Khi MWG, Digiworld, Nguyễn Kim cùng chen chân vào thị trường phân phối dược phẩm

20/11/2017 11:07 AM | Kinh doanh

Thị trường bán lẻ dược phẩm hiện tại chỉ như bán lẻ điện thoại của hơn 10 năm trước, manh mún, nhỏ lẻ và không minh bạch giá cả. Nhưng cuộc chơi của ngành bán lẻ điện thoại giờ đã khá rõ ràng, đó là cơ sở kỳ vọng về thị trường bán lẻ dược phẩm trong tương lai.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ công bố thông tin về việc tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm, có thể kể tới như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), CTCP Thế Giới Số (Mã: DGW) hay mới đây nhất là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group).

Theo đó, MWG đánh tiếng mua lại một chuỗi bán lẻ dược phẩm nhưng chưa công bố danh tính; DGW bước đầu xác định con đường bán thực phẩm chức năng với sản phẩm đầu tiên dành cho nam giới Kingsmen; Nguyễn Kim Group muốn chào mua để nâng sở hữu lên mức chi phối 51,14% với Dược Lâm Đồng (LDP). Sau chào mua, Nguyễn Kim Group dự kiến tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính của LDP là sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập thuốc, dược liệu.

 Khi MWG, Digiworld, Nguyễn Kim cùng chen chân vào thị trường phân phối dược phẩm  - Ảnh 1.

Tại sao lại là ngành dược?

Theo báo cáo phân tích mới nhất từ CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), tốc độ tăng trưởng dự kiến của thị trường dược vào khoảng 9,6%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, ở mức trung bình trong nhóm các nước tăng trưởng ngành dược (pharmerging). Đến năm 2020, dự đoán mỗi người Việt Nam sẽ tiêu thụ bình quân 50 USD tiền thuốc mỗi năm do với mức 33 USD năm 2015 và bình quân 78 USD của 22 nước pharmerging.

Việt Nam cũng đã kết thúc giai đoạn dân số vàng từ năm 2016, bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017. Đến năm 2050, dự đoán có đến 21% dân số Việt Nam trên 65 tuổi so với mức 7% hiện nay, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thuốc ngày càng tăng cao trong 30 năm tới.

Giai đoạn 2006 – 2016, biên lợi nhuận gộp bình quân của ngành dược từ 35 – 40%, biên lợi nhuận ròng bình quân 10%, ROE khoảng 10 -15%. Khả năng sinh lời này được cho là thấp hơn đáng kể so với các tập đoàn hàng đầu thế giới nhưng xấp xỉ với nhóm các doanh nghiệp lớn trong khu vực ASEAN.

Trong khi đó, vào năm 2015, Việt Nam có tới hơn 45.000 nhà thuốc tư nhân hoạt động một cách riêng lẻ, tự phát và phân mảnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, thị trường đã bước đầu được tái định hình với sự tham gia của các chuỗi nhà thuốc chuyên nghiệp như Pano, Pharmacity hay Mỹ Châu. Song, các nhà thuốc bán lẻ cá thể lẫn các chuỗi lớn vẫn là đối tượng khách hàng trong kênh phân phối của công ty dược phẩm.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của người dân dẫn đến việc khó kiểm soát về chất lượng thuốc cũng như giá thành. Cục diện thị trường được kỳ vọng sẽ chỉ được thay đổi nếu có sự kiểm soát từ cơ quan quản lý một cách có hiệu quả và có các “tay to” tham gia chuỗi phân phối.

MWG – Tay chơi được kỳ vọng “chia lại thị trường”

Cách đây hơn 10 năm, công ty MWG ra đời trong thời kỳ “hỗn mang” của thị trường điện thoại di động. Cuộc chơi bấy giờ nằm trong tay các nhà bán lẻ lớn như FPT, cũng như một phần thị trường được chia cho các cửa hàng nhỏ lẻ tự phát.

Bước vào cuộc chơi đó, MWG từng bước xây dựng chuỗi bán lẻ của mình với việc mở rộng hệ thống, có những thời gian thần tốc tới mức 2 ngày MWG mở 3 cửa hàng. Từ con số dưới 10 cửa hàng của những năm đầu thành lập (2004), đến nay MWG đã có khoảng 1.100 siêu thị điện thoại trên cả nước, chiếm thị phần đâu đó khoảng 40%, gấp 3 lần thị phần của bất kỳ nhà bán lẻ nào khác và trở thành nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất Việt Nam. Thậm chí, nhận thấy thị trường sắp đạt tới mức bão hòa, MWG chậm lại việc mở cửa hàng trong nước và thực hiện tham vọng mở rộng ra nước ngoài. Những cửa hàng thử nghiệm đầu tiên đã được MWG mở tại Campuchia.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG từng thừa nhận thành công của MWG là khởi động ngay ở thời kỳ mà thị trường điện thoại còn rối ren. MWG tham gia và sắp xếp lại thị trường đó, cơ hội chỉ đến có một lần. Nếu bây giờ mới làm, MWG không thể làm, vì không còn gì để sắp xếp nữa. May mắn tạo nên thành công của MWG là gia nhập thị trường đúng thời điểm.

