Hôm nay, khách hàng Viettel truy cập Internet quốc tế bình thường

15/01/2017 19:21 PM | Xã hội

Chiều 15/1, đại diện Viettel cho biết đang phối hợp với đối tác Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng, khai thác thêm 100Gbps dung lượng Internet đi quốc tế và khi đó sẽ đảm bảo dung lượng tương đương như trước khi xảy ra sự cố với các tuyến cáp quang biển nhà mạng này đang khai thác.

Tính đến tối 14/1, Viettel đã đáp ứng gần 95% nhu cầu sử dụng dịch vụ kết nối quốc tế vào giờ cao điểm với việc bổ sung dung lượng như 70 Gbps qua hướng cáp đất liền đi Trung Quốc – Hong Kong, 100 Gbps qua hướng APG nhánh đi Hong Kong và 30 Gbps qua đất liền hướng đi Lào, Campuchia và Thái Lan.

Ông Hoàng Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel cũng chính thức gửi lời xin lỗi tới khách hàng vì sự bất tiện trong thời gian xảy ra sự cố.

Lãnh đạo Viettel Telecom cũng khẳng định Viettel nhà mạng tập trung mọi nguồn lực về tài chính, nhân sự và công nghệ để triển khai giải pháp ứng cứu, định tuyến kết nối, đảm bảo 100% chất lượng cho các dịch vụ sử dụng lưu lượng quốc tế như 3G, thuê kênh, roaming, VoIP, Internet có các nội dung Google đã được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt ở Việt Nam và một phần lưu lượng cho dịch vụ cố định.

Viettel cũng nhanh chóng đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho gần 100 máy chủ của Facebook đã được lắp đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, song song với việc bổ sung dung lượng quốc tế.

Trong một diễn biến mới nhất, phía Viettel cho biết, hiện tuyến cáp APG dự kiến tới 23/1 sẽ khắc phục xong trong khi AAG phải tới ngày 28/1 còn IA thì chưa có lịch sửa chữa.

[Dự kiến lịch trình sửa chữa sự cố các tuyến cáp quang biển quốc tế]

Cũng theo đại diện nhà mạng này, đây là trường hợp hy hữu xảy ra trong bối cảnh tại khu vực châu Á, một loạt tuyến cáp biển kết nối từ Singapore, Hong Kong cũng đang gặp sự cố tương tự như TIC, APG, IA, APCN2…

Trước đó, VNPT VinaPhone cũng cho biết đơn vị này đã chủ động định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng khác như CSC (cáp đất liền qua Trung Quốc), SMW3 (tuyến cáp châu Á sang Ấn Độ, vào châu Âu) đảm bảo thông suốt mạng lưới, phối hợp với các đối tác quốc tế để bố trí dung lượng ứng cứu kết nối khắc phục sự cố gián đoạn đường truyền.

Theo Trung Hiền

Cùng chuyên mục
XEM