Khắc phục nghịch lý 'có tiền không tiêu được'

08/04/2017 21:21 PM | Kinh tế vĩ mô

Mặc dù không đạt kế hoạch năm 2016 nhưng các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân vốn ngân sách Nhà nước cao hơn nhiều so với năm 2015, với mức giải ngân tăng 26%.

Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công tới “phút... Giải ngân chậm và câu chuyện hiệu quả đầu tư... Đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công Đầu tư công: Nêu rõ dự án sai phạm, xử... Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị khẩn trương...

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân được 231.569,47 tỷ đồng, đạt 92,3% kế hoạch vốn đã thông báo, tăng 26% so với năm 2015, trong đó các bộ, ngành Trung ương đã giải ngân 61.602,624 tỷ đồng, đạt 93,9% kế hoạch; các địa phương giải ngân 169.966,846 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch.

Có 20 bộ, ngành Trung ương và 18 địa phương giải ngân trên 95% kế hoạch, trong đó có 7 bộ, ngành giải ngân 100% kế hoạch được giao. Ngoài ra còn có 4 bộ, ngành và 27 tỉnh giải ngân vượt kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 được giao.

Tuy nhiên việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm so với kế hoạch đề ra. Năm 2016, các bộ, ngành và địa phương mới giải ngân được 31.996,321 tỷ đồng, đạt 67,4% kế hoạch (trong khi năm 2015 đạt 75% kế hoạch).

Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ngân sách Nhà nước đã góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2016, giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả trên là nỗ lực lớn của các cấp, ngành và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và Công điện số 2144/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải nguồn vốn này.

Năm 2016 là năm đặc biệt khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành hai văn bản liên quan tới đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm 2016, vốn ngân sách Nhà nước mới giải ngân đạt 29,6% kế hoạch năm 2016, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 21,8% kế hoạch, đều là những mức rất thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Mối lo không hoàn thành kế hoạch giải ngân, thậm chí giải ngân còn thấp hơn cả năm 2015 về số tuyệt đối luôn thường trực trong các cơ quan quản lý ngân sách ở Bộ Tài chính khi đây là năm đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Nguyên nhân là do chủ đầu tư lúng túng khi triển khai các thủ tục đầu tư theo các Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đầu tư công, nhất là trong thực hiện Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như chủ đầu tư dự án tập trung hoàn thiện thủ tục đối với dự án kéo dài từ năm 2015 sang nên chưa chủ động giải ngân vốn năm 2016; chủ đầu tư chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không đủ năng lực thi công; chủ đầu tư chưa tích cực, chậm lập, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thanh toán các dự án đã được bố trí vốn trả nợ dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án hoàn thành quyết toán…

Trước tình hình khó khăn trên, chỉ sau khi Chính phủ của Quốc hội khóa XIV thành lập được ít lâu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng.

Tổ công tác đã nhóm họp hai lần nhằm đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân nguồn vốn đầu tư quan trọng này. Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian trực tiếp nghe các bộ liên quan báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Các phiên họp Chính phủ cũng thường xuyên cập nhật thông tin, thảo luận và thống nhất các biện pháp đẩy nhanh thực hiện các dự án sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn đặt ra vấn đề xem xét trách nhiệm của cán bộ chậm trễ, cản trở công tác giải ngân.

Cùng với quyết tâm của Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước cũng thành lập các tổ công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn của mình.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kết quả giải ngân những tháng cuối năm có sự chuyển biến tích cực và khi kết thúc thời gian giải ngân năm 2016 theo Luật Đầu tư công, việc giải ngân vốn ngân sách Nhà nước tuy không đạt kế hoạch nhưng giải ngân vượt so với năm 2015.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Yêu cầu giải ngân kịp thời vốn đầu tư công tiếp tục được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết của phiên họp thường kỳ tháng 2/2017. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương khẩn trương rà soát phương án phân bổ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Danh mục dự án các bộ, ngành Trung ương, địa phương đề xuất kéo dài kế hoạch đầu tư công năm 2016 sang năm 2017; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương còn lại trước ngày 15/3/2017; khẩn trương phối hợp với các bộ chủ quản các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng chương trình mục tiêu trong tháng 3/2017.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính tới nay, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 13/14 nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 60/NQ-CP về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, còn Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng để xin ý kiến Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, Nghị định thay thế cho Nghị định 59 sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền về thẩm định các dự án dùng ngân sách nhà nước dưới 15 tỷ đồng cho các chủ đầu tư; toàn bộ vốn do TPHCM và Hà Nội tự quyết định đầu tư thì tự thẩm định không phải chuyển lên Bộ thẩm định; Bộ Công Thương có thể ủy quyền cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc thẩm định dự án B, C.

Về tổ chức lại ban quản lý dự án, ông Bùi Phạm Khánh cho rằng xu hướng chung là chuyển về ban quản lý chuyên ngành để quản lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trước khi chuyển đổi, Nghị định mới cho phép chủ đầu tư tự quản lý hoặc thuê tư vấn giám sát.

Về lâu dài, Chính phủ cần phải kiến nghị Quốc hội sửa Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành và địa phương thẩm định các dự án; nâng cao năng lực cơ quan ban quản lý dự án; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi, bình đẳng trong thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội...

Do đến ngày 31/7/2017 còn nhiều công trình, dự án thuộc kế hoạch năm 2016 chưa giải ngân hết kế hoạch vì các nguyên nhân khác nhau (hiện đã có 40/56 bộ, ngành Trung ương và 40/63 địa phương đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2016 sang năm 2017), Bộ KH&ĐT trình Chính phủ nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng được phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 sang năm 2017.

Đối với nguồn vốn trong nước: Các bộ, ngành Trung ương không được giao vốn năm 2017 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn năm 2016 còn lại sang năm 2017 theo đề nghị của các bộ ngành. Còn bộ, ngành Trung ương và địa phương nào được giao vốn năm 2017 thì chỉ xem xét, kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn năm 2016 đối với 9 trường hợp: Vốn đối ứng cho các dự án ODA; các dự án không được giao vốn năm 2017 do đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch năm 2016 được giao; các dự án phòng, chống, khắc phục thiên tai khẩn cấp; các dự án bố trí vốn đền bù, giải phóng mặt bằng mà phương án thực hiện đã được phê duyệt;… Thời gian thực hiện và giải ngân các khoản vốn kéo dài đến hết ngày 31/12/2017.

Đối với vốn nước ngoài: Không kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với các dự án giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước.

Đối với vốn trái phiếu Chính phủ: Cho phép kéo dài toàn bộ số vốn này của năm 2016 đến hết ngày 31/1/2017 chưa giải ngân hết sang năm 2017 để tiếp tục thực hiện.

Theo Quốc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM