IMF cảnh báo Mỹ dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến thương mại đang leo thang
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới đây cảnh báo rằng các cuộc xung đột thương mại đang leo thang đang ngày càng có khả năng đe dọa làm giảm sự phục hồi kinh tế và làm giảm triển vọng tăng trưởng trung hạn.
IMF , trong một bản cập nhật cho dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của mình, cho rằng Mỹ, là trọng tâm của vấn đề trả đũa thuế quan từ các đối tác thương mại, đặc biệt dễ bị suy giảm xuất khẩu.
Việc leo thang thuế quan với mức độ nghiêm trọng bởi Mỹ, Trung Quốc và các nước khác sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, mà còn làm tăng sự không chắc chắn và tổn thương về đầu tư, IMF cho biết.
"Mô hình của chúng tôi cho thấy rằng nếu các mối đe dọa chính sách thương mại hiện nay được thực hiện thì niềm tin kinh doanh sẽ giảm, GDP toàn cầu có thể thấp hơn khoảng 0,5% so với dự báo hiện tại vào năm 2020", chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, Maury Obstfeld cho biết.
Obstfeld nói thêm: "Vì sẽ bị nhiều nước trả đũa trong 1 cuộc chiến thương mại diện rộng, Mỹ sẽ nhận thấy phần lớn hàng hóa xuất khẩu của mình bị đánh thuế, và do đó đặc biệt dễ bị tổn thương".
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,9% cho cả hai năm 2018 và 2019, so với dự báo trước đó được đưa ra vào tháng Tư.
Dự báo cho Mỹ và Trung Quốc đều không thay đổi, với mức tăng trưởng của Mỹ chỉ ở mức 2,9% vào năm 2018 và 2,7% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo ở mức 6,6% vào năm 2018 và 6,4% vào năm 2019.
Tuy nhiên, Quỹ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng 2018 cho các nước khu vực đồng euro, Nhật Bản và Anh. Nguyên nhân mà IMF đưa ra là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này trong quý 1 thấp hơn dự kiến cùng với điều kiện tài chính thắt chặt hơn một phần do sự bất ổn chính trị.
Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro năm 2018 đã giảm từ 2,4% xuống còn 2,2%, với Anh giảm xuống còn 1,4% từ mức 1,6%. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản đã giảm xuống còn 1,0% từ 1,2%.
IMF cũng đã cắt giảm dự báo 2018 cho một số thị trường mới nổi, đáng chú ý là giảm một nửa điểm phần trăm cho Brazil xuống còn 1,8% do ảnh hưởng kéo dài của các cuộc đình công và bất ổn chính trị.
Quỹ cũng cắt giảm dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ 0,1%, xuống còn 7,5% do ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu tăng lên lực cầu nội địa và chính sách tiền tệ bị thắt chặt nhanh hơn dự định do lạm phát tăng cao.