IMF: Kinh tế Châu Á bị ảnh hưởng do già hóa dân số và giảm năng suất lao động

09/05/2017 11:23 AM | Xã hội

Báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của khu vực Châu Á Thái Bình Dương khá tốt nhưng trong trung hạn, tình hình lại kém khả quan hơn do dân số già hóa và năng suất lao động giảm tốc.

Tổng GDP của khu vực này được dự đoán đạt 5,5% trong năm nay và 5,4% năm 2018, cao hơn mức dự đoán trước đó là 3,5% và 3,6%.

Tuy nhiên, hàng loạt những nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan lại đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số trong lực lượng lao động vởi tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc vào hàng cao nhất thế giới tính đến năm 2050.

May mắn thay, những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia hay Philippines có nền dân số khá trẻ, qua đó kiềm chế mức độ nghiêm trọng của việc thiếu lao động trong khu vực này.

Theo IMF, tình trạng già hóa dân số sẽ có ảnh hưởng tiêu cực dù khá nhỏ đến tăng trưởng tại Châu Á và khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,1 điểm phần trăm trong vòng 3 thập niên tới. Con số này có thể lên đến 0,2 điểm phần trăm nếu các nước trên không giải quyết được tình trạng xói mòn lực lượng lao động.

Thậm chí, tình trạng ngày càng có nhiều người già có thể ảnh hưởng đến lãi suất và thị trường tài chính khi có nhiều người già muốn gửi tiết kiệm còn số lao động cần vay vốn lại giảm đi.

Báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng năng suất của Châu Á đang giảm tốc kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, chủ yếu là do đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

Việc nhiều nước tăng cường đầu tư có thể dẫn đến sự tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, chính sự gia tăng năng suất lao động mới là động lực chính duy trì đà tăng trưởng này khi dòng vốn đầu tư suy giảm.

Tổ chức IMF nhận định vấn đề quan trọng hiện nay của chính phủ các nước là duy trì đà tăng trưởng năng suất dù những yếu tố bên ngoài khác không còn thuận lợi. Những nền kinh tế phát triển nên tập trung cho nghiên cứu và công nghệ, hướng đến công nghệ 4.0 trong khi các nước đang phát triển lại nên đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng. Tất cả những điều này là nhằm duy trì năng suất lao động trong tình hình già hóa dân số và biến động của các yếu tố bên ngoài.

BT

Cùng chuyên mục
XEM