Hơn 2 năm ở Việt Nam mà doanh thu chỉ bằng 1 góc nhỏ Vinasun, cớ gì Uber lại là mối nguy cho taxi truyền thống?

24/02/2017 15:19 PM | Kinh doanh

Uber và Grab vào Việt Nam nhanh chóng thu hút sự quan tâm của những người yêu thích công nghệ. Tuy nhiên, nếu suy ngược doanh thu của Uber từ con số thuế doanh nghiệp này đóng, có nhiều điểm kỳ lạ...

Theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng Ban cải cách, hiện đại hoá, Tổng cục Thuế, "Uber đã chấp hành, nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế". Với mức nộp thuế này, doanh thu của Uber là bao nhiêu?

Với mỗi 100.000 đồng người đi xe trả cho chuyến đi, Uber nhận 20.000 đồng và tài xế nhận 80.000 đồng.

Trong 20.000 đồng của Uber, công ty nộp 600 đồng thuế giá trị gia tăng và 400 đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong 80.000 đồng của tài xế, tài xế phải nộp 2.400 đồng thuế giá trị gia tăng và 1.200 đồng thuế thu nhập cá nhân. Phần thuế này Uber kê khai và nộp hộ.

Tổng cộng, số thuế mà Uber nộp vào ngân sách là 4.600 đồng, tương ứng tỷ lệ 4,6%. Từ đây, có thể suy đoán ngược từ số thuế Uber đóng là 30 tỷ thì doanh thu của Uber từ khi vào Việt Nam là 652 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra là nếu 652 tỷ đồng là số doanh thu thực của Uber trong 2 năm qua thì con số này nhỏ, thậm chí chưa bằng phần "số lẻ" của Vinasun. Hàng năm, taxi Mai Linh đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, còn đối với Vinasun, riêng năm 2016 này hãng đã đạt doanh thu xấp xỉ 4,6 nghìn tỉ đồng. Tổng 2 năm, doanh thu của Vinasun đạt hơn 8,7 nghìn tỉ đồng.


Có thể thấy, với mức doanh thu như vậy, Uber khó có thể là đối thủ của Vinasun mà chỉ ngang cơ với một hãng taxi nhỏ lẻ.,

Có thể thấy, với mức doanh thu như vậy, Uber khó có thể là đối thủ của Vinasun mà chỉ ngang cơ với một hãng taxi nhỏ lẻ.,

Với một đối thủ quy mô nhỏ, tăng trưởng cũng không có gì đặc sắc khi tổng 2 năm rưỡi hoạt động mới đạt doanh thu vỏn vẹn 652 tỉ, tại sao Vinasun phải dành nhiều tâm sức để đối phó đến vậy?

Thực tế cho thấy điều ngược lại. Từ khi Uber có mặt tại Việt Nam, Vinasun luôn coi Uber là "địch thủ không đội trời chung". Đại diện Vinasun luôn chĩa mũi dùi vào Uber, cho rằng DN này hoạt động không tôn trọng pháp luật Việt Nam và cần phải đóng cửa ngay lập tức.

Thêm vào đó, nếu nhìn những số liệu công bố trong báo cáo tài chính của Vinasun, ta sẽ thấy một thực tế doanh nghiệp này đang bị cạnh tranh khá gay gắt. Bất chấp doanh thu tăng qua từng năm, lợi nhuận biên của Vinasun đang giảm sâu trong vòng 2 năm trở lại đây.

Giai đoạn 2012-2014, biên lợi nhuận gộp của Vinasun ổn định ở mức xấp xỉ 17%. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, biên lãi gộp của Vinasun chỉ còn 15,2% năm 2015 và giảm tiếp xuống 14,3% năm 2016.

Kết quả, công ty này phải cắt giảm bớt lợi nhuận cho tài xế để duy trì lượng xe và thị phần, khiến giá vốn tăng cao. Những con số cho thấy Vinasun đang bị cạnh tranh rất quyết liệt tại thị trường phía Nam.

Quãng thời gian đó, trong khi Mai Linh vẫn đang loay hoay tái cơ cấu lại doanh nghiệp thì một cách trùng hợp, các DN taxi truyền thống phía Nam cũng không có gì nổi bật thì sự đi xuống của Vinasun lại trùng với thời điểm Uber tiến vào Việt Nam. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Vinasun cho rằng Uber đang "giết chết" taxi truyền thống".

Quay trở lại với câu chuyện Uber Việt Nam. Những số liệu của Uber tại Việt Nam như số tài xế hay tốc độ tăng trưởng hiện tại vẫn là bí ẩn. Sự thiếu minh bạch trong quá trình vận hành của doanh nghiệp Internet xuyên quốc gia này cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về quy mô của nó.

Kể cả con số 652 tỷ đồng nêu trên được tính toán ngược lại dựa trên số thuế 30 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đã kê khai và đóng vào ngân sách. Uber đã tuyên bố rằng mình đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, nhưng bản thân ngành thuế cũng từng cho biết, việc tính toán đầy đủ và truy thu cũng là bài toán nan giải. Uber, Facebook hay Google không có chi nhánh tại Việt Nam. Nơi nhận tiền thanh toán là tài khoản nước ngoài, được chuyển trực tiếp ra nước ngoài, việc kiểm soát càng khó khăn hơn.

Dù sao, việc Uber Việt Nam chấp nhận đóng thuế cũng là tín hiệu đáng mừng, cho thấy cơ quan thuế đã nghiêm khắc trong việc quản lý thuế các doanh nghiệp Internet xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính cũng khẳng định, những hoạt động kinh tế xuyên biên giới Tổng cục Thuế đều đã có quản lý và có kết quả. Các chính sách quản lý sẽ được xây dựng để siết chặt hoạt động của doanh nghiệp dạng này, tạo sân chơi công bằng với các doanh nghiệp trong nước.

Vì sao Uber thua lỗ vẫn cố bám trụ Trung Quốc?

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM