Internet đang trở thành cứu tinh bất ngờ của các cửa hàng sách nhỏ lẻ

11/10/2016 14:11 PM | Kinh doanh

Từng là tác nhân đẩy các cửa hàng sách nhỏ lẻ đến bờ vực phá sản, Internet giờ đang trở thành công cụ hiệu quả giúp các cửa hàng này tăng trưởng doanh số.

Khi Peter Makin mở Brilliant Books ở thị trấn Traverse City, Mỹ vào 5 năm trước, ông nhanh chóng nhận ra rằng, cửa hàng sách của mình sẽ không thể tồn tại ở khu vực hẻo lánh này nếu chỉ trông chờ vào khách hàng địa phương.

Cách phía bắc thành phố Detroit 5 giờ xe chạy, Traverse City là điểm đến yêu thích của du khách vào mùa hè. Thị trấn này là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của bang Michigan. Nhưng sau khi những sắc màu mùa thu phai nhạt và mặt nước xanh như ngọc bích của Hồ Michigan trở nên lạnh giá, dân số của Traverse City giảm tới 40% trong 9 tháng còn lại của năm.

Nhưng ngay cả khỉ du khách mùa hè rời đi, Brilliant Books vẫn làm ăn phát đạt nhờ doanh số bán hàng trực tuyến ổn định. Một thập kỷ trước, bán sách ở các cửa hàng nhỏ lẻ được xem là một ngành kinh doanh suy thoái. Không thể cạnh tranh về giá với Amazon và quy mô của các chuỗi cửa hàng lớn như Barnes & Noble, hàng nghìn cửa hàng sách nhỏ lẻ đã phải đóng cửa.

Nhưng sau nhiều năm thua lỗ, họ đang vực dậy từ đống tro tàn. Số cửa hàng sách nhỏ lẻ đã tăng 21% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015. Không ai ngờ, chính Internet – thứ được cho là đẩy các cửa hàng sách nhỏ lẻ đến bờ phá sản – đang giúp họ hồi sinh.

Theo dữ liệu của Cục thống kê Mỹ, doanh số của các cửa hàng nhỏ lẻ đã tăng lần đầu tiên trong năm ngoái kể từ năm 2007, và tăng thêm 6% trong năm nay. Trong khi đó, doanh số của chuỗi cửa hàng lớn như Barnes & Noble đã giảm 6,6% trong quý gần nhất.

“Các cửa hàng sách đang hồi sinh nhờ nắm bắt được sự thay đổi của thế giới”, Oren Teicher, giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà bán sách Hoa Kỳ, tổ chức đại diện cho các cửa hàng sách nhỏ lẻ cho biết. “Khả năng tận dụng công nghệ đã thay đổi mọi thứ”.

Nhiều cửa hàng sách đang mạnh tay đầu tư vào hạ tầng công nghệ, như máy in sách điện tử và hệ thống máy tính hỗ trợ. Một số khác thì đang dùng mạng xã hội như một phương thức giá rẻ để kết nối với khách hàng mới.

Đúng là ngành công nghiệp bán sách vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Doanh số bán sách của các cửa hàng thực chỉ là 11 tỷ USD vào năm 2015 so với 17 tỷ USD vào năm 2007. Nhưng Nhưng những ông chủ hiệu sách như Makin đã tìm ra các cách mới để thu hút khách hàng, nhờ sự trợ giúp của công nghệ.

Ông biết mình không thể cạnh tranh với Amazon về giá, nhưng ông tin rằng người mua trực tuyến sẽ đổ xô đến Brilliant Books nếu họ nhận được trải nghiệm dịch vụ khách hàng giống như những khách hàng ngoại tuyến. “Tôi nói với họ rằng, chúng tôi là cửa hàng sách địa phương từ xa của họ”, Makin nói.

Ông bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí trên toàn nước Mỹ và tuyển một nhân viên quản lý mạng xã hội toàn thời gian. Người này sẽ có trách nhiệm quảng bá cho cửa hàng và dùng Twitter và Facebook để tương tác với độc giả, những người sống cách xa Traverse City cả vạn dặm. Makin cũng triển khai các chương trình giao lưu với khách hàng trên mạng nhiều hơn, như gợi ý sách hay nên đọc mỗi tháng hay trả lời các phản hồi của họ về dịch vụ.

Công sức đầu tư của Makin đã đâm hoa kết trái. Doanh số tăng 14% trong năm nay và Makin dự đoán 30% doanh số của Brilliant Books sẽ đến từ các đơn hàng trực tuyến, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Khách hàng trên Facebook mua sách dành cho người trưởng thành nhiều hơn, trong khi khách hàng trên Twitter mua sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên nhiều hơn.

“Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 và chúng tôi là cửa hàng sách của thế kỷ 21. Khách hàng thích mua sắm trực tuyến thì chúng tôi sẽ bán hàng trực tuyến”, Aimee Jodoin, người quản lý mạng xã hội của Brilliant Books nói. Việc áp dụng mạng xã hội là thay đổi lớn trong văn hóa bán hàng của nhiều cửa hàng sách nhỏ lẻ.

“Một lợi thế mà các cửa hàng nhỏ có được so với công ty lớn là họ có thể biết được mọi khách hàng, nhưng họ lại không tích cực tương tác trên mạng”, Peter Shankman, chuyên gia mạng xã hội cho biết. “Giờ đây, các cửa hàng nhỏ lẻ đã nhận rằng, bằng cách tích cực tương tác với khách hàng trên mạng, họ sẽ khiến người mua trung thành với mình hơn”.

Việc bán sách trên mạng đang thu hút khách hàng tới những nơi không ai ngờ đến, như The Last Bookstore. Cửa hàng này được mở vào năm 2009 và nằm ở một khu ổ chuột của thành phố Los Angeles. Trước đây, không nhiều người biết đến cửa hàng này. Nhưng nhờ sự phổ biến của mạng xã hội, ngày càng nhiều người tìm đến The Last Bookstore và đăng những tấm ảnh về nội thất độc đáo của nó lên tài khoản của họ.

Cửa hàng sách rộng 2.000 m2 này nằm trong một ngân hàng cũ và có thiết kế rất đặc biệt. Chẳng hạn, kho sách khoa học viễn tượng của họ được đặt trong một két sắt lớn. The Last Bookstore hiện nay có 24.000 người theo dõi trên Instagram. Những tựa sách được đăng trên tài khoản Instagram của cửa hàng thường bán rất chạy.

“Cửa hàng của chúng tôi nằm trong một khu vực đang thay da đổi thịt, vì thế chúng tôi thu hút nhiều sự chú ý vì vị trí của mình”, quản lý cửa hàng Katie Orphan nói. “Chúng tôi không ngờ nó lại khiến cửa hàng nổi tiếng trên Instagram đến vậy”.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM