iPhone sẽ có chợ ứng dụng không phải từ Apple, chấp nhận các phần mềm từ bên ngoài

14/12/2022 11:26 AM | Kinh doanh

Elon Musk, Mark Zuckerberg cùng vô số nhà sáng lập công nghệ từng khuất phục trước quyền uy của Apple đang vô cùng mừng rỡ vì điều này.

Khuất phục trước EU, cơ hội cho người mới

Hãng tin Bloomberg cho hay Apple đang chuẩn bị chấp nhận chợ ứng dụng của bên thứ 3 xuất hiện trên các thiết bị iPhone, iPad của mình nhằm tuân thủ quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào năm 2024.

Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho hay các kỹ sư công nghệ và nhân viên mảng dịch vụ của Apple đang cố gắng chuẩn bị các bước quan trọng để cho phép hệ sinh thái nhà táo khuyết có thể chấp nhận chợ ứng dụng của bên thứ 3.

Với thay đổi này, nhiều khả năng người dùng iPhone có thể tải trực tiếp các phần mềm của bên thứ 3 và bỏ qua bước trung gian Apple cũng như những quy định, tiêu chuẩn hay mức phí tới 30% của nhà táo khuyết.

iPhone sẽ có chợ ứng dụng không phải từ Apple, chấp nhận các phần mềm từ bên ngoài - Ảnh 1.

Động thái đi ngược lại chính sách bao lâu nay của Apple trên là để tuân theo các quy định mới của EU. Các nhà hoạch định chính sách Châu Âu muốn bên thứ 3 gia nhập thị trường nhằm phát triển cũng như thúc đẩy nhu cầu của công nghệ số.

Trên thực tế, nhiều chính trị gia và doanh nghiệp từ lâu đã than phiền việc Apple và Google đang hưởng lợi quá lớn từ sự độc quyền chợ ứng dụng dựa trên nền tảng hệ điều hành iOS và Android.

Mặc dù không tình nguyện nhưng Apple sẽ phải tuân thủ luật nếu còn muốn kinh doanh tại EU. Tuy nhiên Bloomberg nhận định nếu EU thành công với quy định mới thì nhiều khả năng sẽ có thêm các thị trường khác ra luật tương tự.

Nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho hay Apple đang đặt nền móng cho sự xuất hiện của chợ ứng dụng bên thứ 3 tại EU nhưng đây cũng có thể là bộ khung áp dụng cho các thị trường khác nếu xuất hiện quy định tương tự.

Ở một khía cạnh khác, việc Apple phải chấp nhận cho bên thứ 3 bán ứng dụng trong hệ sinh thái của mình đã khiến cổ phiếu của nhiều hãng phát triển nền tảng dịch vụ tăng giá cổ phiếu. Hãng Match Group đã tăng giá cổ phiếu 10% còn Bumble Inc tăng 8,6% khi nhà đầu tư nhận định ứng dụng của 2 hãng này sẽ được hưởng lợi từ động thái mới của nhà táo khuyết.

Tương tự, cổ phiếu của Spotify Technology cũng đã tăng 9,7%.

Phá thế độc quyền

Quy định mới của EU mang tên “Đạo luật thị trường công nghệ thông tin” (Digital Markets Act) sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vài tháng tới nhưng các doanh nghiệp như Apple sẽ không bị bắt buộc phải thực hiện cho đến hạn cuối năm 2024.

Hãng tin Bloomberg cho hay nhiều quốc gia như Mỹ cũng đang cố gắng thúc đẩy một đạo luật tương tự nhưng chưa nơi nào thành công được như EU.

iPhone sẽ có chợ ứng dụng không phải từ Apple, chấp nhận các phần mềm từ bên ngoài - Ảnh 2.

Theo quy định mới, các hãng sản xuất thiết bị công nghệ như Apple phải cho phép nền tảng của bên thứ 3 truy cập, đồng thời để người dùng tự do chọn lựa chứ không thể ép họ dùng phần mềm gì. Đạo luật này sẽ yêu cầu bên thứ 3 được cạnh tranh công bằng trên các thiết bị hay dịch vụ được cung cấp và phá bỏ thế độc quyền trước đây của Apple hay Google.

Tuy nhiên, quy định này cũng chỉ áp đặt với các tập đoàn công nghệ có mức vốn hóa từ 75 tỷ Euro, tương đương 80 tỷ USD trở lên và phải có tối thiểu 45 triệu người dùng mỗi tháng tại EU, ví dụ như Apple. Những công ty sản xuất thiết bị công nghệ nhỏ sẽ được loại trừ nhằm đảm bảo tính phát triển cho thị trường.

Theo Bloomberg, việc xây dựng quy trình mới trên gây trở ngại khá nhiều cho Apple khi hãng này có nhiều năm phản đối việc sử dụng những phần mềm bên ngoài chợ ứng dụng App Store. Trong một chiến dịch vận động hành lang tại EU nhằm phản đối quy định mới, phía Apple cho biết tiền lệ này có thể tạo lỗ hổng cho những ứng dụng không an toàn với người dùng cũng như thiết bị của nhà táo khuyết.

Đồng quan điểm, nhiều kỹ sư của Apple cho hay quy định mới là một sự “phiền phức” cho hoạt động hàng ngày của họ khi nhà táo khuyết từ trước đến nay vốn chỉ ưa dùng các ứng dụng trên chợ của họ.

Nguồn tin của Bloomberg cho hay Apple sẽ chuẩn bị cải tiến theo quy định mới cùng với bản cập nhật iOS 17 ra mắt vào năm 2023.

Trước đó, Apple vốn nổi tiếng là một hãng công nghệ quyền uy khi không khuất phục trước bất kỳ thách thức nào với thế độc quyền của chợ ứng dụng. Hãng Epic Games nổi tiếng với trò Fornite đã từng kiện nhà táo khuyết ra tòa nhưng thất bại để rồi bị Apple xóa khỏi chợ ứng dụng. Tương tự, chính vì Apple siết chặt các quy định về bảo mật thông tin người dùng mà nhà sáng lập Mark Zuckerberg phải tìm đường xây dựng vũ trụ số, kiếm nguồn thu mới cho Facebook.

Gần đây nhất, Elon Musk cũng đã có cuộc tranh cãi về khoản lệ phí 30% cắt cổ của Apple và cho biết ông có thể sẽ sản xuất một chiếc điện thoại mới nếu nhà táo khuyết xóa Twitter khỏi chợ ứng dụng. Tuy nhiên cuối cùng thì nhà sáng lập Tesla cũng đã phải nhẫn nhịn khi chấp nhận tăng phí dịch vụ Twitter Blue so với ban đầu để trả phí cho Apple.

iPhone sẽ có chợ ứng dụng không phải từ Apple, chấp nhận các phần mềm từ bên ngoài - Ảnh 3.

Những thay đổi mới

Nguồn tin của Bloomberg cho hay Apple đang chuẩn bị để mở thêm các giao diện lập trình ứng dụng riêng (API) cho bên thứ 3. Đây là nền tảng cơ bản để bên thứ 3 có thể tương tác với hệ thống cốt lõi của Apple nhằm phát triển ứng dụng tương thích thiết bị.

Ngoài ra, nhà táo khuyết cũng đang xem xét dỡ bỏ WebKit, một bộ lọc của trình duyệt lướt web mà bên thứ 3 sẽ phải thông qua nếu muốn chạy trên thiết bị của Apple.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng ép buộc Apple phải cho bên thứ 3 tiếp cận công nghệ camera và công nghệ giao tiếp trường gần (NFC- sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau). Hiện tại mới chỉ có Apple Pay hoặc những ứng dụng ví điện tử của nhà táo khuyết mới được tiếp cận các chức năng của công nghệ này trên thiết bị iPhone. Tuy nhiên phía EU yêu cầu Apple phải mở cửa cho ứng dụng tài chính của bên thứ 3 tham gia cuộc chơi.

Tuy nhiên Apple đang gặp khó với iMessage và những ứng dụng chat của bên thứ 3. Các kỹ sư cho rằng việc chấp nhận này sẽ làm hỏng hệ thống mã hóa đầu cuối cũng như những tính năng bảo mật trên iMessage. Bởi vậy nhà táo khuyết chưa xem xét áp dụng RCS hay các giao thức nhắn tin khác vào hệ sinh thái của họ.

RCS là tên viết tắt của Rich Communication Service, đây là một ứng dụng nhắn tin mặc định mà Google đã nghiên cứu và phát triển dành cho các thiết bị điện thoại chạy hệ điều hành Android.

Chống trả

Mặc dù bị các nhà hoạch định chính sách nhắm tới nhưng Apple cũng chẳng chịu ngồi yên. Hãng đang đề xuất một quy trình xác minh nhằm tránh cho các phần mềm độc hại loạt vào hệ sinh thái. Tất nhiên công đoạn xác minh này sẽ cần trả phí cho Apple, tương tự như vé vào cửa.

Hiện chưa rõ Apple sẽ áp mức phí như thế nào nhưng trên chợ ứng dụng App Store của mình, nhà táo khuyết đang lấy 15-30% lệ phí cho mỗi đơn mua hàng.

Hãng tin Bloomberg cho hay hiện Apple chưa có quyết định chính thức về việc có nên tuân theo quy định của EU hay không bởi người dùng có thể thực hiện các giao dịch bằng ứng dụng bên thứ 3 và bỏ qua nhà táo khuyết.

Trước đó, Apple đã từng đồng ý với chính phủ Nhật Bản khi cho phép một số hãng truyền thông hoặc ứng dụng điện toán đám mây được chuyển hướng người dùng sang website doanh nghiệp để thanh toán mà không thông qua nhà táo khuyết. Tuy nhiên quy định mới của EU muốn Apple cùng các tập đoàn lớn khác phải mở cửa hơn nữa.

Theo Bloomberg, toàn bộ 27 thành viên EU đã đe dọa phạt đến 20% tổng doanh thu hàng năm của Apple nếu họ liên tục vi phạm các quy định. Số liệu cho thấy nhà táo khuyết kiếm được 400 tỷ USD trong năm tài khóa 2022, nghĩa là khoản phạt này nếu có sẽ lên đến 80 tỷ USD.

iPhone sẽ có chợ ứng dụng không phải từ Apple, chấp nhận các phần mềm từ bên ngoài - Ảnh 5.

Cũng trong năm tài khóa 2022, Apple có doanh thu 95 tỷ USD tại thị trường Châu Âu, bao gồm cả EU lẫn Anh. Tuy nhiên con số này sẽ giảm mạnh nếu nhà táo khuyết mất nguồn thu từ chợ ứng dụng cũng như thế độc quyền trên thiết bị của mình.

Tuy nhiên theo phân tích của Bloomberg, Apple sẽ dễ dàng nuốt trôi được khoản thiệt hại này. Nguồn thu từ chợ ứng dụng App Store chỉ chiếm 6% tổng doanh thu của Apple, trong đó thị trường Châu Âu chỉ đóng góp chưa đến 2%.

Tuy nhiên điều tồi tệ chưa dừng lại ở đó, nhiều khả năng Apple sẽ còn phải chuyển sang đầu cắm USB-C cho iPhone vào năm 2023 thay vì Lightning đang dùng, qua đó tuân thủ các quy định mới tại EU.

Trước đó, Apple đã phải khuất phục trước Trung Quốc khi chấp nhận thỏa hiệp, ví dụ như dùng một doanh nghiệp địa phương để lưu trữ dữ liệu iCloud tại đây, cũng như thay đổi cài đặt AirDrop cho phù hợp với quy định của nền kinh tế số 2 thế giới.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Từ khóa:  apple , iPhone
Cùng chuyên mục
XEM