Nhắc lại câu chuyện bán lẻ điện thoại của MWG để thấy đây là một doanh nghiệp có kinh nghiệm khá dày dặn trong việc mở rộng và phát triển chuỗi bán lẻ. Và họ đã thành công. Sự thành công này không chỉ ở may mắn như ông Tài chia sẻ, mà còn là tổng hòa của nhiều yếu tố như con người, áp dụng công nghệ trong quản lý, nắm bắt xu thế thị trường…

Với những điều đã làm được, MWG gia nhập mảng bán lẻ về dược phẩm có thể coi là một lợi thế. Giống như câu chuyện với điện thoại, nhiều người đặt kỳ vọng MWG sẽ chia lại thị trường trong ngành bán lẻ dược phẩm và sắp xếp lại nó. Dự kiến MWG sẽ khởi động mảng này từ tháng 6/2018.

Hiện nay, MWG chưa công bố danh tính chuỗi dược phẩm mà công ty mua lại. Nhiều cái tên được đoán định là đối tượng M&A của MWG như Phúc An Khang, Pharmacity hay Phano. Dù là chuỗi dược phẩm nào thì quan điểm đầu tư từ MWG vẫn là mua lại công ty dược phẩm khoảng 15 cửa hàng, am hiểu về ngành nhưng không có khả năng mở rộng và quản lý. MWG sẽ làm thay những việc đó và phát triển hệ thống trên toàn Việt Nam, ông Tài nói.

 Khi MWG, Digiworld, Nguyễn Kim cùng chen chân vào thị trường phân phối dược phẩm  - Ảnh 2.

Phúc An Khang, một trong những chuỗi dược phẩm được kỳ vọng trở thành đối tượng M&A của Thế Giới Di Động.

DGW "bén duyên" với sản phẩm chức năng

Ở một phân khúc hẹp hơn của ngành dược phẩm, DGW chọn phân phối thực phẩm chức năng mà sản phẩm được chọn ra mắt trong thời gian vừa qua là Kingsmen – thực phẩm chức năng dành cho nam giới trên 40 tuổi.

Không phải ngẫu nhiên mà một công ty phân phối thiết bị công nghệ như DGW lại chen chân vào lĩnh vực này. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ DGW chia sẻ, DGW hướng đến các doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng yếu ở các khâu quản lý kho, khâu phân phối, khâu tiếp thị sản phẩm… Thị trường cần một nhà trung gian ở giữa, một kênh phân phối đủ rộng và đủ năng lực xây dựng thương hiệu để nhiều người biết đến và tăng trưởng tốt hơn. DGW thay thế họ làm việc này, nhờ vào các thế mạnh vốn có của DGW trong chuỗi giá trị phát triển thị trường.

Trong khi đó, ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhóm ngành thực phẩm chức năng tại Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành hàng rất triển vọng. Đây là ngành hàng có sự phân mảnh lớn, sức tăng trưởng dự kiến trung bình mỗi năm của nhóm sản phẩm dược OTC (không kê toa) là 10,31% trong giai đoạn 2015 – 2020 (theo Business Monitor International).

Chưa kể, dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Service – MES) mà DGW đang cung cấp có mức tăng trưởng khá cao. Tại châu Á, dịch vụ này được dự đoán có mức độ tăng trưởng 8,5% giai đoạn từ 2016 – 2021. Tại Việt Nam, dự đoán mức tăng trưởng của dịch vụ MES cho ngành chăm sóc sức khỏe giai đoạn này là 11,1%.

 Khi MWG, Digiworld, Nguyễn Kim cùng chen chân vào thị trường phân phối dược phẩm  - Ảnh 3.

Dịch vụ phát triển thị trường do DGW cung cấp, được xem là chuỗi giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Kết hợp yếu tố thuận lợi từ bên ngoài, DGW gia nhập mảng bán lẻ thực phẩm chức năng dựa trên các thế mạnh vốn có của doanh nghiệp như mạng lưới toàn quốc bao phủ 63/63 tỉnh thành; 20 năm kinh nghiệm phát triển mạng lưới đại lý; Quản lý đội ngũ bán hàng bằng công nghệ, giúp tăng hiệu suất, giảm chi phí kiểm soát và đạt hiệu quả cao; Kinh nghiệm hoạch định và tổ chức marketing từ PR, quảng cáo, đến sự kiện và trade marketing.

Đặc biệt, DGW có thể tận dụng nền tảng kho bãi, vận chuyển, hệ thống quản lý hàng tồn kho có sẵn. Hệ thống ERP/SAP (quản lý chuỗi cung ứng) đã được triển khai từ năm 2010 giúp quản lý tồn kho hiệu quả, minh bạch, là thế mạnh thu hút các nhà cung cấp, sản xuất.

Từ các lợi thế này, DGW đã phát triển mạng lưới đại lý trong mảng chăm sóc sức khỏe đạt 5.000 nhà thuốc chỉ trong 3 – 4 tháng cuối năm 2017. Mục tiêu năm 2018, DGW nâng con số đại lý lên gấp đôi và năm 2019 là 20.000 nhà thuốc.

Câu chuyện gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu, thành công hay thất bại vẫn là một ẩn số. Nhưng như một nhà văn có nói: "Thế giới vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì cũng thành đường thôi". Những người khai mở thị trường dựa trên nền tảng thế mạnh của mình, dẫu sao, vẫn đầy bản lĩnh.

Theo Khổng Chiêm

Cùng chuyên mục
XEM