, cũng không cần phải làm việc với thương lái.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có chủ trương giao việc cho nông dân, xem họ là thành phần chủ quản. Vì nông dân là chủ thể của nông thôn nên thành phần này cần được chính phủ chú trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ về khoa học và công nghệ. Từ đó, họ sẽ cố gắng xây dựng một nền nông nghiệp bền vững có lợi cho ngành và toàn xã hội.

Ngoài ra, chính phủ cần áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai, vì nông dân, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn, khuyến khích phát triển các khu chế biến ngay ở nông thôn, tăng cường xây dựng bệnh viện, trường học ở các vùng sâu, vùng xa.

Đây cũng là giải pháp cho vấn đề thanh niên bỏ nông thôn lên thành thị và nạn kẹt xe ở thành phố.

Làm nông kiếm tiền gấp rưỡi làm văn phòng, đã đến lúc người Việt trẻ nên học hỏi người Hàn

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM