Hôm nay, xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm

08/01/2018 09:16 AM | Xã hội

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng. Họ bị cáo buộc đã vi phạm các quy định, gây thiệt hại kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, hoặc lập khống hợp đồng để ăn chia, chiếm đoạt tài sản Nhà nước...

Chỉ định thầu trái phép

Hôm nay (8/1), TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 21 đồng phạm trong vụ án tham nhũng – kinh tế xảy ra tại Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

 Theo cáo trạng, PVN là Tập đoàn do Nhà nước sở hữu với vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng và có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn. HĐTV của PVN là cơ quan đại diện theo ủy quyền của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật về các quyết định gây thiệt hại cho PVN và chủ sở hữu. Ông Đinh La Thăng trong thời gian lãnh đạo PVN bị cáo buộc đã mắc một số sai phạm về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cụ thể, năm 2010, ông Thăng ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với số vốn gần 1,7 tỷ USD. Lúc này, PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT đã đầu tư vào 46 Cty “con” hơn 3.400 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ nên mất cân đối, phải trích lập dự phòng.

Để tạo điều kiện cho PVC hoạt động, ông Đinh La Thăng gửi văn bản lên Thủ tướng, đề nghị PVN được giao việc cho PVC theo hình thức chỉ định thầu, đồng thời PVN được phép chỉ định thầu cho dự án Thái Bình 2. Được đồng ý, ông Thăng ký nghị quyết chọn PVC thực hiện gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công công trình - PV). Tháng 10/2010, ông Thăng ký nghị quyết về việc thành lập liên danh tổng thầu EPC gồm PVC và các đơn vị nước ngoài có năng lực từ Mỹ, Đức (làm phần chính).

Sau đó, PVN bất ngờ thay đổi công nghệ cho Thái Bình 2 từ lò tầng sôi tuần hoàn sang lò phun than; cử cán bộ đi Trung Quốc khảo sát. Tháng 1/2011, ông Thăng gửi văn bản tới Thủ tướng, đề nghị cho PVC làm tổng thầu, bác lại chính nghị quyết về liên danh tổng thầu do ông ký trước đó. Tháng sau, PV Power và PVC lập khống nhiều tài liệu rồi cùng ký hợp đồng EPC dài 8 trang A4 trị giá 1,2 tỷ USD. Hợp đồng này trái quy định của pháp luật và thiếu các tài liệu như điều khoản, điều kiện hợp đồng; biểu mẫu; phụ lục; hồ sơ…

Chưa nhận thầu đã nhận tiền

Cũng theo cáo trạng, ngày 1/3/2011, dự án Thái Bình 2 được khởi công. Hôm sau, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo cấp dưới gửi văn bản cho PV Power đề nghị tạm ứng 72 triệu USD nhưng chưa được đáp ứng. Cho rằng PV Power không đủ năng lực, ông Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới để PVN làm chủ đầu tư và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC. Từ đây, Ban quản lý Dự án Thái Bình 2 (BQLDA) ra đời.

Lúc này, dù chưa ký hợp đồng EPC mới nhưng PVC vẫn đề nghị BQLDA tạm ứng. Tháng 4/2011, ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó TGĐ PVN và ông Ninh Văn Quỳnh – Trưởng ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN chuyển cho BQLDA hơn 9,5 triệu USD và 148 tỷ đồng để ứng cho PVC. Do hồ sơ không đủ, ngày 13/5/2011, Vũ Hồng Chương – Trưởng BQLDA và cấp dưới chỉ chuyển hơn 6,6 triệu USD cho PVC.

Cùng ngày, PVC gửi văn bản cho PVN, đề nghị tạm ứng hơn 65 triệu USD theo hợp đồng EPC đã ký với PV Power. Do ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo đẩy nhanh việc tạm ứng cho PVC nên Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh đã đồng ý yêu cầu trên. Tổng cộng, từ tháng 4 đến 7/2011, PVN đã cấp cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng dù phải tới tháng 10/2011, PVC mới chính thức là nhà thầu EPC cho Thái Bình 2.

Cũng trong năm 2010, Cty tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) bị thua lỗ nên ông Đinh La Thăng chỉ đạo PVC nhận lại 5 dự án của PVFC trị giá hơn 793 tỷ đồng. Ngoài ra, PVC còn vướng khoản nợ 400 tỷ đồng đến hạn thanh toán. Vì vậy, ngay khi được tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng nói trên, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 1.115 tỷ đồng để trả nợ, đầu tư…

Năm 2012, Vũ Hồng Chương yêu cầu PVC hoàn trả 100% tiền tạm ứng nhưng chỉ thu hồi được 1.087 tỷ đồng. Theo giám định, việc PVC sử dụng sai tiền tạm ứng gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Hợp đồng giả, nhận tiền thật

Ngoài vụ việc trên, Trịnh Xuân Thanh cùng 9 bị cáo khác được xác định có hành vi tham ô trong việc thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1. Cụ thể, năm 2011, ông Thanh cùng Vũ Đức Thuận – TGĐ PVC; Nguyễn Anh Minh – Phó TGĐ PVC đã chỉ đạo Lương Văn Hòa – GĐ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (BĐHDA) rút tiền để sử dụng riêng.

Ông Hòa đã ký khống 4 hợp đồng với Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa, nội dung BĐHDA thuê Quỳnh Hoa thi công 3 hạng mục tại dự án Vũng Áng 1 và 1 hạng mục tại dự án Quảng Trạch 1. Trong số đó, có 3 hạng mục do nhà thầu khác xây dựng, riêng công trình nhà ăn không thi công do chưa có nhu cầu. Năm 2012, do sợ bị phát hiện nên ông Hòa bỏ tiền túi ra thuê người xây dựng nhà ăn. Tuy vậy, các đối tượng bị kết luận vẫn chiếm đoạt được hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ hành vi phê duyệt dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư Thái Bình 2 và các sai phạm khác tại PVN, PVC để xử lý theo quy định.

Ngày 5/1, mẹ đẻ của ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Chi cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội nộp 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả ông Thanh gây ra trong vụ án. Cùng ngày, các luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang và Lê Thị Bích Chi thuộc Cty luật Viên An chính thức rút, không bào chữa cho ông Thanh. Lý do họ đưa ra vì không đủ thời gian thu thập, nghiên cứu tài liệu nên không đảm bảo điều tốt nhất cho thân chủ. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh còn 7 luật sư bào chữa.

Tân Châu

Đến nay, có 82 phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí đăng ký đưa tin về phiên tòa. Đăng ký theo dõi xét xử còn có 2 đại diện từ Đại sứ quán Đức; 1 người từ Đại sứ quán Mỹ; 1 người từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam…

Theo Xuân Ân

Cùng chuyên mục
XEM