Khi cô đơn trở thành trào lưu tại Hàn Quốc

05/01/2018 10:57 AM | Xã hội

Cứ 4 hộ gia đình Hàn Quốc thì có 1 hộ là người sống độc thân. Theo nhiều ước tính, con số này có thể tăng lên 32% vào năm 2030.

Cô Lee Seung Huyn là một cô gái bình thường như bao phụ nữ khác ở Seoul. Điều khác chăng là hàng tuần, vị nữ sinh viên đại học này ưa thích đi hát karaoke một mình ở những quán "Coin Noraebang"- những quán karaoke trả tiền tự động. Mỗi bài hát tại đây chỉ có giá khoảng 0,23 USD và trở thành địa điểm ưa thích của những người như cô Lee.

"Tôi cũng thích đến những quán Coin Noraebang cùng bạn bè nhưng tôi lại thường đi một mình bởi tôi có thể hát mà không phải chờ đợi người khác", Cô Lee trần tình.

Những hộ gia đình đơn thân

Với tình trạng tỷ lệ sinh giảm, số vụ ly dị tăng cao, nền kinh tế Hàn Quốc đang ngày càng hướng đến những khách hàng độc thân hiện đại. Tuy nhiên, việc hàng loạt các dịch vụ ra đời phục vụ cho những người độc thân lại đang khiến ngày càng nhiều giới trẻ nước này tiêu tốn thời gian sống một mình hơn là ra ngoài giao du xã hội.

Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc (NSO) cho thấy số hộ gia đình độc thân ở nước này đã tăng mạnh từ 9% tổng dân số lên 25,3% năm 2013. Nói cách khác cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ là người sống độc thân. Theo nhiều ước tính, con số này có thể tăng lên 32% vào năm 2030.

Khi cô đơn trở thành trào lưu tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Số hộ gia đình đơn thân và chi tiêu của họ được dự đoán sẽ tăng mạnh tại Hàn Quốc

Ngoài kiểu karaoke một mình như trên, những thanh thiếu niên độc thân Hàn còn có thể tốn thời gian trong các tiệm cà phê truyện tranh. Chỉ với một mức phí rẻ, khách hàng có thể tốn hàng giờ đồng hồ ngồi đọc các quyển truyện tranh trong quán. Rất nhiều tiệm cà phê truyện tranh này mở 24/24 giờ và có hẳn chỗ nằm nghỉ cho mọi người để ngả lưng đọc truyện.

Tuy nhiên, những cửa hàng tiện lợi mới là minh chứng rõ nhất cho sự dịch chuyển của nền kinh tế hướng đến lối sống độc thân trong giới trẻ (Solo Economy). Ví dụ, rất nhiều cửa hàng tiện lợi phục vụ đồ ăn sẵn, thức uống hay những sản phẩm dành cho một người thay vì những mặt hàng cho gia đình. Nhiều suất thức ăn đóng gói được chia nhỏ cho 1 người thay vì suất nhiều người cho gia đình.

Những loại thiết bị cho hộ gia đình đơn thân như máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh... đều được thiết kể nhỏ gọn hơn. Các nhà hàng cũng tung ra những chiêu khuyến mãi cho khách hàng đơn thân, bố trí những chỗ ngổi 1 mình thoải mái nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng. 

Số liệu của Hiệp hội ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc (KACSI) cho thấy tổng doanh số của các cửa hàng tiện lợi năm 2016 tại đây đạt 20,4 nghìn tỷ Won (20 tỷ USD), tăng 18,6% so với năm trước.

Giáo sư xã hội học Paul Chang của trường đại học Havard nhận định hàn Quốc đang dịch chuyển từ một thị trường chú trọng đến sức khỏe người dân cũng như gia đình sang đáp ứng nhu cầu của những người trẻ độc thân.

"Thị phần của những khách hàng độc thân đang ngày càng lớn trên thị trường và các công ty rõ ràng là đang phản ứng lại. Thậm chí xã hội Hàn Quốc còn hình thành nên cả những tiếng lóng riêng để nói về tầng lớp người độc thân", ông Chang nói.

Khi cô đơn trở thành trào lưu tại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Khi cô đơn trở thành trào lưu

Theo ước tính của Viện kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIIET), chi tiêu của các hộ gia đình đơn thân vào năm 2020 sẽ đạt 120 nghìn tỷ Won (113 tỷ USD), chiếm 15,9% tổng chi tiêu cá nhân của Hàn Quốc.

Ảnh hưởng đến toàn xã hội

Không riêng gì mảng tiêu dùng, ngành bất động sản Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng độc thân ở Hàn Quốc. Viện sức khỏe và xã hội Hàn Quốc (KIHASA) ước tính số hộ đơn thân tại Hàn Quốc đã tăng 8 lần từ 661.000 người vào năm 1985 lên 5,06 triệu người năm 2015. Vào năm 2035, những hộ gia đình đơn thân được dự đoán sẽ trở thành trào lưu chính trong xã hội.

Theo chuyên gia nghiên cứu Kim Eun Jin của hãng bất động sản Real Estate 114, chính quyền Seoul đã nhận ra xu hướng này và dành hẳn 20% quỹ nhà công cho thuê đối với những người sống độc thân.

Bà Kim cho hay chính việc mua nhà quá đắt đỏ đã khiến giới trẻ Hàn Quốc ưa chuộng thuê nhà một mình, hoãn cưới và thậm chí là từ bỏ quan niệm lập gia đình.

Một báo cáo của hãng mai mối hôn nhân Duo công bố vào tháng 6/2017 cho thấy độ tuổi kết hôn lần đầu của người Hàn đã tăng mạnh trong 10 năm qua, từ 33,4 ở nam và 30,7 ở nữ lên tương ứng 36 và 33 tuổi.

Đối với nam giới Hàn Quốc, việc lấy vợ là điều khó khăn khi họ chưa thể ổn định được tài chính. Thêm vào đó, văn hóa trọng nam khinh nữ khiến đàn ông nước này chịu nhiều áp lực khi có gia đình, qua đó khiến nam giới trẻ e ngại trước hôn nhân. Trong khi đó, ngày càng nhiều phụ nữ có học vấn muốn xây dựng sự nghiệp của mình thay vì phải ở nhà chăm con theo văn hóa truyền thống khi kết hôn, dẫn đến số tuổi lập gia đình ngày một tăng.

Khi cô đơn trở thành trào lưu tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Nền kinh tế độc thân (Solo Economy) đang lên ngôi tại Hàn Quốc

 Ngoài ra, tình hình kinh tế không khả quan, nhất là khi những biến động chính trị năm 2017 đang khiến thị trường Hàn Quốc có nhiều bất ổn đang ngày càng khiến giới trẻ nước này e ngại trước hôn nhân hơn.

"Sống độc thân khá tiện. Thoải mái nhất là khi bạn có tự do, có thể đưa bạn gái hay khách khứa về nhà mà không bị làm phiền", anh Choi Jun Ho, 32 tuổi, sống trong một căn hộ 40 m2 ở Gangnam-Seoul nói.

Hơn nữa anh Choi, một cựu giám đốc thương hiệu, có ý định học bàng thạc sĩ thời trang ở London và việc kết hôn sẽ tạo gánh nặng cho bản thân. Đây là một trong những nguyên nhân khiến anh Cho từ bỏ việc lập gia đình sớm.

AB

Cùng chuyên mục
XEM