Khi giáo dục là một món hàng đắt đỏ

26/09/2017 16:22 PM | Kinh doanh

Đắt có xắt ra miếng?

Hệ thống giáo dục tư nhân đang ngày càng phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, số trường tư thục được mở ra ngày càng nhiều hơn, từ cấp học mầm non, tiểu học cho tới trung học và cả đại học.

“Học dốt, cá biệt mới phải học trường dân lập”, một suy nghĩ thường thấy ở giai đoạn trước, nay đã có phần “lỗi mốt”. Thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục và điều kiện đào tạo ở nhiều trường tư thục khá tốt, bắt kịp xu hướng giáo dục của thế giới, cạnh tranh mạnh với các trường công lập, và thậm chí còn lấn át.

Song quyết định cho con học trường công lập hay tư thục, phần nhiều vẫn phụ thuộc vào quan điểm cũng như khả năng tài chính của các bậc phụ huynh. Và dẫu có điều kiện tài chính đi nữa, thì bên cạnh chất lượng giáo dục, điều kiện học tập, khả năng phát triển con người, mối quan tâm của không ít phụ huynh khi cho con cái theo học nhóm trường tư vẫn mang tên “học phí”.

Đắt có xắt ra miếng?

Theo ghi nhận của PV, mức học phí tại nhiều trường tiểu học tư thục hiện dao động từ 90 – 120 triệu VNĐ/10 tháng; trường trung học dao động từ khoảng 150 – 450 triệu VNĐ/năm học; chưa kể các khoản phí khác như ăn bán trú, xe đưa đón, đồng phục, sinh hoạt ngoại khóa… cũng xấp xỉ 100 triệu đồng/năm. Do mức học phí khá cao, nên chỉ những gia đình có kinh tế khá giả, ổn định mới có thể cho con theo học.

Trao đổi với nhiều phụ huynh, chúng tôi nhận được khá nhiều đánh giá cho rằng, mức học phí tuy cao nhưng theo họ là xứng đáng, bởi con cái họ được học trong môi trường hiện đại, với điều kiện học tập tốt (phòng học có điều hòa, sĩ số không quá 20 học sinh/lớp, có giáo viên bản xứ dạy tiếng nước ngoài...). Ngoài giờ học, các em còn được tham gia các lớp ngoại khóa theo sở thích, không bị bắt buộc, và đặc biệt là không phải học thêm, cha mẹ không mất thời gian đưa đón…

“Con trai đầu của chúng tôi học trường công lập, lúc đó chúng tôi rất vất vả, vừa đi làm, vừa phải căn giờ về đưa đón con. Sau giờ làm, tôi vẫn phải ngồi kèm con học, có những đêm tới khuya hai mẹ con mới được đi ngủ, để sáng hôm sau con làm bài kiểm tra cuối cấp. Cô giáo thường xuyên gọi phụ huynh đến để phàn nàn con lười học, điểm kém…

Sang đứa thứ hai, kinh tế khá hơn, tôi cho con học trường tư, thấy nhàn hơn hẳn. Đặc biệt là gia đình đi du lịch nước ngoài, thấy cháu tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, nghe, nói tốt, khiến tôi rất tự hào. Trong khi đó, anh nó thì rất nhút nhát, dù cũng mất nhiều tiền cho đi học thêm tiếng Anh” – đó là chia sẻ của chị Vũ Thị Minh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội).

Cùng suy nghĩ với chị Hà, anh Lê Nam, một phụ huynh ở quận Đống Đa, HN cho biết, bên cạnh việc học văn hóa, thì khả năng giao tiếp cả tiếng Việt và tiếng Anh, cũng như các kỹ năng hòa nhập tập thể và kiến thức xã hội của con trai anh, hiện đang học tại một trường trung học cơ sở tư thục, rất tốt.

"Con trai tôi khá tự tin và luôn năng động trong các hoạt động tập thể. Cháu cũng rất thích thể hiện quan điểm bằng việc tranh luận văn minh, thực sự là còn tốt hơn nhiều so với thế hệ 7X chúng tôi trước đây khi theo học phổ thông hệ công lập. Tôi nghĩ nhà trường và các thầy cô ngày nay đã làm rất tốt việc kích thích các con học cách lắng nghe người khác, cũng như biết nói lên chính kiến của mình", anh Nam tự hào.

Theo anh Nam, đội ngũ giáo viên dạy trong các trường tư có chất lượng giảng dạy ngày càng cao, bởi họ đã qua một quá trình chọn lọc khắc nghiệt, "họ rất chú trọng đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp học sinh có hứng thú học tập, tìm thấy niềm vui của việc đến trường; đồng thời cũng tạo dựng uy tín cho chính họ tại các ngôi trường tư thục, vốn xem trọng hiệu quả công việc hơn là quan hệ cá nhân", anh đánh giá.

Nghìn lẻ một nỗi lo

Từ học phí...

Thực tế, ngay cả các gia đình có kinh tế được cho là khá khi quyết định cho con em theo học trường tư, vẫn luôn thường trực nỗi lo về học phí, mỗi năm đều có thể tăng lên, bậc học càng lên cao học phí càng nhiều.

Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều trường có lộ trình tăng học phí tới gần 100% trong các năm học tiếp theo, khiến cho con đường học hành của thế hệ măng non ở nhiều gia đình cũng vì vậy mà trở nên... “bấp bênh”.

Trên thực tế, để cho con theo học trường tư có tiếng, nhiều gia đình chia sẻ, họ luôn phải đối diện với nỗi lo sợ con mình “đứt gánh giữa đường”, trường tư không theo nổi mà sang trường công lại dở dang, không hòa nhập được với môi trường mới. Không ít người đã lựa chọn lập một khoản ngân sách “bất khả xâm phạm” ở ngân hàng, chỉ dành cho con đi học. Cho con theo học trường tư, lúc này lại trở thành một gánh nặng đối với nhiều gia đình, đã “đâm lao phải theo lao”.

“Vì nỗi lo học phí tăng, vợ chồng tôi đã phải làm thêm nhiều việc hơn để dành tiền cho con đi học. Chồng tôi phải làm việc ở nhà sau giờ làm. Chúng tôi không còn thời gian dành cho gia đình, con cái cũng không được quan tâm đầy đủ như trước” – chị Hoàng Thu Hương (Ba Đình, HN) chia sẻ.

... tới chất lượng đào tạo

Bên cạnh câu chuyện học phí, chất lượng giáo dục mới là yếu tố đáng lưu tâm hơn tất thảy đối với các bậc phụ huynh.

Khi ngày tựu trường năm nay đi qua chưa lâu, thì câu chuyện được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội mấy ngày vừa qua ở trường L.T.V, một trường trung học phổ thông hệ dân lập có tiếng ở Hà Nội, thực sự gây sốc đối với nhiều người.

Theo đó, một phụ huynh của cựu học sinh từng theo học ngôi trường này đã có những chia sẻ khiến nhiều người phải bất ngờ. Theo vị này, con gái của chị đã lâm vào tình cảnh “chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt!” khi trải qua 1 năm đầy áp lực, căng thẳng trong môi trường giáo dục quá hà khắc, đến từ phía nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, khi được phụ huynh phản ánh, cách giải quyết vấn đề của đại diện nhà trường khiến vị phụ huynh này càng bức xúc hơn. Gia đình và nhà trường đã không thể đi đến thống nhất trong việc giáo dục học sinh. Kết quả tất yếu em học sinh đã phải chuyển trường.

Ngay cả lúc đã quyết định cho con chuyển trường, vị phụ huynh học sinh vẫn vô cùng bức xúc và quyết định chia sẻ công khai câu chuyện của con em họ sau 1 năm theo học ngôi trường này. Vụ việc vẫn chưa khép lại với những tiếng nói đến từ cả hai phía, cả phía phụ huynh và đại diện nhà trường. Tuy nhiên, hệ quả của những tranh luận qua lại như vậy có thể sẽ "thổi bay" phần nào danh tiếng và hình ảnh tốt đẹp mà ngôi trường tư thục kia đã mất nhiều năm gây dựng.

Rõ ràng, khi hai phía không tìm được tiếng nói chung, buộc phải tìm đến giải pháp cuối cùng là học sinh phải nghỉ học chuyển trường, thì người thiệt thòi hơn ai hết chính là các em học sinh. Những sự thay đổi lớn về môi trường học tập có thể ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập và tâm lý các em, thậm chí hệ quả khó tránh khỏi là những đứa trẻ có thể bất đắc dĩ trở thành “sản phẩm lỗi” của một quá trình giáo dục bị đứt đoạn, không liên tục, không hệ thống, không đồng nhất.

Hãy là "người tiêu dùng" thông thái

Xung quanh việc chọn trường cũng còn rất nhiều ý kiến, công hay tư, ủng hộ có, bài bác có. Song lựa chọn nào cũng đều có hai mặt, đều tiềm ẩn những hạn chế, rủi ro. Khi giáo dục là một dịch vụ, thì các "khách hàng" phụ huynh “hãy là người tiêu dùng thông thái”.

Chia sẻ vấn đề này, các chuyên gia giáo dục lý giải, sở dĩ chúng ta quá đặt nặng vấn đề chọn trường cho con, cũng chỉ vì chúng ta quá kì vọng vào sự giáo dục của nhà trường dành cho con trẻ, và quá phụ thuộc đến mức ỷ lại vào đó. Các bậc phụ huynh hầu như đã quên mất rằng, bên cạnh giáo dục từ nhà trường, trẻ em cần có sự giáo dục từ chính gia đình mình, từ những người gần gũi nhất với mình là cha mẹ.

Giáo dục là sản phẩm cần thời gian mới có thể kiểm chứng chất lượng. Giáo dục công hay tư đều cần sự quan tâm từ cả hai phía gia đình và nhà trường. Và kiến thức là một biển cả rộng lớn, người thầy giỏi cũng chỉ là người đóng vai trò khai sáng, mở ra những cánh cửa, còn sự tiếp thu kiến thức, thu nhận kiến thức đến đâu, đều phụ thuộc vào sự tìm tòi tự học.

Đừng quá đặt nặng vấn đề trường lớp mà quên mất rằng, điều quý giá nhất đối với con trẻ, đó là có một tuổi thơ đúng nghĩa!

Đào Thị

Cùng chuyên mục
XEM