Indonesia, Malaysia tính chuyện quản và thu thuế Uber, Grab thế nào?

24/07/2017 11:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Chính phủ nhiều nước trên thế giới, gần nhất là tại khu vực Đông Nam Á: Malaysia, Indonesia… đã và chuẩn bị áp thuế...

Chính phủ nhiều nước trên thế giới, gần nhất là tại khu vực Đông Nam Á như: Malaysia, Indonesia… đã và chuẩn bị áp thuế hoặc quản lý giá cước các chuyến đi được thực hiện qua các nhà cung cấp phần mềm đặt xe Grab, Uber.

Cho phép địa phương điều chỉnh mức giá Uber, Grab

Nhờ giá rẻ, tiện dụng… dịch vụ gọi xe qua ứng dụng điện thoại như: Uber, Grab .. phát triển mạnh mẽ, lấy đi một lượng lớn hành khách của các hãng taxi truyền thống. Tức giận vì mất khách, chỉ trích Uber, Grab phá giá, cạnh tranh không công bằng, tài xế taxi truyền thống không ít lần “hỗn chiến” với tài xế hợp tác với Uber, Grab… Tình trạng này xảy ra không riêng tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia… khiến giới chức địa phương đau đầu.

Tại Indonesia, để giải quyết bức xúc của tài xế truyền thống, từ tháng 4 năm ngoái, nước này sửa đổi bổ sung quy định về quản lý các dịch vụ gọi xe qua ứng dụng điện thoại như Uber, Grab. Trong đó, Indonesia bắt đầu áp các loại thuế mới đối với hoạt động gọi xe thời công nghệ cao. Đồng thời, Jakarta cho phép chính quyền địa phương điều chỉnh giá đối với các chuyến đi sử dụng ứng dụng gọi xe trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng có quyền hạn chế số lượng phương tiện hợp tác với Uber, Grab… được phép hoạt động trong mỗi khu vực.

Phía taxi truyền thống ủng hộ các quy định sửa đổi này. Song, nhà phân tích Hizkia Rezpatiadi, đến từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Indonesia nhận định: "Việc điều chỉnh giá sẽ kiềm chế các công ty cung cấp phần mềm đặt xe tạo đột phá. Điều các cơ quan chức năng cần làm là duy trì môi trường kinh doanh đem lại lợi ích cho số đông dân chúng, thay vì can thiệp quá sâu vào thị trường”, ông Rezpatiadi nói thêm.

Malaysia sẽ áp thuế các dịch vụ đặt xe trực tuyến

Tại Malaysia, dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Cấp giấy phép phương tiện kinh doanh thương mại (CVLB) 1987 và Luật GTĐB công cộng 2010, để hợp pháp hóa và quản lý dịch vụ đặt xe qua phần mềm đã được trình lên Quốc hội chờ tranh luận, bỏ phiếu nhằm cập nhật vào Luật GTĐB của nước này.

Theo nội dung hai dự thảo, các phương tiện phục vụ khách đặt qua ứng dụng điện thoại được coi là phương tiện công cộng; các nhà khai thác phải có “giấy phép kinh doanh trung gian” do Uỷ ban Giao thông đường bộ cấp. Giấy phép này được cấp cho đơn vị kinh doanh làm nhiệm vụ sắp xếp, đặt vé hoặc giao dịch cho phương tiện dùng để chia sẻ chuyến đi.

Các nhà khai thác dịch vụ đặt xe hoạt động mà không có giấy phép nói trên có thể bị phạt tới 500.000 ringgit Malaysia (tương đương 117.000 USD) hoặc đối mặt với bản án tối đa 3 năm tù hoặc cả hai hình phạt. Các nhà khai thác không tuân thủ các điều kiện khi đã được cấp giấy phép có thể bị phạt 1.000 - 200.000 ringgit Malaysia hoặc bị phạt tù tới 2 năm hoặc cả hai hình phạt.

Không chỉ vậy, Bộ Tài chính Malaysia đang thực hiện đánh giá kỹ lưỡng về khả năng áp thuế với loại hình kinh doanh trực tuyến trong đó có dịch vụ cung cấp phần mềm đặt xe Uber, Grab…

Tổng thư ký Bộ Tài chính Malaysia Mohd Irwan Serigar Abdullah cho rằng: “Những người hoạt động trong ngành kinh doanh trực tuyến kiếm lời ngày càng nhiều, đạt tới mức thu nhập phải đóng thuế. Đó là lý do tại sao, chúng tôi yêu cầu cơ quan thuế nội địa phải đánh giá kỹ lưỡng để đánh thuế với loại hình kinh doanh mới phát sinh”.

“Trong tương lai, khi các hoạt động kinh doanh được điện tử hóa và chia sẻ ngày càng nhiều, nếu không tính thuế hợp lý, đất nước sẽ thất thoát đáng kể”, ông Abdullah cho biết.

Lấy thu nhập của tài xế Uber tại Malaysia làm ví dụ, ông Irwan phân tích: Theo nghiên cứu mới đây của Cơ quan Giao thông đường bộ Malaysia, tài xế Uber có thể dễ dàng kiếm được 7.000 ringgit Malaysia/tháng. “Với một công việc bán thời gian, họ đã thu được 7.000 ringgit Malaysia lợi nhuận. Trong khi đó, theo luật Malaysia, 3.000 đến 4.000 ringgit Malaysia đã là mức thu nhập phải đóng thuế”, ông Irwan nói.

Về phía các tài xế, anh Mohd Iskandar đang hợp tác với Grab bán thời gian, có thu nhập thêm khoảng 4.000 ringgit/tháng, đồng ý rằng những người đang làm thêm như anh cần phải đóng thuế, nhưng với một điều kiện. “Chính phủ phải công nhận Grab hoặc Uber là một hình thức kinh doanh hợp pháp. Hiện nay, Chính phủ còn chưa quyết định hình thức này có phải là kinh doanh hợp pháp hay không”, anh nói.

Theo Trang Trần

Cùng chuyên mục
XEM