Hơn 10.000 lượt khách/ngày: Nhiều khách lên buýt nhanh chỉ để đi thử

04/01/2017 08:37 AM | Xã hội

Mới đi vào vận hành vài ngày, tuyến buýt nhanh BRT bất ngờ đón nhận hơn 10.000 lượt khách/ngày.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 3/1/2017, hầu hết các chuyến xe buýt BRT đều đầy ắp người. Ngoài một số hành khách có nhu cầu di chuyển về công việc thì phần nhiều hành khách lên xe chỉ để đi thử xe buýt BRT có gì khác so với xe buýt thường.

Lo sợ kẹt cửa, bước hụt chân...

Bắt đầu hoạt động từ ngày 31/12/2016, tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa - bến xe Kim Mã thu hút đông đảo người dân sử dụng. Là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, do đó các tuyến đường đều khá đông đúc.

Vào giờ cao điểm sáng 3/1, các phương tiện chủ yếu là xe máy thường xuyên lấn làn buýt BRT. Có những xe máy bất ngờ lách ra từ hàng dài ô tô đang dừng chờ khiến cho xe BRT phải phanh gấp liên tục. Hành khách trên xe bị nhiều phen thót tim.

Trên xe cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đầu tiên là lỗi mở cửa của một số nhà chờ. Ghi nhận tại nhà chờ Hoàng Đạo Thúy trên đường Lê Văn Lương, tuy xe BRT đã đỗ thẳng với cửa chờ nhưng khi cửa xe buýt mở, cửa nhà chờ vẫn không mở, khiến khách loay hoay không biết lên xuống xe thế nào. Sau vài lần tiến lên, lùi xuống, thậm chí tắt máy xe khởi động lại, cửa nhà chờ mới mở cho khách lên. Theo một tài xế BRT, riêng trong ngày 2/1, nhà chờ Hoàng Đạo Thúy đã 2 lần gặp trục trặc. Ghi nhận của PV, lỗi không mở cửa còn xảy ra tại các nhà chờ Núi Trúc, Nguyễn Tuân… Theo anh Đỗ Thế Hưng, xe hiện đại quá cũng “khổ”, cả nhà anh đi thử xe BRT tại nhà chờ Giảng Võ, tuy nhiên do cửa xe không mở, nên anh bị lỡ mất 2 chuyến mới lên được xe.

Sáng ngày 2/1 đến 3/1 cũng xảy ra một trường hợp xe đóng cửa khi khách chưa kịp xuống hết, dẫn đến nhiều hành khách có tâm trạng lo lắng. Trong khi đó, việc mở cửa khi dừng đỗ đón trả khách cũng gây lo ngại khi bục cửa di động của xe buýt nhiều khi tạo khoảng cách quá rộng với bục cửa nhà chờ. “Nếu không quan sát hoàn toàn có thể bước hụt vào khoảng cách đó, đặc biệt là trẻ nhỏ”, anh Nguyễn Văn Dũng, một hành khách chia sẻ. Theo lý giải của một số lái xe, thì việc dừng đỗ, khớp lệnh giữa cửa nhà chờ và cửa xe buýt thì do mắt thần còn khoảng cách giữa bậc cửa xe BRT và nhà chờ là do kỹ năng của tài xế.

Hơn 10.000 lượt khách đi buýt BRT/ngày

Theo thống kê từ Ban quản lý BRT, mặc dù là ngày nghỉ, nhưng lượng khách đi buýt BRT tăng “bất ngờ”. Trong ngày đầu tiên của năm 2017, đã có 8.317 vé được phát ra, trung bình mỗi chuyến xe chở gần 32 lượt khách, mỗi nhà chờ có khoảng 361 hành khách. Lượng khách liên tục tăng đạt hơn 10.000 lượt trong các ngày 2/1 và 3/1. Bà Đỗ Thị Kim Hoa (trú tại phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ) cho biết, đi BRT tiện lợi, hiện đại hơn hẳn xe thông thường. “Nếu xe BRT vẫn duy trì được thì rất tiện cho những người về hưu như chúng tôi”, bà Hoa nhận định.

Ngoài ra, để hướng dẫn và tăng cường ý thức cho hành khách đi xe buýt, Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã đưa hàng chục thanh niên, đoàn viên lên các tuyến BRT hướng dẫn khách. Vừa tất bật hướng dẫn hành khách, anh Cao Thế Nhân, nhân viên Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu cho biết, nhìn chung khách đi xe buýt đều có ý thức cao. Chỉ một số trường hợp phải nhắc nhở nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Còn lại, đa phần đều tự giác. “Đoàn Thanh niên Cty sẽ hỗ trợ, hướng dẫn hành khách ban đầu đi xe BRT từ nay đến hết ngày 9/1/2017”, anh Nhân thông tin thêm.

Trước đó, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc Khuất Việt Hùng đánh giá: Khó khăn, thách thức nhất hiện nay là làm sao để BRT hoạt động đảm bảo an toàn giao thông. Bởi, thực tế quy định làn đường dành riêng cho xe buýt các phương tiện cá nhân không được đi vào, nhưng việc này vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Để giải quyết được tình trạng này, ngoài kết hợp tuyên truyền hướng dẫn trong thời gian đầu, thì cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội cho biết, BRT đã thu hút lượng hành khách vượt mong đợi trong những ngày đầu chính thức đưa vào khai thác. Xe BRT cũng được vận hành thuận tiện do áp lực giao thông không lớn như ngày thường. Thời gian BRT vận hành trên tuyến cơ bản đảm bảo với thời gian 45 phút/chuyến. Ông Hải cho biết thêm, những bất cập về biển báo, đèn tín hiệu sẽ được xử lý sớm nhất có thể. Đối với mỗi nhà chờ sẽ có lực lượng thanh niên hỗ trợ, cứ mỗi nhà chờ sẽ có 2 người/ca. “Về hiện tượng kẹt cửa nhà chờ, đơn vị cũng đã thông báo nhà thầu khẩn trương xử lý”, ông Hải nói. Còn về khoảng cách quá rộng giữa bậc cửa xe buýt với bậc cửa nhà chờ, ông Hải cho biết, sẽ tổ chức đào tạo thêm cho lái xe, hoàn thiện kỹ năng để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Trong sáng 3/1, CSGT Hà Nội đã dừng xe, xử lý một số trường hợp ô tô cố tình lấn làn BRT. Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết, trong tuần đầu vẫn chưa xử phạt những trường hợp vi phạm mà chủ yếu chỉ nhắc nhở, hướng dẫn. Sau đó, CSGT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm những vi phạm lấn phần đường, đặc biệt là khi đường thông thoáng.

Theo Trần Hoàng - Trường phong

Cùng chuyên mục
XEM