Jantelagen: Quy tắc cấm khoe của tại Thụy Điển

18/10/2019 07:30 AM | Xã hội

Đối với nhiều quốc gia, việc có thu nhập cao là điều đáng tự hào khi chứng tỏ được giá trị của bản thân. Tuy nhiên tại Thụy Điển, văn hóa không khoe của hay nói sâu về thu nhập của nhau lại khiến đất nước phát triển này trở nên đặc biệt.

Không ai tự hào vì mình giàu

Tại khu nhà giàu Ostermalm của thủ đô Stockholm-Thụy Điển, chúng ta có thể dễ dàng chiêm ngưỡng từng dãy biệt thự sang trọng, những khu vườn được thiết kế riêng rồi những dãy nhà hàng, cửa hàng thời trang xa xỉ. Khu vực này đầy ắp những người thu nhập cao tại Thụy Điển nhưng có một điều thú vị là chẳng mấy ai nói nhiều đến thu nhập của nhau.

"Tôi sẽ chẳng nói cho bạn mình kiếm được bao nhiều tiền bởi tôi chẳng có lý do để làm điều đó… Tôi dùng tiền kiếm được để đầu tư chứng khoán, tôi khá thích đầu tư", chuyên gia marketing Robert Ingemarsson ở khu này nói.

Jantelagen: Quy tắc cấm khoe của tại Thụy Điển - Ảnh 1.

Tương tự, anh Victor Hesse, một chuyên gia đang tổ chức chương trình cho một thương hiệu lớn của Thụy Diển sống trong khu Ostermalm cũng từ chối tiết lộ thu nhập khi được hỏi.

Có một điều khá thú vị là Thụy Điển có mức thuế cực cao để bù lại là dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội vô cùng tốt. Để đáp ứng được mức thuế cao đó, phần lớn thu nhập của người dân nơi đây không hề thấp và tỷ lệ thất nghiệp cũng không cao bởi chính phủ đã lo việc làm cho sinh viên ra trường.

Tất nhiên tương tự như nhiều nền kinh tế khác, Thụy Điển cũng có phân biệt giàu nghèo và khoảng cách này đã bắt đầu nới rộng từ thập niên 1990. Hiện 20% dân số Thụy Điển có thu nhập cao gấp 4 lần so với tầng đáy 20% người dân.

Dẫu vậy, trong khi những người giàu tại nhiều quốc gia thích khoe khoang thu nhập của mình thì giới thượng lưu Thụy Điển lại có một văn hóa không khoe của rất riêng, hay còn gọi là Jantelagen.

Những cuộc phỏng vấn với người giàu tại Thụy Điển rất khó khăn khi nói về thu nhập. Giới thượng lưu Thụy Điển khá thoải mái khi nói về sự nghiệp, những thành tựu, thú chơi sang… nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đề cập đến thu nhập của mình dù họ làm ăn chính đáng.

"Tôi cảm thấy việc công khai thu nhập lớn của mình chẳng khác gì hành vi khoe khoang và tôi không thoải mái với điều đó", một đại gia giấu tên khi phỏng vấn với hãng tin BBC cho biết.

Không dừng lại ở đó, rất nhiều người giàu có đột nhiên thông báo bận hoặc từ chối gặp mặt khi biết mình sẽ bị hỏi về thu nhập, dù trước đó họ sẵn sàng chia sẻ về những thú vui xa xỉ của mình.

Jantelagen: Quy tắc cấm khoe của tại Thụy Điển - Ảnh 2.

Chuyên gia văn hóa Thụy Điển Lola Akinmade Akerstrom

Chuyên gia văn hóa Thụy Điển Lola Akinmade Akerstrom cho biết việc nói về thu nhập là chủ đề cực kỳ nhạy cảm tại đây. Cô cho biết rất nhiều người Thụy Điển coi rằng đàm luận về tình dục hay cơ thể người còn đỡ ngại hơn là nói về thu nhập hay ai giàu có hơn ai. Những thú vui xa xỉ của giới nhà giàu chỉ đơn giản là một phần cuộc sống chứ họ không chia sẻ nhằm khoe mình có tiền.

Tương tự, nhà báo Thụy Điển Stina Dahlgren từng sống vài năm tại Mỹ cũng bị sốc văn hóa khi nói về thu nhập.

"Tại Mỹ, khi bạn nói mình kiếm được nhiều tiền, mọi người sẽ vui mừng cho bạn. Nhưng tại Thụy Điển, nếu bạn nói mình có thu nhập cao, mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mặt kỳ quặc. Quy tắc ở đây là đừng bao giờ hỏi về thu nhập hay về độ giàu có. Bạn có thể chia sẻ thú vui sang chảnh nhưng đừng lấy nó làm thứ để khoe khoang", cô Dahlgren nói.

Tại Thụy Điển, văn hóa Jantelagen là cố giữ cho mọi người bình đẳng với tư tưởng không bao giờ được cho rằng bản thân tốt hơn người khác hay người khác giỏi hơn mình. Đây là một văn hóa đặc trưng tại Thụy Điển cũng như nhiều nước Bắc Âu nhằm duy trì sức mạnh tập thể cũng như loại bỏ những mối bất hòa căng thẳng.

Quay ngược dòng lịch sử, cái tên Jantelagen đã được nhắc đến trong sách vở từ năm 1933 tại Thụy Điển nhưng theo Tiến sĩ Stephen Trotter, văn hóa này đã tồn tại ở Bắc Âu hàng thế kỷ.

"Jantelagen là một dạng kiểm soát xã hội. Nó không chỉ đơn giản nói về so sánh sự giàu có mà còn nhắc nhở mọi người không sống giả tạo, không giả vờ mình biết nhiều hơn kiến thức thực tế của bản thân hay hành xử vượt quá điều kiện gia đình thực tế… Nếu bạn nói mình dùng tiền kiếm được để mua nhà thứ 2 hay cho những chuyến du lịch xa xỉ, sẽ chẳng ai nói gì vì đây là điều bình thường của giới nhà giàu. Nhưng nếu bạn nói mình dùng tiền kiếm được để mua một lúc 2 chiếc Lamborghini đắt tiền, mọi người sẽ cười vào mặt bạn", tiến sĩ Trotter nói.

Đồng quan điểm, cô Akerstorm cho biết giới nhà giàu Thụy Điển có tư tưởng hòa đồng rất tốt. Văn hóa Jatenlagen khiến họ luôn biết cách nói chuyện sao cho phù hợp với từng tầng lớp và thu nhập. Nếu nói chuyện với những người có thu nhập thấp, bạn sẽ hiếm khi thấy các đại gia Thụy Điển nói về những thú vui xa xỉ của mình, thay vào đó là những câu chuyện đời thường hoặc các hoạt động dã ngoại đơn giản.

Jantelagen: Quy tắc cấm khoe của tại Thụy Điển - Ảnh 3.

Một quy tắc cổ hủ?

Điều trớ trêu là Jantelagen đang bị ngày càng nhiều giới trẻ thuộc tầng lớp giàu có ở Thụy Điển chỉ trích. Họ mong muốn được khoe khoang, nói chuyện nhiều hơn về tiền bạc, sự giàu có và những thành công.

Cô Nicole Falciani, một người nổi tiếng và KOL (Key Opinion Leader) có giá tại Thụy Điển không ngần ngại cho biết mình kiếm được khoảng 20.000 USD cho mỗi dự án. Nữ đại gia chỉ mới 22 tuổi này đã bắt đầu kiếm tiền từ khi còn là học sinh và chẳng cảm thấy việc khoe sự giàu sang của mình có gì là đáng xấu hổ.

"Tôi rất muốn văn hóa Jantelagen biến mất bởi nó chẳng tốt đẹp gì cho xã hội. Cộng đồng Thụy Điển sẽ cởi mở hơn nếu chúng ta có thể nói về thu nhập và tiền bạc. Ý tưởng về sự cân bằng là tốt nhưng chúng không hiện thực. Nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn người khác thì bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và đó là điều đáng tự hào hơn là xấu hổ", cô Falciani phản bác.

Theo Giáo sư Cornelius Cappelen của trường đại học Bergen-Na Uy, sự phát triển của Internet và mạng xã hội đang giết chết dần Jantelagen tại Thụy Điển. Những ứng dụng mạng xã hội, video, bloogging đang kích thích tư tưởng vượt lên trên đám đông của giới trẻ, làm khác đi và trở nên khác biệt với tập thể.

"Ngày càng nhiều bạn trẻ coi Jantelagen là một hành vi phân biệt đối xử với người giàu", Giáo sư Cappelen thừa nhận.

Chuyên gia Akerstrom cũng đồng tình với quan điểm trên khi ngày càng nhiều bạn trẻ cảm thấy thoải mái khi công khai những thành công của mình trên mạng xã hội hay khoe khoang sự giàu có một cách công khai. Rất nhiều đại gia trẻ cảm thấy bị đè nén với văn hóa Jantelagen và rồi họ thấy những tấm gương ở các nước khác trên mạng xã hội. Hệ quả là việc khoe của trở thành cuộc cách mạng chống áp bức trong giới nhà giàu.

Bên cạnh mạng xã hội, việc Thụy Điển tiếp nhận làn sóng di cư cũng khiến Jantelagen dần mai một. Tại Thụy Điển, khoảng 25% người dân sinh ra ở nước ngoài hoặc có cả bố lẫn mẹ là người nước ngoài. Trường hợp này khá đúng với cô Falciani ở trên khi mang quốc tịch Thụy Điển nhưng cha mẹ cô là người Italia.

Giáo sư Cornelius Cappelen tại Thụy Điển cho biết việc văn hóa Jatenlagen có biến mất khỏi đây không vẫn còn là một nghi vấn, nhưng ông kỳ vọng những mặt tích cực như tính khiêm tốn của văn hóa này sẽ vẫn tồn tại, trong khi mặt tiêu cực như việc đánh giá thấp bản thân sẽ dần lụi tàn.

Jantelagen: Quy tắc cấm khoe của tại Thụy Điển - Ảnh 4.

Cô Nicole Falciani

Ở một khía cạnh khác, nhiều người di cư nước ngoài cũng thích văn hóa Jantelagen, ví dụ như chị Natalia Irribara đến từ Chile sống tại thủ đô Stockholm.

"Tôi nghĩ Cile là một quốc gia quá trọng thành tựu cá nhân như bằng cấp, thu nhập, nhan sắc, nhà sang xe xịn… Tại Thụy Điển, chúng tôi có hàng xóm là một cô người mẫu nổi tiếng nhưng cô ấy chẳng bao giờ khoe khoang mình đã lên bìa tạp chí nào. Một hàng xóm khác là nhiếp ảnh gia với vô vàn tác phẩm đẹp nhưng anh ấy chẳng mấy khi khoe khoang về chúng…Với tôi, sự khiêm tốn là vô cùng quan trọng và với văn hóa Jantelagen, những thứ phù du như vật chất chẳng còn đáng để khoe nhiều như thế nữa", chị Irribara nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM