Kè kè cạnh bên bảo vệ con mới là yêu con: Thế giới mới, cớ sao bạn vẫn áp dụng tư duy cũ kỹ?

25/10/2019 21:30 PM | WeLearn

Tôi thường nói, khi thời đại thế hệ 5x – 6x luôn phải "thể hiện hão, có sĩ diện" với họ hàng, làng xóm, thế hệ 7x – 8x thì "thể hiện" với bạn bè, thì thế hệ 9x trở về sau, họ phải "thể hiện"với cả thế giới, vì nhất cử nhất động đều là cả cộng đồng mạng đều biết. ..

Tôi viết bài này sau một loạt các thông tin không tốt lành xảy ra trong thời gian gần đây, liên quan đến vụ việc 2 bé trường quốc tế tại Quận 2 tự tử, nữ ca sỹ Hàn Quốc cũng chọn cách kết thúc cuộc đời… và mới đây nhất lại là một người quen cũng chọn cách tương tự để giải quyết mọi chuyện… Mẫu số chung của những người này đều rất trẻ, thế hệ 10x và 9x và cũng đều đang có một cuộc sống khá dư dả về vật chất. 

Các câu chuyện trên đang ngày càng khiến các bậc phụ huynh lo lắng, hoang mang. Và đâu đó cũng lại là các thông điệp được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rất nhiều lần về việc cha mẹ nên gần con, thấu hiểu con và cùng chia sẻ với con. Nhưng đó chỉ là hiện tượng, mấu chốt của các việc "gần, thấu hiểu, bên cạnh" đó là để con không cảm thấy đơn độc và luôn an tâm khi có chỗ dựa tinh thần.

Những thông tin gần đây, rõ ràng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả những bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, hãy nhìn lại 10 - 30 năm trước, thời còn nghèo khó, cha mẹ còn không có thời gian quan tâm con cái như bây giờ, miếng cơm manh áo đang là ưu tiên hàng đầu. Họ còn không thể cho con cái cả thời gian và vật chất, nhưng đứa trẻ nào cũng biết phấn đấu. Thời nay, đai đa phần cha mẹ nào cũng dành điều tốt nhất cho con, và ít nhất đứa trẻ nào cũng hiểu cha mẹ chúng quan tâm chúng biết dường nào. Cha mẹ quan tâm và chăm sóc con đến nỗi, trong văn hóa Á Đông, họ còn dùng cả từ hy sinh thời gian, công sức, thậm chí cả hạnh phúc và niềm vui cá nhân, nhưng bù lại sức chịu đựng của thế hệ 9x - 10x lại cực kỳ thấp. Tại sao vậy?

Kè kè cạnh bên bảo vệ con mới là yêu con: Thế giới mới, cớ sao bạn vẫn áp dụng tư duy cũ kỹ? - Ảnh 1.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nhưng bối cảnh của thời quá khứ và thời nay đã rất khác. Như vậy tức là mục tiêu luôn không đổi, nhưng phương pháp phải khác. 

Tôi thường nói, khi thời đại thế hệ 5x – 6x luôn phải "thể hiện hão, có sĩ diện" với họ hàng, làng xóm, thế hệ 7x – 8x thì "thể hiện" với bạn bè, thì thế hệ 9x trở về sau, họ phải "thể hiện"với cả thế giới, vì nhất cử nhất động đều là cả cộng đồng mạng đều biết. Nói vậy, để chứng minh cho câu chuyện bối cảnh của các thế hệ đã khác, nên việc chăm sóc con, gần con cũng nên chăng thể hiện theo một cách thức khác. Vậy mà, đâu đó các bậc cha mẹ do lúng túng, loay hoay không biết dạy con thế nào là phù hợp, bèn áp dụng cách cũ là hy sinh, gần con kè kè và bảo vệ con tránh mọi cảm xúc tiêu cực có thể. Càng bảo vệ con khỏi các cảm xúc tiêu cực một cách thái quá, đứa trẻ càng thiếu sức đề kháng cần có cho tương lai lâu dài phía sau. 

Thật ra có phải phụ huynh chúng ta đang "lười suy nghĩ" về một phương pháp dạy con mới trong thời đại 4.0? Bởi kết quả cuối cùng của việc bên cạnh con, yêu thương con là để cho con hiểu rằng mỗi lần vấp ngã, hay thất bại, luôn có những người xung quanh che chở và tạo chỗ dựa cho con. Vậy thì hãy lấy mục tiêu cuối cùng đấy để thay đổi cách dạy con cho phù hợp thời đại.

Nhìn lại vài trường hợp bên cạnh, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau: nghèo khó, giàu có, không có thời gian bên con, hoặc luôn sát cánh cùng con, có gia đình thì cha mẹ đã ly hôn, có gia đình lại có hoàn cảnh khác… nhưng ngẫm lại, một đứa trẻ có phát triển và trưởng thành hay không đều do từ chính đứa trẻ ấy, cùng phương pháp dạy dỗ đúng đắn, hơn là do hoàn cảnh ảnh hưởng toàn bộ.

Trong khi, xã hội đang ra rả nói về câu chuyện của cha mẹ (vốn dĩ càng làm cha mẹ hoảng hốt) và thêu dệt ra rất nhiều nguyên nhân như cha mẹ chia tay nên ảnh hưởng con cái, mạng xã hội… Chúng ta luôn muốn xã hội thay đổi, kêu gọi cha mẹ thay đổi, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là ở đứa trẻ. 

Thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, các tin không tốt lành luôn được mạng xã hội nhân lên 100 lần, trong khi các tin tốt thì chỉ được lác đác như lá mùa thu. Nhưng nếu hỏi mạng xã hội có mất đi không, chắc chắn là không vì đó là sự tiến hóa tất yếu. Không thay đổi được ngoại cảnh thì phải thay đổi nội lực của chính bản thân. Đó chính là giáo dục các bạn trẻ có một nội lực và nội tâm thật vững chắc.


Nghị lực và kiên định

Kè kè cạnh bên bảo vệ con mới là yêu con: Thế giới mới, cớ sao bạn vẫn áp dụng tư duy cũ kỹ? - Ảnh 2.

Hãy bồi dưỡng bất cứ đứa trẻ nào một nghị lực vững chắc, gặp thất bại thì cứ té xuống rồi lại mạnh mẽ đi tiếp. 

Đề cao quá trình chứ không đề cao kết quả. Con có thể kết quả chưa cao, nhưng miễn sao con phát triển bản thân mỗi ngày. 

Cuộc sống sẽ có thăng trầm, sẽ có những đối tượng khác nhau xung quanh con, cảm xúc không tích cực như giận dữ, buồn bã, thất vọng.. sẽ xảy ra…Đó là điều tất yếu, đừng lấy đó làm điều quá bi quan. 

Nghị lực vượt qua sẽ giúp con thấy rằng cuộc sống này là một món quà rất đáng giá.


Tình yêu thương và lòng bao dung

Kè kè cạnh bên bảo vệ con mới là yêu con: Thế giới mới, cớ sao bạn vẫn áp dụng tư duy cũ kỹ? - Ảnh 3.

Tôi tin rằng một khi chúng ta bồi dưỡng tình yêu thương và sự nhạy cảm cho một đứa trẻ từ nhỏ, đó là nền tảng rất vững chắc cho sự phát triển sau này. Chính tình yêu thương sẽ làm cho bạn bớt "comment" (bình luận) độc hại bởi bạn biết nghĩ cho người khác. Tình yêu thương và lòng bao dung giúp bạn nhìn cuộc sống này tươi đẹp, để ý đến cảm xúc người khác nhiều hơn, biết san sẻ nhiều hơn.. 

Mỗi một người có tình yêu thương và lòng bao dung sẽ có sức mạnh lan tỏa cho người khác, xã hội sẽ bớt cay nghiệt hơn. Vẫn mạng xã hội đó, nhưng cách "comment" sẽ là những nội dung hoàn toàn khác.


Thành thật với bản thân

Kè kè cạnh bên bảo vệ con mới là yêu con: Thế giới mới, cớ sao bạn vẫn áp dụng tư duy cũ kỹ? - Ảnh 4.

Luôn thành thật với chính mình với những giá trị văn hóa nhất định. Trong xã hội khi mọi thứ đều không thể kiểm soát, cái có thể kiểm soát nhất là chính bản thân mình để thật sự sống hạnh phúc. 

Một câu chuyện bên lề về việc áp dụng phương pháp cũ trong thời đại mới để dạy con: Vì muốn thể hiện là bạn của con, lắng nghe con nên người lớn tuy không thấy hài hước các câu chuyện của Youtuber, nhưng họ vẫn nhoẻn miệng cười với con và cùng "giả bộ" là vui quá. Nhưng các bạn trẻ rõ ràng sẽ nhận ra sự miễn cưỡng đấy. Một khi họ nhận được thông điệp là người lớn đang cố để làm các bạn vui, đang đè nén cảm xúc thì bản thân họ cũng sẽ cố để làm người lớn vui, đè nén cảm xúc để rồi mọi chuyện có thể sẽ như quả bong bóng càng ngày càng lớn.

Có nên chăng xã hội thay đổi nhanh, không thể làm bạn với con, cứ thừa nhận vì không cùng chung sở thích. Và chúng ta chuyển sang làm mentor (người định hướng) cho con, vì mentor là người đi trước, sẽ ở bên con khi con cần. Con sẽ có nhóm bạn của con, người lớn sẽ có nhóm bạn của người lớn. Thời gian cá nhân cần được san sẻ cho nhiều đối tượng để có niềm vui nhất định, nhưng phụ huynh sẽ luôn là người hướng con những bước đi mới một cách không vụ lợi.


Suy nghĩ tích cực

Kè kè cạnh bên bảo vệ con mới là yêu con: Thế giới mới, cớ sao bạn vẫn áp dụng tư duy cũ kỹ? - Ảnh 5.

Đây là một điều rất khó khi dạy con khi xung quanh từ các bài báo, phim ảnh... luôn chỉ quan tâm đến những câu chuyện shock, giật gân… Điều này là sự cộng hưởng của xã hội, văn hóa, truyền thông báo chí và nhà trường, gia đình. Vốn dĩ cho các bạn trẻ thấy được rằng cuộc sống này không thể hoàn hảo cho bất cứ ai, và thử thách vốn dĩ cũng sẽ là cơ hội. Xung quanh còn những tấm gương nghị lực vươn lên và cố gắng mỗi ngày.

Dạo gần đây, được có cơ hội nói chuyện với các nhà sáng lập doanh nghiệp, tôi tự hỏi rằng quản lý và phát triển cả hàng trăm, hàng nghìn nhân viên so với việc chỉ phát triển con cái mình thì công việc nào dễ dàng hơn. Một bài học nhỏ nhoi rút ra được là do vận hành công ty, nên chiến lược và kế hoạch phải thay đổi liên tục tùy theo bối cảnh kinh tế và đối thủ cạnh tranh mỗi ngày nên việc phát triển nhân viên cũng thay đổi phương pháp theo. Vậy mà chúng ta lại "quên" thay đổi cách dạy cọn…

Người viết vốn dĩ cũng là người lúc trước luôn quan tâm đến vấn đề học thuật, học vấn của con theo thứ hạng, điểm số; nhưng gần 1 năm trở lại đây, đang cố gắng dần dần chuyển hướng để thành thật với con hơn, và học cách xây dựng nội lực cho con tốt hơn, cố gắng không bảo vệ con thái quá với cảm xúc tiêu cực. Thông qua các bài học EQ gần đây, tôi tin rằng trí não cũng như cơ bắp, có thể rèn luyện được.

Và điều quan trọng nhất là "dẫn dắt thông qua làm gương" (lead by example), cùng chia sẻ thành thật và cho con những định hướng đúng đắn. "Chất lượng" về các câu chuyện với con, về những phương pháp nên được chú trọng hơn "số lượng". Các bậc cha mẹ ơi, thật ra cũng không cần quá lo lắng, bởi lẽ theo thống kê, chỉ số an toàn và trưởng thành của các bạn trẻ đang cao hơn rất nhiều so với quá khứ. Chỉ là do bởi quá khứ không được truyền thông rộng rãi như bây giờ thôi….

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Hà Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM