Iran giờ đã là “cửa trên” tại OPEC

15/06/2016 08:35 AM | Kinh tế vĩ mô

Hai đối thủ truyền kiếp, Ảrập Xêút và Iran, tiếp tục cuộc chiến quyền lực tại Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC). Bất cứ khi nào có thể, cả hai đều không từ bỏ cơ hội ra đòn với đối phương và dầu mỏ có thể được coi là đấu trường ưa thích của họ.

Vào tháng 4, Ảrập Xêút đã từ chối ký kết thỏa thuận đóng băng sản lượng bởi Iran không chịu tham gia. Tới cuộc họp tháng đầu tháng 6 tại Vienna, Iran lại tiếp tục cản trợ mọi nỗ lực của Ảrập Xêút trong việc áp đặt sản lượng tối đa cho các thành viên của OPEC.

Sản lượng hiện nay của Iran đã gần phục hồi hoàn toàn so với trước khi bị các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt. Và sau khi sản lượng đạt được tới mức họ mong muốn, Iran đã đồng ý tham gia thảo luận về việc đóng băng sản lượng. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 5/6, Iran đã quyết định từ chối tuân theo bất kỳ một trần sản lượng này. Điều này đã khiến OPEC phải từ bỏ ý tưởng có thể giúp thị trường dầu mỏ sớm lấy lại cân bằng.

Iran đã trở thành một thế lực thực sự kể từ khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ. Thị phần tăng một cách chóng mặt của họ đã khiến nhiều nhà đầu tư phải ngạc nhiên.

Hãng tin Reuters cho biết, để dành lại thị phần, Iran đã dùng đến cách giảm giá khủng cho các khách hàng tại khu vực châu Á. Mức giá được Iran đưa ra còn thấp hơn mức giá từ những năm 2007-2008 của Ảrập Xêút và I-rắc.

Trong tháng 4, Iran đã vận chuyển khoảng 2,3 triệu thùng/ngày – mức cao nhất kể từ năm 2012. Con số này cao hơn đến 15% so với dự báo đưa ra trước đó của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Cho tới thời điểm này, Iran đã thành công với chiến lược của mình nhưng con đường phía trước có vẻ không còn dễ dàng như vậy.

Ảrập Xêút buộc phải có những biện pháp để cũng cố thị phần trong bối cảnh Iran và I-rắc đồng loạt trỗi dậy. Quốc gia dẫn đầu OPEC này hiện đang cố gắng chuyển đổi nền kinh tế để tránh phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ nhưng thành bại của kế hoạch này phụ thuộc vào kết quả niêm yết của công ty Saudi Aramco.

Theo giám đốc điều hành Amin Nasser, để chuẩn bị cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Aramco đang cố gắng tăng thị phần và cải thiện tính hiệu quả.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Nasser cho biết công ty đang cố gắng giữ thị phần hiện nay và mở rộng hơn nữa qua từng năm. Năm 2016, thị phần của công ty đang có những kết quả tích cực giống như năm 2015.

Chủ tịch Ian Bremmer của công ty tư vấn Eurasia Group cho biết sau cuộc nói chuyện với hoàng gia Ảrập Xêút rằng quốc gia này dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm gần 1 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.

Cuộc chiến không hồi kết
Cuộc chiến không hồi kết

Cuộc chiến giành quyền lực giữa Ảrập Xêút và Iran chưa có dấu hiệu dừng lại và cũng chưa rõ ai là người nắm lợi thế trong tay.

Mặc dù có lượng dự trữ dầu mỏ lớn nhưng tốc độ sụt giảm đã tăng lên rất cao trong thời gian gần đây. Mặt khác, các chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế của Iran được chuẩn bị tốt hơn để đối chọi với tình trạng giá dầu thấp bởi sự đa dạng của nền kinh tế và dân số chất lượng cao.

Nhà chiến lược Emad Mostaque của công ty tư vấn Ecstrat (London) cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng Iran đã sẵn sàng ứng phó với những biến động dài hạn bởi nước này phụ thuộc vào dầu mỏ ít hơn Ảrập Xêút. Theo báo cáo của Fortune, Iran đã thu được nhiều tiền từ thuế nói chung hơn là thuế từdầu mỏ trong năm 2015.

Sự so kè giữa hai quốc gia này chắc chắn sẽ không kết thúc trong một sớm một chiều. Hiện nay, sản lượng dầu mỏ đưa ra thị trường toàn cầu đang bị giảm đi khoảng 3,5 triệu thùng/ngày do những sự kiện bất ngờ xảy ra tại Nigeria, Libya và Canada. Điều này đã giúp dầu mỏ tìm lại được sự cân bằng giữa cung và cầu, qua đó hỗ trợ giá mặt hàng này phục hồi lên trên mức 50 USD/thùng.

Nhưng một khi vấn đề tại Nigeria, Libya và Canada được giải quyết, mọi người sẽ cảm nhận được ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Ảrập Xêút và Iran. Nếu cả hai vẫn tiếp tục tăng sản lượng dầu mỏ, thế giới sẽ lại ngập trong dầu và giá dầu hoàn toàn có thể rơi xuống mức 30 USD/thùng.

Theo Thạch Thảo

Cùng chuyên mục
XEM