ISDS: Từ cơ chế giúp doanh nghiệp kiện các quy định bất công của chính phủ đến công cụ 'bắt nạt' hiệu quả

08/04/2017 21:22 PM | Kinh tế vĩ mô

Điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia (ISDS) là một công cụ được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng để chống lại chính phủ các nước khi lợi nhuận của họ bị tổn hại.

Thông thường, chúng ta nghe đến việc chính phủ ban hành những quy định cho doanh nghiệp, hoặc có các chế tài xử phạt với những doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện doanh nghiệp kiện lại chính phủ cũng không phải hiếm khi những quy định hoặc động thái của họ gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của công ty.

Năm 2006, chính phủ Peru chấm dứt hợp đồng khai thác dầu mỏ với hãng Occidental Petroleum do công ty này không đảm bảo những tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, vào năm 2012, Occidental kiện chính phủ Peru ra tòa và yêu cầu nước này bồi thường 1,8 tỷ USD, tương đương mức ngân sách dành cho y tế trong 1 năm của quốc gia này.

Điều thú vị là Occidental không hề tranh cãi xem liệu công ty của mình có làm ô nhiễm môi trường hay không bởi điều này đã quá rõ ràng. Luận điểm mà công ty này dùng để kiện chính phủ Peru là những động thái của chính quyền đã làm tổn hại đến lợi nhuận tập đoàn, qua đó vi phạm các thỏa thuận thương mại quốc tế, hay còn gọi là “Điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia” (ISDS).

(A Tùng) ISDS: Từ cơ chế giúp doanh nghiệp kiện các quy định bất công của chính phủ đến công cụ bắt nạt hiệu quả - Ảnh 1.

Từ cơ chế bảo vệ thành công cụ “bắt nạt”

ISDS là một công cụ được Occidental cũng như nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng để chống lại chính phủ nhiều nước khi lợi nhuận của họ bị tổn hại.

Cơ chế này lần đầu được giới thiệu vào năm 1959 trong thỏa thuận thương mại tự do giữa Đức và Pakistan để rồi được áp dụng rộng rãi trong hàng ngàn thỏa thuận đầu tư thương mại sau đó. ISDS được đặc biệt sử dụng nhiều vào thập niên 1990 và được đặc biệt nhấn mạnh trong hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Về cơ bản, bộ luật này cho phép công ty nước ngoài kiện chính phủ dựa trên luật lệ quốc tế, khi các quy định cũ hoặc những quy định mới được ban hành gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Những quy định này có thể bao gồm rất nhiều mảng, từ yêu cầu đóng gói, đặt mức giá sàn hay quy trình nộp thuế...

Mục đích ban đầu của việc xây dựng ISDS là nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài cũng như là một công cụ bảo hiểm cho các tập đoàn quốc tế trước các biến động chính trị.

Dẫu vậy kể từ giữa thập niên 1990, ISDS đã bị nhiều tập đoàn sử dụng như một công cụ để “bắt nạt” chính phủ những nước đang cố gắng bảo vệ môi trường hay người dân của họ. Vào đầu thế kỷ 19, hiếm có trường hợp ISDS nào được thành lập nhưng tính đến năm 2015, hàng năm có khoảng 60 vụ kiện ISDS diễn ra và khoảng 500 trường hợp kiện cáo như vậy đang được xét xử.

Nghe có vẻ lạ nhưng việc một công ty kiện cáo cả một hệ thống chính trị của một quốc gia là có thể xảy ra tùy vào những thỏa thuận mà chính phủ nước này đã ký.

Một trường hợp điển hình khác là hãng Philip Morris, một công ty của Mỹ sử dụng bản thỏa thuận thương mại năm 1993 giữa Australia và Hong Kong để kiện Australia do nước này có những quy định mới trong tiêu chuẩn bao bì làm tổn hại lợi nhuận của hãng chứ không thể sử dụng thỏa thuận Mỹ-Australia được do không có điều khoản nào phù hợp. Để làm được điều này, Morris đã phải thu xếp để chuyển các tài sản của mình đứng dưới tên các nhà đầu tư Hong Kong với tên gọi Philip Morris Asia.

Thậm chí, một cường quốc tại Châu Âu như Đức cũng trở thành nạn nhân của ISDS. Năm 2011, thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima-Nhật Bản khiến chính quyền Berlin, vốn ủng hộ các chương trình năng lượng sạch, quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Ngay lập tức, công ty Vattenfall của Thụy Điển vận hành 2 nhà máy hạt nhân ở Đức đã kiện chính quyền Berlin theo cơ chế ISDS.

Trong một trường hợp trớ trêu hơn nữa, chính phủ Canada đã phải gánh chịu đơn kiện từ chính công ty trong nước theo cơ chế ISDS cách đây 50 năm. Khi đó, chính phủ Quebec đã ra lệnh ngưng sản xuất khí tự nhiên và công ty năng lượng Lone Pine ngay lập tức đã chuyển trụ sở sang Mỹ nhằm khởi kiện lại chính quốc gia của mình thông qua Hiệp định NAFTA với cơ chế ISDS.

Đây không phải trường hợp đầu tiên Canada bị kiện khi nước này cùng Mỹ đã liên tục củng cố cơ chế ISDS nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trong nước trước tình hình bất ổn của thành viên Mexico trong NAFTA. Trớ trêu thay, Canda lại trở thành nạn nhân của các công ty Mỹ khi thua 7/20 vụ kiện theo cơ chế ISDS và mất ít nhát 158 triệu USD cho các tập đoàn.

Bên cạnh đó, việc kiện cáo theo cơ chế ISDS nổi tiếng thiếu minh bạch và tốn kém. Mặc dù được xây dựng nhằm thu hút nhà đầu tư cũng như bảo vệ các doanh nghiệp nhưng ISDS hiện đang trở thành công cụ hạn chế quyền lực của các chính phủ dân chủ trong việc bảo vệ an toàn, sức khỏe cho công dân.

(A Tùng) ISDS: Từ cơ chế giúp doanh nghiệp kiện các quy định bất công của chính phủ đến công cụ bắt nạt hiệu quả - Ảnh 2.

Vào năm 2011, tập đoàn Renco của Mỹ kiện chính phủ Peru sau khi chính quyền quốc gia này đóng cửa nhà máy luyện kim tại thị trấn La Oroya vì công ty đã trì hoãn thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường như đã hứa khi mua lại nhà máy vào năm 1997. Mặc dù La Oroya được liệt vào danh sách khu vực có mức độ ô nhiễm nhất thế giới cũng như đã được chính phủ nhắc nhở nhiều lần nhưng Renco không có động thái nào để thực hiện cam kết.

Mặc dù vậy, với cơ chế ISDS, Peru đã buộc phải cho phép nhà máy này mở lại vào năm 2012.

Hiện nay, khoảng 75% các vụ kiện đến từ những công ty của Mỹ hay Châu Âu trong khi những nước nhỏ lại trở thành nạn nhân của cơ chế ISDS.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM