Kháng sinh tràn lan trong thực phẩm, hại sức khỏe cả dân tộc

20/04/2016 09:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Chất kháng sinh vẫn đang được sử dụng tràn lan trong hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa được kiểm soát. Tại sao?

Cũng như chất tạo nạc, các loại kháng sinh tồn dư trong thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng hiện vẫn đang được sử dụng tràn lan trong hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa được kiểm soát.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong khi chỉ có khoảng 10% số heo sử dụng chất tạo nạc cấm, gần 100% trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đều dùng kháng sinh, trong đó có nhiều loại kháng sinh cấm.

Gần như tất cả các trang trại và hộ chăn nuôi đều dùng kháng sinh. Đây là một nguy cơ rất lớn đến sức khỏe của cả một dân tộc nếu không được kiểm soát tốt

Ông NGUYỄN VĂN VIỆT (chánh thanh tra 
Bộ NN&PTNT)

Những con số đáng sợ

Trong một báo cáo vừa được công bố, Cục Thú y cho biết tình trạng sử dụng kháng sinh diễn ra phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có nhiều loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng.\

Cụ thể, trong năm 2015 và ba tháng đầu năm 2016, Cục Thú y đã tổ chức khảo sát trực tiếp tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL, kết quả cho thấy tỉ lệ cơ sở, hộ nuôi cá tra và nuôi tôm có sử dụng kháng sinh khá cao.

Theo đó, kết quả kiểm tra 139 hộ nuôi cá tra thương phẩm tại Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang cho thấy gần 83% hộ sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, trong các loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh được sử dụng rộng rãi có cả những loại cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong thủy sản như Amoxicillin, Ampi, Colistin, Cephalosporin, Doxycycline, Enrofloxacin, Sunfa, Tetracyclin...

Tương tự, kiểm tra 139 cơ sở sản xuất cá giống tại ba địa phương này, cơ quan chức năng phát hiện có gần 76% cơ sở sử dụng kháng sinh, trong đó có nhiều loại kháng sinh cấm sử dụng.

Tại Bạc Liêu, kết quả điều tra 218 cơ sở nuôi thương phẩm cho thấy có đến 67% cơ sở sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, từ khi thả nuôi đến khi tôm được 3 tháng tuổi với mục đích đề phòng bệnh cho tôm, trong đó có các loại bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin, Chloramphenicol... Thậm chí, hơn 42% số hộ được hỏi cho biết không rõ mình sử dụng thuốc thú y hay thuốc cho người!

Cũng theo báo cáo này, trong năm 2015 có 16 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 109,4 tấn nguyên liệu Enrofloxacin, khoảng 15 công ty nhập 284,9 tấn nguyên liệu Oxytetracyclin và 5 công ty nhập khẩu hơn 6,8 tấn nguyên liệu kháng sinh Tetracycline, đều được đăng ký nhập khẩu với mục đích sản xuất thuốc thú y. Đây là ba nhóm nguyên liệu kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, như số liệu điều tra cho thấy các loại kháng sinh này đã được sử dụng tràn lan trong nuôi trồng thủy sản. Trong thực tế, theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thời gian qua hàng loạt lô hàng thủy sản xuất khẩu của VN đã bị nhiều thị trường trả về với lý do có lượng tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép.

Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Nafiqad, cho biết dù số lượng các lô hàng thủy sản của VN bị cảnh báo và trả về trong quý 1-2016 đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức báo động, với 31 lô hàng của VN bị nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép, buộc phải trả về.

Tuy nhiên, người dân không biết những lô hàng bị trả về này đã được sử dụng vào mục đích gì, có được các doanh nghiệp tuồn vào thị trường nội địa để tiêu thụ, đầu độc chính người tiêu dùng VN?

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ họa: Tấn Đạt

Chăn nuôi cũng 
lạm dụng kháng sinh

Không chỉ nuôi trồng thủy sản, các trang trại chăn nuôi cũng đang sử dụng tràn lan các loại kháng sinh, trong đó có cả những loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ một trang trại nuôi gà công nghiệp tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai, thừa nhận các trang trại chăn nuôi thường xuyên trữ hàng đống các loại kháng sinh, vừa để cho gà ăn theo định kỳ vừa phải xử lý khi xảy ra dịch bệnh.

“Sử dụng kháng sinh thường xuyên, sức khỏe vật nuôi giảm dần và càng phụ thuộc nhiều hơn nhưng không dùng không được. Nếu trại nào ngưng kháng sinh là phá sản ngay”, ông Sơn cho hay.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi cũng khẳng định việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là chuyện rất bình thường vì môi trường chăn nuôi ở VN rất nhiều dịch bệnh.

Không chỉ mua thuốc về sử dụng theo hướng dẫn, nhiều chủ trang trại còn mua luôn cả nguyên liệu kháng sinh đậm đặc về tự pha chế để chữa bệnh cho vật nuôi vì thuốc trên thị trường không đủ “đô”.

Thuốc kháng sinh được mua bán tự do mà hầu như không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Có những hộ chăn nuôi còn mua thuốc kháng sinh của người để chữa bệnh cho vật nuôi.

Bản thân các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng cho kháng sinh vào sản phẩm của họ. “Đã có vài công ty nước ngoài không sử dụng kháng sinh trong cám cho heo, gà nhưng cạnh tranh không nổi với cám có kháng sinh nên họ cũng làm theo.

Có thể nói rất nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đều cho kháng sinh vào cám vừa để phòng bệnh cho vật nuôi, vừa giúp vật nuôi tăng trọng nhanh hơn”, giám đốc marketing một công ty thuốc thú y tại TP.HCM cho hay.

Theo GS Lã Văn Kính - giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam bộ, tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi phổ biến do thói quen của người dân khi xảy ra bất cứ vấn đề gì với sức khỏe vật nuôi đều chọn cách dễ nhất là dùng kháng sinh để xử lý.

Bên cạnh đó, việc mua bán kháng sinh ở VN là quá dễ dàng nên càng khuyến khích người dân dùng các thuốc này thay vì tập trung vào phòng bệnh, cân bằng dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe vật nuôi và giảm chi phí.

“Nhiều người chăn nuôi đã quá lạm dụng kháng sinh nhưng không biết hoặc không quan tâm rằng việc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Kính nói.

Nguy cơ đến sức khỏe cả dân tộc!

Phát biểu tại diễn đàn “Quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi” vừa được tổ chức mới đây tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định “xét về quy mô và tác hại, chất kháng sinh dùng trong chăn nuôi còn nguy hiểm hơn chất tạo nạc nhiều”.

Theo ông Việt, các chất kháng sinh, trong đó có cả những kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, vẫn đang được sử dụng tràn lan và rộng rãi trong mọi ngành chăn nuôi từ heo, gà, trâu, bò.

“Trong khi tỉ lệ heo dùng chất tạo nạc bị phát hiện chỉ dưới 10%, gần như tất cả trang trại và hộ chăn nuôi đều phải dùng kháng sinh. Đây là một nguy cơ rất lớn đến sức khỏe của cả một dân tộc nếu không được kiểm soát tốt”, ông Việt cảnh báo.

Theo ông Việt, việc sử dụng kháng sinh một cách tự do xảy ra trong nhiều năm qua gây nguy cơ lớn do tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt và đi vào cơ thể người tiêu dùng có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc kháng sinh, một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của cả một quốc gia.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ. Việc cấp phép nhập khẩu kháng sinh và công tác quản lý sử dụng kháng sinh trong thực tế là hai khâu tách rời.

Do đó, có tình trạng nhiều loại kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng vẫn được nhập khẩu và buôn bán tự do.

Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT thừa nhận về nguyên tắc, nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu về chỉ được bán cho các đơn vị sản xuất thuốc thú y để sản xuất thuốc cho ngành chăn nuôi nhưng các công ty vẫn có thể tuồn ra bán trực tiếp cho các đại lý, người chăn nuôi.

Cùng với việc khuyến cáo người dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản một cách có trách nhiệm, phải làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng và hạn chế hiện tượng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm, Cục Thú y cho biết sẽ đề xuất các cơ quan chức năng liên quan tập trung thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu và lạm dụng đối với các loại kháng sinh.

Trước mắt, theo Cục Thú y, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt nguồn nhập khẩu và việc sử dụng các loại kháng sinh như Nitrofuran (cấm sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản), Enrofloxacin (cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản), Tetracycline và Oxytetracycline (hạn chế sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản)...

* Ông Lê Bá Lịch (chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN):

Ngưng dùng kháng sinh khi heo trên 70kg

Môi trường chăn nuôi của VN ẩn chứa nhiều nguy cơ dịch bệnh nên phải dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y chữa bệnh, chưa kể tác dụng kích thích tăng trọng cho vật nuôi.

Tuy nhiên, do kháng sinh có thể tồn dư trong cơ thể vật nuôi rồi sau đó sẽ vào cơ thể người, dẫn tới nguy cơ kháng kháng sinh ở người nên cần có biện pháp kiểm soát.

Theo tôi, khi heo đạt trọng lượng 70kg, trước thời điểm heo bị giết mổ một tháng, phải ngưng toàn bộ kháng sinh cả trong thức ăn lẫn phòng trị bệnh.

* PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (giảng viên Đại học Y dược TP.HCM):

Nguy cơ cực lớn với sức khỏe cộng đồng

Nếu người chăn nuôi sử dụng kháng sinh tràn lan sẽ dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh trên vật nuôi, tức là các loại vi khuẩn gây bệnh cho vật nuôi sẽ chống chọi lại thuốc làm thuốc mất tác dụng.

Khi đó người chăn nuôi phải sử dụng thuốc với liều lượng cao hơn hoặc thay loại thuốc mới nặng “đô” hơn. Nguy hiểm hơn, kháng sinh tồn dư trong vật nuôi sẽ đi vào cơ thể người ăn thịt cũng sẽ gây nên hiện tượng kháng kháng sinh ở người.

Đây là một nguy cơ cực lớn với sức khỏe cộng đồng khi các loại thuốc kháng sinh đang dùng bỗng dưng mất tác dụng. Sức khỏe của người bệnh và sau đó là cả cộng đồng sẽ suy yếu nếu không có kháng sinh thay thế và quy trình này cứ thế tiếp diễn.

Để nghiên cứu ra một loại kháng sinh mới phải mất 5-10 năm và rất tốn kém, nếu hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra trong thời gian chưa tìm được loại kháng sinh mới thay thế sẽ là một thảm họa.

Theo Trần Mạnh - Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM