Khẩu chiến ngành nước mắm: Ai ngon, ai an toàn?

18/10/2016 16:46 PM | Kinh doanh

Thông tin về việc 67% các mẫu khảo sát nước mắm có hàm lượng arsen cao hơn so với quy định đã gây xôn xao trên mạng xã hội, không chỉ với những người nội trợ mà còn với các chuyên gia. Có lẽ chưa bao giờ, thị trường nước mắm lại ồn ào đến thế.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm mỗi năm, doanh thu hơn 7.500 tỷ đồng, nhưng phần lớn thị phần đang nằm trong tay doanh nghiệp sản xuất mắm công nghiệp.

Mắm truyền thống: Hàng công nghiệp chỉ là mắm loãng pha phẩm màu

Thị trường nước mắm những năm gần đây chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa một bên được gọi là "nước mắm truyền thống" và bên còn lại là "nước mắm công nghiệp".

Hai khái niệm này mới chỉ xuất hiện những năm gần đây, bởi thời gian trước thị trường chỉ có một tên gọi chung là "nước mắm". Từ năm 2002, khi Unilever gia nhập thị trường nước mắm với thương hiệu Phú Quốc - Unilever, các sản phẩm nước mắm theo dây chuyền công nghiệp mới ra đời.

Thời điểm đó, Knorr Phú Quốc chính là đối thủ chính của nước mắm Chinsu. Quy trình sản xuất và kinh doanh Knorr Phú Quốc khá tốn kém vì được sản xuất, đóng chai thủy tinh tại đảo Phú Quốc, sau đó vận chuyển vào đất liền và phân phối đi khắp cả nước. Với sự cộng hưởng của 2 thương hiệu nổi tiếng là Knorr và Phú Quốc, sản phẩm này nhanh chóng giành được hơn một nửa thị trường.

Nỗ lực đuổi theo Knorr, Masan đã cải tiến chai thủy tinh truyền thống thành chai nhựa để nước mắm Chinsu nhẹ hơn, dễ vận chuyển, phân phối nhanh hơn và tăng cường các thông điệp quảng cáo. Kết quả, sau khi cải tiến, nước mắm Chinsu đã giành được xấp xỉ 10% thị phần.

Năm 2008, tái hiện câu chuyện của nước tương Tam Thái Tử, khi “marketing dựa trên sự sợ hãi” thành công vang dội, Masan Food tung ra nước mắm Nam Ngư. Tuy nhiên, lúc này, không có tai nạn nào xảy ra mà chính Masan Food đã tạo nên “sự cố” cho sản phẩm nước mắm.

Đưa ra thông điệp “Nam Ngư - Nước mắm không cặn”, loại nước mắm mới này đã khiến người tiêu dùng hoài nghi về những điều họ chưa từng nghĩ đến trước đó, giống như với 3-MCPD vậy. Chiến lược chinh phục người tiêu dùng bằng tiêu chí sức khỏe một lần nữa đã giúp Masan Food đảo lộn thị trường nước mắm.

Đến nay, sản phẩm nước mắm của Masan Food, tính cả 2 thương hiệu Chinsu và Nam Ngư, đã chiếm 65% thị phần. Đồng thời, nước mắm cũng là mảng tạo ra doanh thu cao nhất tại Masan Food (gần 50%, trong đó Chinsu khoảng 15% và Nam Ngư 31%).

Sự xuất hiện của nước mắm công nghiệp như Chinsu, Nam Ngư hình thành thói quen tiêu dùng mới của nhiều gia đình vị nhạt hơn và giá rẻ hơn. Ngành sản xuất nước mắm truyền thống điêu đứng, thị phần ngày càng teo tóp.

Số liệu của Euromonitor cho biết, năm 2015 nước mắm công nghiệp chiếm 76% thị phần (riêng Masan công bố chiếm 65% thị phần nước mắm), còn nước mắm truyền thống chỉ có 24%.

Thực tế này khiến tất cả các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đau đầu. Chủ tịch Công ty thuỷ sản 584 Nha Trang cho biết: "Ủ chượp từ cá với muối mới cho ra đời được nước mắm giàu đạm tốt chơ cơ thể, và quy trình này đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất lớn, công sức bỏ ra nhiều trong khi thời gian xoay vòng vốn khá lâu, mất 12-15 tháng mới cho ra đời được nước mắm giàu đạm".

Theo thông tin từ một Chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thuỷ sản, nước mắm công nghiệp chỉ cần dùng nước muối nhạt pha loãng với nước mắm truyền thống, bổ sung đạm, phẩm màu, chất điều vị, chất bảo quản, axit, hương cá là bán được ra thị trường. Vì vậy thời gian thành phẩm rút ngắn, tiết kiệm chi phí, rất có lợi cho doanh nghiệp.

Mắm công nghiệp: Độ đạm cao chưa hẳn là tốt, là ngon, là sạch

Ở chiều ngược lại, phía nhà sản xuất nước mắm công nghiệp, mà đại diện lớn nhất là Masan, với các sản phẩm nước mắm Chinsu, Nam Ngư, lại cho rằng việc pha loãng nước mắm là cần thiết, bởi không phải cứ đạm cao là tốt.

Tại buổi hội thảo về nước mắm ngày 10/10 vừa qua, bà Lê Thị Nga, Giám đốc phát triển sản phẩm cấp cao của Masan đưa ra 3 quan điểm về nước mắm, rằng "Không phải cứ đạm cao thì mới ngon, không phải cứ đạm cao là tốt và không phải cứ muối mặn là sạch".

Bà Nga giải thích rằng: "Nếu chỉ nhắc đến đạm toàn phần là không đầy đủ và hoàn toàn chưa đúng. Có 2 loại đạm: đạm axit amin sinh ra trong quá trình phân giải, lên men của cá. Đây là đạm tốt, cơ thể hấp thụ được. Chính đạm axit amin tạo ra vị ngon đặc trưng của nước mắm. Song song cũng diễn ra quá trình phân huỷ tạo ra đạm amoniac. Đây là đạm xấu, hay còn gọi là đạm thối, cơ thể không hấp thụ được, đồng thời làm cho sản phẩm có mùi khẳm, trở mùi và màu sắc bị xuống rất nhanh".

Bà Nga nói thêm rằng nước mắm ngon là nước mắm có đạm axit amin cao và đạm amoniac thấp, chứ không chỉ là đạm toàn phần cao. "Chúng tôi đã nghiên cứu hàng trăm các tài liệu khoa học và thực hiện hàng nghìn các thử nghiệm, đánh giá, đo lường, kiểm tra…. Và tìm thấy được tỷ lệ thuận giữa độ đạm cao và hàm lượng cao các chất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng".

Sau cùng, bà Nga khẳng định không phải cứ muối mặn là sạch. Theo bà Nga, quan niệm là muối mặn (bão hoà) trong nước mắm sẽ không làm bất kỳ vi sinh gây hại nào có thể tồn tại được là sai. Trên thực tế, vi khuẩn Clostridium perfringens loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột sống và phát triển được trong môi trường muối mặn này. Không những vậy, khuyến cáo của WHO về việc cần hạn chế sử dụng muối mỗi ngày vì là tác nhân gây các bệnh về tim mạch, cao huyết áp…

Tình tiết mới gây hoang mang mang tên Arsen (thạch tín)

Masan không công bố chi tiết về nghiên cứu này khi trả lời tại hội thảo tuần trước. Nhưng chỉ đúng 1 tuần sau vào ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt nam (Vinastas) tổ chức buổi công bố kết quả khảo sát toàn diện về nước mắm.

Kết quả của cuộc khảo sát này cho biết, hàm lượng Arsen (thạch tín) ở phần lớn mẫu cao hơn nhiều so với quy định. 67% các mẫu khảo sát tương ứng gần 101 mẫu nước mắm có hàm lượng trên 1,0mg và thậm chí 5mg/l, trong khi theo quy định, hàm lượng Arsen cho phép trong sản phẩm nước chấm tối đa 1,0mg/l.

Khảo sát này được thực hiện trên 150 mẫu đóng chai, thuộc 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại siêu thị, đại lý, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản trên 19 tỉnh thành phố cả nước. Đây được đánh giá là một cuộc khảo sát quy mô lớn.

Vinastas còn nhấn mạnh, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng arsen càng tăng.

Thế nhưng, liệu công bố của VINATAS có ý nghĩa báo động thật không, khi ngay sau khi đưa ra con số 67%, chính đại diện của Hiệp hội lại nói thêm rằng: "Người tiêu dùng không quá lo ngại arsen vượt ngưỡng bởi đó là arsen hữu cơ, khi vượt ngưỡng vẫn an toàn".

Một chuyên gia thì giải thích thêm: Nước mắm làm từ cá nên chắc chắn có arsen nhưng đa số là arsen hữu cơ ở dạng Arsenobetaine không độc hại. Trong khi đó arsen vô cơ thì độc hại.

Mặc dù vậy, Hiệp hội dường như quên rằng, người tiêu dùng đi mua nước mắm không phải là những nhà khoa học. Họ chẳng quan tâm đâu là arsen hữu cơ hay arsen vô cơ.

Điều mà người tiêu dùng quan tâm đó là chai nước mắm họ đang sử dụng hàng có an toàn hay không? Chắc chắn chẳng có ai cảm thấy an tâm khi hay tin chai nước mắm mình đang cầm trên tay có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép nhưng... vẫn an toàn.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM