Kêu quá tải, sự thật là 80% sân bay Việt Nam hoạt động công suất dưới 5%

04/10/2017 14:04 PM | Xã hội

"Có thể nói đầu tư như vậy chưa hiệu quả, chưa hết công suất, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa", chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận xét.

Phát biểu tổng kết tại buổi Công bố Báo cáo đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết đồng tình với các vấn đề mà báo cáo chỉ ra. Trong đó, đặc biệt là hiệu quả quản lý đầu tư và sử dụng hệ thống các sân bay, cảng biển của Việt Nam.

Những con số đáng chú ý được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra như 80% các sân bay Việt Nam đang hoạt động với công suất dưới 5%. Có tới 8% trong số các sân bay đang làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có những cụm cảng biển rất quan trọng đầu tư khá lớn nhưng công suất sử dụng chưa đến 2%.

Dù vậy, bà Jung Euth Oh, chuyên gia giao thông cao cấp, Ngân hàng Thế giới, chỉ ra, nếu tất cả các dự án sân bay cảng được phê duyệt, Việt Nam sẽ có hệ thống sân bay và cảng nước sâu nhiều nhất thế giới so với quy mô nền kinh tế.

"Có thể nói đầu tư như vậy chưa hiệu quả, chưa hết công suất, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa. Theo đó, tổng đầu tư cần phải cân đối tốt hơn giữa các lĩnh vực giao thông và với duy tu bảo dưỡng", bà Jung nhận định.

Theo vị chuyên gia, ngân sách cho duy tu bảo dưỡng còn thấp hơn yêu cầu. Quỹ bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng được nửa yêu cầu cần thiết.

Bà Jung cho biết, chi phí uy trì, bảo dưỡng đường bộ sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí đầu tư sửa chữa, thay thế đường. Theo đó thay vì đầu tư các khoản lớn để sửa chữa, cần nhìn nhận chi phí tổng thể trong cả vòng đời dự án.

Hiện nay tỷ lệ chi cho duy tu bảo dưỡng trong tổng tiền ngành giao thông tại Việt Nam chỉ chiếm 11% trong khi tỷ lệ này tại các nước OECD là 30%. Biết rằng so sánh như vậy không công bằng vì Việt Nam đang tập trung mở rộng mới đường bộ, nhưng bà Jung cho rằng Việt Nam cần nhiều hơn chi phí cho việc duy tu bảo trì đường bộ so với hiện nay.

Báo cáo cũng chỉ ra mặt tích cực khi hệ thống đường bộ của Việt Nam được mở rộng hơn. Tuy nhiên khi nhìn vào tổng thể về tiến độ đạt được trong ngành, số lượng tính bằng chiều dài đường bộ chỉ là một phần, cần lưu ý hơn việc mạng lưới mở rộng đó có mở rộng kết nối hay không. Ngoài đường bộ, Việt Nam cần cân đối đầu tư vào các hình thức giao thông khác như đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải...

Nhìn vào yếu tố chất lượng đường bộ có thể thấy Việt Nam còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Thời gian đi lại trong mạng lưới đường bộ vẫn chưa đi kịp với nhiều nước trong khu vực. "Trung bình mất 2h mới đi được 100km khi đi ở hệ thống đường bộ ở Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với nhiều nước trong khu vực kể cả Trung Quốc và các nước lân cận", vị chuyên gia dẫn chứng.

Bên cạnh đó, mật độ đường cao tốc của Việt Nam hiện chưa bằng các nước khác. Đường chất lượng cao hiện đang thiếu dẫn đến tốc độ đi lại còn chậm.

Báo cáo cũng chỉ ra, chi tiêu của giao thông của Việt Nam chiếm 23% chi tiêu của Chính phủ, chiếm 8% ngân sách. Chi tiêu của ngành giao thông vận tải tăng 5 tỷ USD năm 2012.

Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, thời gian tới Việt Nam cần đầu tư vốn cho các lĩnh vực giao thông có chiến lược, đặc biệt là đầu tư công. Hàng năm chúng ta cần 5 tỷ USD đầu tư cho giao thông là tối thiểu để đảm bảo cho nền kinh tế đang phát triển. Tổng nhu cầu đầu tư cho giao thông của Việt Nam là 8 tỷ USD mỗi năm.

Như vậy, thách thức là khoảng cách rất lớn về vốn đầu tư cho giao thông hiện nay. "Làm thế nào để huy động sự tham gia của tư nhân trong phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ để đảm bảo giao thông, trong bối cảnh ngân sách và nguốn vốn ODA chỉ có thể chiếm phần nhỏ", chuyên gia đặt ra vấn đề đối với ngành giao thông. Việt Nam cần phải cân nhắc huy động vốn tư nhân vay thương mại, vay dự án, kể cả đầu tư theo hình thức công tư PPP.

Vị chuyên gia khuyến cáo cần có chiến lược giao thông toàn quốc. Theo đó, cần nhìn tổng thể các chiến lược giao thông, gộp tất cả các chiến lược từng ngành để xác định ưu tiên đầu tư.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM