Hoang mang trước động thái của ông Trump, giới tinh hoa Trung Quốc dự đoán chiến tranh lạnh sẽ nổ ra giữa hai nước

18/08/2018 08:50 AM | Xã hội

Có 1 mối nghi ngờ chung nổi lên trong giới tinh hoa ở Bắc Kinh: thuế quan chỉ là 1 phần trong kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có lẽ không có nơi đâu bên ngoài nước Mỹ Tổng thống Donald Trump nhận được nhiều sự tín nhiệm hơn ở Bắc Kinh.

Trong các cơ quan chính phủ và các think tank, trường đại học của Trung Quốc , đang có 1 cuộc tranh luận khẩn cấp về động cơ thực sự của nước Mỹ là gì khi mà Washington liên tục đẩy cuộc chiến tranh thương mại chống lại chính phủ của ông Tập Cận Bình lên cao trào. Nhiều người cho rằng đó là chiến lược quy mô lớn được dẫn dắt bởi ông Trump, nhằm mục đích cản trở con đường vươn lên thành 1 cường quốc tầm cỡ toàn cầu của Trung Quốc.

"Chính quyền Trump đã thể hiện rõ ràng rằng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc là lý do sâu xa đằng sau các chính sách thuế quan", ông He Weiwen - cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và hiện giờ là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn câu hóa (1 tổ chức nghiên cứu độc lập có sự tham gia của nhiều cựu quan chức) – nói.

Đây cũng là nhận định của nhiều người trong số hơn 20 quan chức (cả đương nhiệm và cựu quan chức), lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và biên tập viên của các cơ quan thông tấn nhà nước mà Bloomberg phỏng vấn.

Có 1 mối nghi ngờ chung nổi lên trong các cuộc trò chuyện: thuế quan chỉ là 1 phần trong kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một vài người bày tỏ lo ngại rằng 2 quốc gia có thể rơi vào 1 cuộc chiến lâu dài hơn, cuộc chiến giành lấy vị trí đứng đầu thế giới giống như chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Xô Viết trong quá khứ.

"Chiến tranh thương mại khiến nhiều học giả Trung Quốc suy nghĩ liệu có phải 1 cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu", An Gang – chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Pangoal – nói. Theo ông, cuộc tranh cãi đang nổi lên ở Trung Quốc hiện nay phản ánh nỗi lo ở Bắc Kinh rằng căng thẳng có thể lan sang cả đảo Đài Loan, khu vực biển Đông và Triều Tiên.

 Hoang mang trước động thái của ông Trump, giới tinh hoa Trung Quốc dự đoán chiến tranh lạnh sẽ nổ ra giữa hai nước  - Ảnh 1.

Tổng thống Trump ký văn bản hành pháp nhằm vào Trung Quốc hồi tháng 3/2018. Ảnh: Bloomberg.

Đây là 1 sự đảo chiều đáng chú ý trong giới tinh hoa Trung Quốc. Ban đầu nhiều người nhận định Tổng thống Mỹ là 1 người theo chủ nghĩa thực dụng thực sự muốn thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại 375 tỷ USD giữa hai nước. Giờ đây, với thuế đánh vào 34 tỷ USD hàng Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực và 216 tỷ USD khác đang bị đe dọa, nhiều người cho rằng chuyện đã trở nên nghiêm trọng.

"Nhà đàm phán khôn khéo"

Bước ngoặt xảy ra từ cách đây vài tháng, khi ông Trump chặn đứng thỏa thuận cho Trung Quốc tăng nhập khẩu năng lượng và nông sản để thu hẹp thâm hụt thương mại. Điều đó không chỉ làm phật ý ông Tập – nhà lãnh đạo đã gửi 1 đặc phái viên bí mật tới Washington để đàm phán – mà còn gieo mầm cho quan điểm ở Bắc Kinh cho rằng ông Trump sẽ không từ bỏ cho đến khi có thể hoàn toàn cản đường Trung Quốc.

"Donald Trump là 1 nhà đàm phán khôn khéo đã có nhiều năm tích lũy nhiều kinh nghiệm kinh doanh quý báu", theo Wang Huiyao – thành viên ban cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc và là người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa. "Trung Quốc rất cởi mở với các cuộc đàm phán, nhưng những thủ thuật gây áp lực của ông Trump sẽ chỉ khiến chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc dâng cao, và điều đó khiến đàm phán không có kết quả".

Đó cũng là những suy nghĩ đang len lỏi trong xã hội Trung Quốc, nơi mà những thương hiệu Mỹ như bánh kẹp Big Macs, xe hơi Bentley và túi xách Chanel rất phổ biến.

Cuộc chiến thương mại châm ngòi cho những cuộc thảo luận về tính bền vững của mô hình kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm trọng tâm mà Trung Quốc đang duy trì hay về các mục tiêu đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiến dịch "Made in China 2025" hay sáng kiến "Một vành đai một con đường" đều được Trung Quốc công bố rộng rãi, trái ngược với chiến lược "giấu mình chờ thời" của cố lãnh đạo nổi tiếng Đặng Tiểu Bình – người thường được nhắc đến mỗi khi nói về quá trình lột xác của kinh tế Trung Quốc. Một số tiếng nói cho rằng chính 2 chiến dịch trên khiến phương Tây cảnh giác và thôi thúc Mỹ tấn công Trung Quốc trước khi họ xây dựng được những công nghệ quan trọng.

Cũng theo lập luận này, đó chính là nguyên nhân lý giải tại sao ông Trump nhanh chóng quay sang "vùi dập" ZTE – tập đoàn thiết bị viễn thông lớn thứ 2 của Trung Quốc. Hồi tháng 4, Chính phủ Mỹ đã cấm ZTE mua các linh kiện quan trọng từ các nhà cung ứng Mỹ sau khi cáo buộc tập đoàn này vi phạm lệnh trừng phạt Iran. ZTE đã phải tạm ngừng hoạt động cho đến khi chính tay ông Trump "giải cứu" kèm theo khoản phạt tỷ đô.

Mặc dù ZTE hiện đã tạm thời "tai qua nạn khỏi", sự kiện vừa qua cho thấy Trung Quốc phải phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ như thế nào và Ủy ban đầu tư nước ngoài (CIFUS) của Mỹ cứng rắn như thế nào trong việc ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ.

Tất nhiên phía Mỹ thể hiện 1 quan điểm khác. Các quan chức nước này nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ không muốn ngăn cản Trung Quốc phát triển mà chỉ đơn thuần muốn ngăn chặn Trung Quốc phạm luật và ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Và đây cũng là những lời buộc tội mà Bắc Kinh luôn chối bỏ.

Mới đây Lầu Năm Góc đã liệt kê Trung Quốc và Nga là 2 đối thủ đang chủ động tìm cách "thay đổi hoặc thay thế trật tự thế giới cởi mở và tự do đã làm nền móng cho sự thịnh vượng và an toàn của thế giới suốt từ Thế chiến thứ 2 đến nay". Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo công khai chỉ trích Trung Quốc đang "quyến rũ" các nước đang phát triển bằng nguồn vốn giá rẻ cho các cơ sở hạ tầng. Theo ông, Mỹ tin vào "đối tác chiến lược chứ không phải sự phụ thuộc chiến lược".

"Các công ty và công dân của nước Mỹ trên toàn thế giới đều biết rằng bạn sẽ nhận được mọi thứ giống như những gì bạn thấy: những hợp đồng trung thực, các điều khoản trung thực, không cần đến những thứ nhảm nhí ở bên ngoài trang giấy", ông Pompeo phát biểu tại 1 hội nghị an ninh khu vực ở Singapore.

Giai đoạn nguy hiểm

Ngay trong nội bộ nhóm các nhà cải cách và người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc cũng đồng thuận rằng Trung Quốc cần mở cửa nhiều hơn nữa đối với các doanh nghiệp nước ngoài, có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn và tạo ra 1 sân chơi bình đẳng chuyên nghiệp hơn. Từ nhiều năm nay Trung Quốc đã không làm gì đáng kể để giảm thặng dư thương mại hay mở cửa thị trường.

Tuy nhiên những quan điểm như vậy cũng bị phản đối bởi nhóm người nhất quyết không muốn nhượng bộ trước các yêu cầu của ông Trump. Ban đầu họ cũng cho rằng thuế quan của Mỹ không hẳn là xấu nếu như chúng buộc chính phủ phải có những điều chỉnh lành mạnh có lợi về lâu dài. Tuy nhiên khi mà cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang và hai bên khẩu chiến ác liệt, cũng chính những người này quả quyết Trung Quốc không thể bị Mỹ bắt nạt.

Trong khi ông Trump miêu tả Trung Quốc là kẻ thua cuộc với thị trường chứng khoán đỏ lửa, đồng nhân dân tệ lao dốc và nền kinh tế giảm tốc, ở Bắc Kinh vẫn có 1 niềm tin mãnh liệt rằng trong cuộc đấu trí giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ Trung thì ông Tập – người không phải lo lắng về bầu cử hay sự phẫn nộ của các nhóm lợi ích đặc biệt – mới là người có sức chịu đựng lớn hơn.

 Hoang mang trước động thái của ông Trump, giới tinh hoa Trung Quốc dự đoán chiến tranh lạnh sẽ nổ ra giữa hai nước  - Ảnh 2.

Trung Quốc cũng đã phát đi nhiều tín hiệu cho thấy họ có nhiều cách để gây áp lực lên ông Trump nếu cần thiết. Thuế đánh vào ô tô, chip bán dẫn và máy bay Boeing nhập khẩu từ Mỹ luôn sẵn sàng có hiệu lực. Dù Trung Quốc phụ thuộc vào chip Mỹ để làm ra các thiết bị di động cấu hình cao và khó có thể hoàn toàn cắt đứt quan hệ với Boeing, họ cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ô tô Mỹ, chỉ đứng sau Canada.

Hầu như tất cả những người được Bloomberg phỏng vấn đều trông đợi vào kết quả bầu cử giữa kỳ của Mỹ (sẽ diễn ra vào tháng 11 tới) để phán đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Họ nhận định 2 bên sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn nếu như đảng Cộng hòa bị thất thế.

Một số người chú ý đến điểm khác biệt trong quan hệ Mỹ - Trung so với cách ông Trump hành xử với các nước khác. Trong khi Tổng thống Mỹ đã có những phát biểu bất nhất về NAFTA, EU và Triều Tiên, với Trung Quốc ông đã thường xuyên bỏ qua những cơ hội hạ nhiệt căng thẳng.

"Quan hệ Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất trong 40 năm qua", Lu Xiang – chuyên gia tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc – nói. "Ông Trump đã kề dao vào cổ chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng".

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM