Khách hàng, tài xế nói gì về chuyện "bỏ quên" những đồng bạc lẻ khi trả cuớc taxi?

26/06/2016 08:13 AM | Sống

Nhiều khách hàng sẵn sàng "tips" thêm nếu cảm thấy lái xe thực hiện tốt trách nhiệm của mình, trong khi đó, không ít người bỏ qua tiền lẻ thừa vì nghĩ tài xế không chuẩn bị sẵn chúng trong ví. Lý do này cũng được nhiều lái xe giải thích cho việc không hoàn lại đủ tiền thừa cho khách.

Những ngày gần đây, câu chuyện về những đồng bạc lẻ chưa bao giờ lại trở nên "nóng" đến vậy. Người ta quan tâm về nó, không chỉ bởi giá trị của 1.000 hay 2.000 đồng đủ tiêu cho việc gì, sâu xa hơn, đó chính là cách đối xử tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chính giá trị đồng tiền mà mình và người khác vất vả kiếm được.

Nếu như cách đây không lâu, câu chuyện của nickname P.L liên quan đến chuyện trả kẹo thay tiền lẻ ở siêu thị đã tạo nên làn sóng tranh luận "nảy lửa" thì mới đây, một câu chuyện khác, cũng lại liên quan đến vấn đề tiền lẻ tiếp tục trở thành chủ đề quan tâm của nhiều người.

Những dòng chia sẻ đáng suy ngẫm của nickname Nguyễn Ngọc Thạch
Những dòng chia sẻ đáng suy ngẫm của nickname Nguyễn Ngọc Thạch

Facebooker Nguyễn Ngọc Thạch đi xe taxi và thừa 2.000 đồng. Thế nhưng, dù tài xế có tờ tiền ấy cũng cố tình lờ đi, không định trả. Cho đến khi người này nhắc, lái xe mới hoàn lại đầy đủ và không quên, nói thêm những lời tỏ thái độ không bằng lòng.

"Đừng trách vì sao các hãng xe thanh toán qua thẻ tín dụng ngày càng phát triển và được ưa chuộng hơn. Và, chợt buồn vì đôi khi người ta bán sự tôn trọng của người khác dành cho mình với mức giá 2.000 đồng", nickname Nguyễn Ngọc Thạch khép lại đoạn chia sẻ của mình bằng những câu nói rất đáng suy nghĩ.

2.000 đồng, chắc chắn chỉ là một số tiền rất nhỏ, nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi, vì sao mình thường bỏ qua chúng mỗi khi đi taxi và cánh lái xe, họ có thực sự cần vài đồng bạc lẻ đến như thế?

"Mình bỏ qua tiền lẻ vì coi như mời tài xế cốc trà đá"

Phan Nhâm Chính (chuyên viên lập trình làm việc tại Hà Nội) tâm sự, anh thường xuyên đi taxi và không ít lần, thừa ra số tiền khá lẻ, từ 1.000 đến 5.000 đồng.

"Tôi hay đi taxi vào buổi sáng nên thừa vài ngàn thì bo luôn lái xe, coi như mở hàng hoặc là giống việc mời bác tài cốc trà đá vậy".

Trong khi đó, chị Nghiêm Thị Hồng Tâm (Ứng Hòa - Hà Nội) chia sẻ, chị rất ít khi không được hoàn lại tiền lẻ dù đã đi taxi khá nhiều.

"Những lần như thế, tài xế thường nói rất nhã nhặn là "chị cho em được không, em không có tiền lẻ và mình vô tư bỏ qua".

Chị Tâm cũng cho biết, có nhiều trường hợp, dù tài xế có ý trả lại tiền lẻ nhưng chị vẫn bỏ qua và không để ý đến.

"Ví dụ có lúc đi xe vào giờ cao điểm, đường tắc kinh khủng, thế mà anh lái xe taxi không hề cáu gắt hay phàn nàn gì và khi đến nơi, anh ý vẫn trả lại tiền đàng hoàng, dẫu đó chỉ là vài nghìn lẻ. Đoạn đường mình đi không nhiều, mình nghĩ lái xe cũng vất vả mà không kiếm được bao nhiêu nên mình không lấy, coi như là cách thể hiện sự hài lòng của mình đối với dịch vụ của họ".

Những khi đường tắc, chị Tâm cảm thấy rất thương cánh lái xe taxi vì dù vất vả nhưng nếu đi đường ngắn, họ cũng không kiếm được bao nhiêu.
Những khi đường tắc, chị Tâm cảm thấy rất thương cánh lái xe taxi vì dù vất vả nhưng nếu đi đường ngắn, họ cũng không kiếm được bao nhiêu.

Chị Tâm cũng chia sẻ thêm, một lần khác chị đi taxi nhưng lái xe lại không nhớ rõ đường do mới vào nghề. "Vì quá ngại với khách do làm mất thời gian của mình, anh ấy đã thậm chí không lấy tiền nhưng mình vẫn trả và có bo thêm cho anh", chị Tâm nói thêm.

Nhiều hành khách luôn nghĩ tài xế không có đủ tiền lẻ để hoàn lại

Khác với chị Tâm, chị Ngô Thị Thảo (chuyên viên thiết kế) chia sẻ, bản thân chị cũng thi thoảng gặp tình huống lái xe không trả lại tiền lẻ. Theo chị Thảo, lý do của hầu hết những lần như vậy chỉ là vì các bác tài xế không chuẩn bị sẵn chúng trong ví.

"Tuy nhiên, có một lần duy nhất tôi gặp một anh lái taxi trẻ, khi tôi xuống xe, tiền thừa của tôi là 13.000 đồng nhưng tôi chỉ nhận được 10.000 đồng. Điều đáng nói là anh ý coi việc này là đương nhiên".

Chị Thảo, chuyên viên thiết kế làm việc tại Hà Nội.
Chị Thảo, chuyên viên thiết kế làm việc tại Hà Nội.

Khi chị Thảo hỏi lại lái xe vì sao không hoàn lại thêm 3.000 đồng, anh lái xe xòe một nắm tiền chẵn trước mặt chị Thảo, ý muốn nói không có tiền để trả lại. "Mình thấy hơi bực dọc vì thái độ cư xử của anh ý. Đáng lẽ, nếu không có tiền lẻ thì anh ý nên nói cho khách biết một tiếng, không nên có thái độ khó chịu như vậy".

Chị Thảo tâm sự, lần nào đi taxi, chị cũng nhận lại đúng số tiền lẻ mình dư thừa. "Với tôi, 2.000 hay 1.000 đồng cũng quan trọng vì tôi hiểu, kiếm tiền đâu có dễ".

Vì phải lao động từ nhỏ nên cuộc sống của chị Thảo trải qua nhiều vất vả. Năm chị học lớp 8, chị từng đi làm thêm vào kỳ nghỉ hè của mình. "Hồi ấy tôi cắt con kén để người ta lấy con nhộng ra bán với giá 3.000 đồng/kg và để có được số tiền ấy, tôi phải mất tới 1h30 phút".

Theo chị, số tiền lẻ thừa tuy không to tát gì song nó có thể sử dụng vào nhiều việc ý nghĩa hơn. "Và tôi nghĩ các anh, các bác vẫn còn sức lao động, không hà cớ gì mình phải quyên góp cả".

Đồng tình với ý kiến của chị Thảo, anh Sơn cũng cho hay, những lần anh không có ý tips cho tài xế nhưng vẫn phải miễn cưỡng bỏ qua tiền lẻ thừa chỉ là do phía người cung cấp dịch vụ chẳng có tiền lẻ để hoàn lại cho khách.

"Mình không đồng tình với cách làm này vì dù tiền lẻ không đáng là bao, như mình, mình sẵn sàng tips cho họ. Thế nhưng, không phải ai cũng khá giả mà bỏ ngơ những đồng tiền lẻ như thế", anh Sơn nói. Theo anh, thay vì lý do không có đủ tiền lẻ, cánh lái xe hoặc phía các siêu thị nên chuẩn bị sẵn nhiều đồng bạc lẻ để hoàn lại đủ cho khách hàng.

Tài xế không hoàn lại vì không có tiền lẻ

Nhắc đến câu chuyện hoàn lại tiền lẻ cho khách, anh Đông (lái xe taxi quanh khu vực bệnh viện 198) tâm sự: "Lần nào khách thừa tiền lẻ, dù 1.000 đồng tôi cũng trả lại". Theo anh, những tình huống anh thiếu tiền khách chỉ là bởi trong ví đã hết tiền lẻ.

"Mỗi ngày mình cũng chạy nhiều chuyến. Có lúc hết tiền lẻ thì buộc phải nói rõ để khách thông cảm. Cũng có người khó chịu nhưng số lần như vậy rất ít", anh Đông tâm sự.

Anh Nam, lái xe taxi quanh khu vực bệnh viện 198 (Hà Nội).
Anh Nam, lái xe taxi quanh khu vực bệnh viện 198 (Hà Nội).

Lý do hết tiền lẻ có vẻ được rất nhiều người viện dẫn. Anh Nam, một đồng nghiệp khác của anh Đông cũng chia sẻ: "Thực sự thì mình chẳng thể nào giàu có lên nhờ vài đồng bạc lẻ. Nếu có lúc nào không trả lại cho khách thì đó chẳng qua là do mình không có tiền lẻ thôi".

Thậm chí, anh Nam cho hay, nếu khách hàng không thông cảm mà xe đỗ gần hiệu tạp hóa hay quán nước, anh sẵn sàng xuống xe, mua một món đồ gì đó để có tiền lẻ hoàn lại cho họ.

Anh Nam tâm sự, nghề lái xe taxi thực ra rất vất vả nhưng thu nhập lại không cao. "Vì thế, mình cũng hiểu giá trị đồng tiền chứ không đến mức xấu xa như nhiều người nghĩ".

Anh Giang, lái xe taxi quanh khu vực Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội.
Anh Giang, lái xe taxi quanh khu vực Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm này, anh Giang, một lái xe khác quanh khu vực Trần Bình, Cầu Giấy, tâm sự: "Thi thoảng, chúng tôi cũng được khách bo thêm ít tiền khi thấy hài lòng với dịch vụ, chúng tôi cảm ơn và vui vẻ nhận còn nếu họ không cho, thừa bao nhiêu, chúng tôi hoàn lại đủ cả".

Theo anh Giang, những trường hợp anh không trả đủ tiền lẻ cho khách không nhiều và tất cả chỉ là vì các lý do bất khả kháng. "Lái xe taxi cũng có người này, người kia, chắc cũng có người cố ý lờ đi số tiền lẻ của khách để kiếm thêm. Song tôi nghĩ, những người ấy một là không nhiều, hai là họ có thể có hoàn cảnh khó khăn. Dù sao đó không phải là cách làm của tôi và tôi không có bình xét gì về chuyện ứng xử của những lái xe khác", anh Giang nói thêm.

Cùng chuyên mục
XEM