Hơn 10 năm nay, Luật Cạnh tranh không thể "xử lý" được bát mỳ tôm giá 160.000 đồng ở sân bay

10/05/2017 16:59 PM | Xã hội

Luật Cạnh tranh của Việt Nam từ khi ban hành năm 2005 đến nay chưa có bất cứ sửa đổi gì. Hơn 1 thập kỷ, luật này đã dần bộc lộ ít nhiều lạc hậu, không gắn với cuộc sống hay được hiểu đúng bản chất.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi)" do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức sáng nay (10/5).

Trong kinh tế học, cạnh tranh công bằng luôn được xem là động lực phát triển của nền kinh tế trong điều kiện nguồn lực khan hiếm. Nhờ cạnh tranh lẫn nhau, các nhà sản xuất chịu sức ép phải tạo ra nhiều loại sản phẩm hàng hoá và dịch vụ mới hơn, chất lượng tốt hơn và giá cả thấp hơn để cung cấp cho người tiêu dùng.

Vì nó thiết lập và duy trì một môi trường cạnh tranh công bằng cho các chủ thể kinh doanh thông qua hệ thống các chính sách và pháp luật cạnh tranh của nhà nước là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế được vận hành hiệu quả, phân bổ nguồn lực khan hiếm vào những nơi đem lại nhiều giá trị nhất cho xã hội.

Nhận biết được tầm quan trọng đó, năm 2005, Luật Cạnh tranh đã chính thức ra đời, thiết lập nền tảng pháp lý đầu tiên cho môi trường cạnh tranh ở Việt Nam với các chế định nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn, hạn chế, xử lý các hành vi gây thiệt hại cho cạnh tranh.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, Luật Cạnh tranh 2005 và các văn bản liên quan đến môi trường cạnh tranh đã đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập một khung khổ cho các hoạt động cạnh tranh trên thị trường nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này cho đến nay đã bộc lộ ít nhiều lạc hậu, đặc biệt là Luật Cạnh tranh 2005.

Bên cạnh đó, tư duy về “cạnh tranh” trong nền kinh tế Việt Nam còn được đánh giá là một trong khía cạnh yếu. "Nhiều doanh nghiệp nghĩ về cạnh tranh như một cái gì đó xa vời, không hình dung ra được, cũng như không hiểu luật sẽ được áp dụng như thế nào", đại diện VCCI nói.

Lấy ví dụ về chuyện giá cước vận tải và xăng dầu, phía VCCI cho biết khoảng vài năm trở lại đây, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, tác động đến thị trường xăng dầu trong nước, kéo theo đó là bài toán về giá cước vận tải, bộc lộ hiện tượng méo mó về cạnh tranh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cụ thể, theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ 7/2014 đến 1/2015, xăng dầu có 14 đợt điều chỉnh, tổng mức giảm 39% nhưng giá cước chỉ giảm từ 3 – 10%.

Trong khi đó, chuyên gia tính toán giá xăng dầu chiếm từ 35 – 40% chi phí vận tải, như vậy, nếu giá xăng giảm 10% thì giá cước vận tải sẽ phải giảm 3,5 – 4%. Từ 4/7/2015 – 4/9/2015, giá xăng dầu tiếp tục giảm 16 – 17% tương ứng với đó lẽ ra giá vận tải phải giảm 4 – 8%. Tuy nhiên, thực tế giá cước taxi vẫn giữ nguyên.

"Tại thời điểm đó, báo chí hầu như chỉ nói về việc thanh kiểm tra giá của hãng taxi chứ không ai nghĩ đến vấn đề 'neo giá' , 'làm giá' giữa các doanh nghiệp vận tải", đại diện VCCI cho biết.

Chính vì thế, những biện pháp điều chỉnh sau đó cũng bị hành chính hoá. Cụ thể, các quy định pháp luật về cạnh tranh đã không được vận dụng ở đây, các cơ quan quản lý về cạnh tranh cũng không có hành động nào liên quan.

Kết quả, các cơ quan nhà nước về vận tải (Bộ GTVT) và về giá (Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính) buộc phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính, yêu cầu tính toán lại giá. Thậm chí, Hà Nội còn buộc phải thực hiện biện pháp phi thị trường là yêu cầu các đơn vị vận tải buộc phải công bố mức giảm giá cước vào ngày 11/9/2015.

Câu chuyện này chỉ là 1 trong rất nhiều câu chuyện khác để kể: Bát mỳ tôm ở sân bay 160 nghìn đồng và ý nghĩ kiểm soát giá chứ không nghĩ đến việc chống độc quyền; hành động phi thị trường của địa phương như buộc các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm, hay khuyến nghị về sử dụng một số nhãn hiệu thuốc bảo vệ thực phẩm...

“Vậy cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý những vấn đề này bằng quy định hành chính hay luật cạnh tranh, khi cơ quan quản lý là chủ thể của hành vi này thì chế tài nào xử lý hay phương thức nào để doanh nghiệp có thể bảo vệ mình...” đại diện VCCI đặt ra câu hỏi.

Trên thực tế, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được đóng góp ý kiến, dự trình Quốc hội trong thời gian tới. Đây là cơ hội để sửa đổi luật phù hợp với cuộc sống, đồng thời thay đổi tư duy về cạnh tranh, hiểu và áp dụng nó. Bởi lẽ, như TS. Nguyễn Đức Thành nhận xét: “Cạnh tranh là đức hạnh của thị trường, nhờ đó mà nền kinh tế được điều chỉnh phù hợp”.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM