Hoạt động M&A "dậy sóng" ở Hollywood

11/08/2018 15:48 PM | Kinh doanh

Những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khổng lồ ở Hollywood đang thay đổi cách khán giả xem các chương trình cũng như phim họ yêu thích.

Cuộc chơi của những ông lớn

Ngày 27/7 vừa qua, Disney hoàn tất thương vụ mua lại phần lớn tài sản của 21st Century Fox, sau khi chi trả 71,3 tỷ USD. Như vậy, ngoài X-Men, The Simpsons, Modern Family..., Disney hiện sở hữu bản quyền của 8 phần phim Star Wars. Ngay đầu năm sau, khán giả sẽ không thể xem chúng trên Netflix nữa, mà chỉ duy nhất trên dịch vụ phát trực tuyến Disney đang lên kế hoạch xây dựng.

Thương vụ sáp nhập Disney - Fox là một phần của làn sóng hợp nhất đang quét qua ngành công nghiệp truyền thông thế giới. Đầu năm nay, AT&T cũng đã mua lại Time Warner - công ty sở hữu kênh HBO và Hãng phim Warner Bros., trở thành chủ sở hữu của các phim Harry Potter, The Big Bang Theory, Wonder Woman, Game of Thrones...

CBS (sở hữu series Star Trek, N.C.I.S, American Vandal, Jane the Virgin), Viacom Viacom (sở hữu series phim ăn khách Mission: Impossible, 13 Reasons Why, Jack Ryan) cũng đang lên kế hoạch sáp nhập. Và rồi Comcast (sở hữu series The Fast and the Furious, Jurassic Park, Parks and Recreation, Master of None) sau khi để mất Fox vào tay Disney, hiện có vẻ sẽ tham gia một "cuộc chơi" sáp nhập khác.

Những vụ sáp nhập kể trên đồng nghĩa với việc một số ít công ty danh tiếng sẽ điều khiển phần lớn chương trình truyền hình và phim điện ảnh được đầu tư và sản xuất tại Hollywood. Điều này có thể sẽ thay đổi nơi và cách thức khán giả xem phim hoặc diễn viên họ yêu thích.

Như Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) nổi đình nổi đám do HBO sản xuất và Time Warner sở hữu, nay đã thuộc về AT&T. Điều này có nghĩa nếu có đăng ký dịch vụ DirecTV (thuộc AT&T), khán giả sẽ có thể xem trực tuyến series này trên điện thoại mọi lúc mọi nơi mà không phải trả thêm phí.

Thế cân bằng bị phá vỡ

Thâu tóm nội dung cũng đã trở thành chiến lược hàng đầu của ngành công nghiệp truyền thông. Vì việc những hãng công nghệ như Netflix (sở hữu series Stranger Things, Glow, Mindhunter, A Series of Unfortunate Events), Amazon (sở hữu các phim Manchester by the Sea, The Big Sick, The Marvelous Mrs. Maisel và series The Lord of the Rings), Apple và Facebook đang bỏ ra hàng tấn tiền để thúc đẩy sự tái sắp xếp nhanh chóng khiến những công ty kể trên phải tham gia vào các thương vụ sáp nhập để tồn tại.

Có 5 công ty hiện đang nắm giữ 9/10 kênh cáp với lượt xem nhiều nhất mùa hè này. Disney mua lại Fox, sẽ sở hữu 50% doanh thu phòng vé Bắc Mỹ năm nay. Nhưng sự cân bằng giữa các nhà sáng tạo và các nhà phân phối vẫn được gìn giữ bấy lâu nay đang dần bị phá vỡ.

Disney đang lên kế hoạch gỡ xuống phần lớn hoặc có thể là toàn bộ phim của Hãng trên Netflix bắt đầu từ năm sau, khi Hãng cho ra mắt dịch vụ phát trực tuyến riêng. Điều này có nghĩa những bộ phim "hit" mới như Star Wars: The Last Jedi, hoặc các bom tấn Marvel như Thor: Ragnarok sẽ không còn khả dụng trên Netflix trong vài năm tới.

Khi thông báo về thỏa thuận sáp nhập với Fox vào tháng 12 năm ngoái, Robert A. Iger - Tổng giám đốc điều hành của Disney cho biết: "Một trong những khía cạnh thú vị nhất của thương vụ mua lại Fox là sẽ cho phép chúng tôi đẩy mạnh chiến lược mang sản phẩm "trực tiếp đến người tiêu dùng".

Theo ông, việc tạo ra các dịch vụ phát trực tuyến riêng - ít nhất là một dịch vụ dành cho giải trí và một cho các chương trình thể thao - là "điều quan trọng cho tương lai". Netflix vẫn sẽ có bản quyền của một vài bộ phim Disney cho ra mắt từ năm 2016 đến năm 2018, nhưng rồi chúng cũng sẽ biến mất trên dịch vụ này. Trong tương lai gần, người xem chắc chắn sẽ phải trả tiền cho một dịch vụ của Disney để xem một bộ phim thuộc quyền sở hữu của Hãng.

Điều đó có thể "ép" những công ty khác cùng tham gia vào việc giới hạn các nội dung của họ. Warner Bros. - một nguồn cung nội dung lớn nhất của truyền hình thế giới, hiện đang thuộc về AT&T - công ty có tham vọng lớn đối với dịch vụ phát trực tuyến dựa trên kho dữ liệu mới thu mua được. Về cơ bản, điều này có thể thay đổi cách thức ngành kinh doanh truyền hình đã vận hành suốt nhiều thập kỷ qua.

Hoạt động M&A dậy sóng ở Hollywood - Ảnh 1.

Cảnh trong phim "The Crown"


Từ trước đến nay, các hãng truyền hình sẽ sản xuất nội dung, trong khi những nhà phân phối như NBC hay những hãng mới hơn như Netflix sẽ trả tiền bản quyền để phát sóng chúng. Nhưng khi những hãng sở hữu nội dung cũng nắm trong tay những nền tảng phát sóng thì khán giả sẽ rơi vào tình cảnh phải trả vô số hóa đơn của dịch vụ phát trực tuyến để được truy cập vào tất cả những chương trình họ yêu thích.

Series phim truyền hình The Crown - một trong những "hit" mới nhất của Netflix, thuộc quyền sở hữu của Sony. Khi quyền phát sóng của Netflix hết thời hạn, Sony (sở hữu các thương hiệu khác như Breaking Bad, Spider-Man, Men in Black...) có thể sẽ cấp bản quyền cho một nhà cung cấp khác như Hulu - hiện thuộc quyền điều hành của Disney.

Thậm chí cả Netflix, dù đã lên kế hoạch chi hơn 12 tỷ USD trong năm nay cho việc sản xuất chương trình, vẫn phải dựa vào nguồn nội dung của các hãng khác. Hãng đã luôn tiếp thị những chương trình truyền hình và phim mà khán giả chỉ có thể xem phiên bản "gốc" duy nhất trên Netflix, nhưng không phải tất cả chúng đều thuộc quyền sở hữu của Netflix.

Còn Hulu - có hơn 20 triệu người đăng ký, hiện đang do Disney điều hành, nhưng dịch vụ này lại không sở hữu bất kỳ bộ phim nào. Như The Handmaids Tale đã thắng giải Emmy là chương trình xuất hiện trên nền tảng này, song lại thuộc về MGM. Hulu cũng đã bắt đầu quảng bá dịch vụ phát trực tuyến của HBO, hiện do AT&T sở hữu, như một tiện ích mở rộng. Một góc nhìn khác của việc này cho thấy Disney đang giữ mối quan hệ tốt với AT&T.

Theo PHÚC NHƯ THỦY

Cùng chuyên mục
XEM