Hỏi mua đồ uống trên Facebook, người phụ nữ mất 3,5 tỷ sau khi tải ứng dụng lạ

22/07/2023 11:10 AM | Sống

Mua đồ uống trên Facebook, người phụ nữ được đề nghị tải xuống ứng dụng để mua hàng. Vài ngày sau, người này kiểm tra lại tài khoản thì thấy mất 3,5 tỷ.

Mua đồ uống, mất 3,5 tỷ

Tất cả những gì Li muốn chỉ là mua một số món đồ uống, nhưng bằng cách kỳ lạ nào đó, cô đã mất gần 200.000 SGD (3,5 tỷ đồng), khi tiền trong tài khoản tự động chuyển cho người khác.

Theo tờ Lianhe Zaobao, người phụ nữ này đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo trên ứng dụng mua sắm giả mạo.

Người phụ nữ họ Li, 56 tuổi, chia sẻ rằng vào ngày 4/6, cô liên hệ với một "cửa hàng tạp hóa" trên trang Facebook để mua một số đồ uống vì chúng có giá rất rẻ.

Sau khi cung cấp số điện thoại theo yêu cầu, cô được cửa hàng liên lạc qua WhatsApp.

"Họ đề nghị tôi tải xuống ứng dụng di động của công ty họ, nói rằng tôi có thể đặt hàng qua ứng dụng đó. Sau khi tải xuống ứng dụng, tôi cảm thấy có gì đó không ổn và không thấy giống với cửa hàng này”, Li nói với Zaobao.

Li sau đó được cửa hàng thông báo rằng họ đã đưa cho cô 20 SGD để mở tài khoản trên ứng dụng, nhưng cô đã phớt lờ điều này vì nghi ngờ và không kiểm tra xem số tiền đã được nhận hay chưa.

Sau đó, cô hỏi ý kiến cháu trai của mình, người ngay lập tức khuyên Li xóa ứng dụng khỏi điện thoại.

Vài ngày sau, Li nhận được một tin nhắn WhatsApp van nài trả lại 128 SGD đã bị chuyển nhầm cho cô qua PayNow. Người nhắn nói rằng số tiền này được dùng để chữa bệnh cho bạn gái đang nằm viện.

Vì Li không quen thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng trực tuyến nên cô đã nhờ cháu trai mình chuyển giúp.

Cùng ngày hôm đó, cô phát hiện ra một ứng dụng có tên Compass For Android trên điện thoại mà không nhớ bản thân đã tải xuống ứng dụng này lúc nào. Li quyết định nhờ người giúp xóa ứng dụng.

Hỏi mua đồ uống trên Facebook, người phụ nữ mất 3,5 tỷ sau khi tải ứng dụng lạ - Ảnh 1.

Người cháu trai sau đó đã tìm thấy hai ứng dụng đáng ngờ khác trên điện thoại của Li hai ngày sau đó và tiếp tục xóa chúng.

Tuy nhiên, Li bất chợt phát hiện ra rằng có đến 8 lần chuyển tiền đã được thực hiện từ tài khoản của mình, với số tiền lên tới 199.996 SGD, tờ Lianhe Zaobao đưa tin.

"Tôi ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để đóng băng tài khoản và gọi cảnh sát", Li kể lại.

Giả mạo liên hoàn

Một tuần sau khi nộp báo cáo với sở cảnh sát Ang Mo Kio, cô nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cảnh sát ở khu Woodlands.

Li nhớ lại: "Họ nói với tôi rằng có quá nhiều trường hợp ở Ang Mo Kio và vì vậy trường hợp này phải được chuyển giao cho họ”.

Người cảnh sát chia sẻ rằng anh ta có thể giúp lấy lại tài khoản và lên lịch gặp mặt ở Woodlands.

Tuy nhiên, khi tắt cuộc gọi, Li nhận ra rằng số mà cảnh sát này sử dụng chính là số của kẻ mới vài hôm trước nói đã chuyển nhầm 128 SGD, vì vậy Li tiếp tục làm đơn trình báo khác cho cảnh sát.

Li nói thêm rằng vụ việc đã xảy ra hơn một tháng trước và cô chưa nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào từ cảnh sát hoặc ngân hàng. Trả lời các câu hỏi của Zaobao, cảnh sát xác nhận rằng họ đã nhận được hai trình báo của Li và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Hỏi mua đồ uống trên Facebook, người phụ nữ mất 3,5 tỷ sau khi tải ứng dụng lạ - Ảnh 2.

Họ nói thêm rằng từ ngày 1/6 đến ngày 12/7 năm nay, ít nhất 134 người đã rơi vào các vụ lừa đảo tương tự, mất ít nhất 375.000 USD.

Trong một vụ việc tương tự hồi tháng 4, người đàn ông tên Lu cũng mất tổng cộng 71.000 SGD (1,2 tỷ đồng) tiền tiết kiệm cả đời sau khi bị lừa tải phần mềm độc hại bên trong cửa hàng ứng dụng Google Play giả mạo dành cho thiết bị Android.

Với cái tên giống hệt với ứng dụng chính thức của Google, ứng dụng Google Play giả mạo đánh lừa kể cả những người dùng am hiểu công nghệ nhất. Với chiêu thức tinh vi nói trên, Lu được thông báo ông có thể sẽ không lấy lại được tiền của mình.

Để phòng tránh trò lừa đảo dựa trên ứng giả mạo, Lực lượng Cảnh sát Singapore và Cơ quan An ninh mạng Singapore khuyến cáo người dùng không nên tải ứng dụng từ các nguồn bên ngoài.

Người dùng tuyệt đối chỉ tải xuống và cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (ví dụ: Cửa hàng Google Play dành cho Android hay App Store trên iPhone).

Để phòng ngừa thêm, cần kiểm tra thông tin nhà phát triển trên danh sách ứng dụng cũng như số lượt tải xuống và đánh giá của người dùng để đảm bảo đó là một ứng dụng hợp pháp và uy tín.

Tắt “Cài đặt ứng dụng không xác định” hoặc “Nguồn không xác định” trong cài đặt trên điện thoại. Thận trọng khi nhấp vào quảng cáo được nhúng trong các ứng dụng dẫn đến trang web của bên thứ ba mời gọi tải xuống ứng dụng lạ.

Theo Mạnh Kiên

Cùng chuyên mục
XEM