Hòa Phát lấn sân làm tôn mạ của Tôn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ có lo lắng?

20/04/2016 17:03 PM | Kinh doanh

Hòa Phát đầu tư nhà máy sản xuất tôn mạ màu giá trị 4.000 tỷ đồng, cho công suất 400.000 tấn/năm. Nhà máy sẽ hoạt động vào đầu năm 2018.

Hòa Phát là một trong những Tập đoàn thép lớn đang muốn phát triển theo hướng đa ngành. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001), khoáng sản (2007), nông nghiệp (2015).

Mới đây, Hòa Phát cho biết sẽ tiếp tục hướng sang một mảng kinh doanh mới, đó là tôn mạ. Theo tin từ Hòa Phát, tập đoàn vừa quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tôn mạ màu Hòa Phát tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên với công suất 400.000 tấn/năm.

Mục tiêu đầu tư của Tập đoàn là nhằm sản xuất tôn mạ màu phục vụ cho nhu cầu thị trường đang tăng trưởng mạnh, đồng thời bổ trợ nguồn nguyên liệu tôn mạ cho nhà máy sản xuất ống thép tại Hưng Yên.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng (trong đó vốn cố định khoảng 2.000 tỷ đồng), Hòa Phát sẽ đầu tư đồng bộ từ công đoạn tẩy rửa, cán nguội, mạ kẽm/ mạ lạnh đến sơn màu. Sản phẩm đầu ra của Nhà máy sẽ là tôn tẩy gỉ, tôn cán nguội, tôn mạ lạnh, mạ kẽm và sơn màu.

Để triển khai nhà máy, Hòa Phát đã sắp xếp xong nguồn vốn và dự kiến bắt đầu khởi công từ tháng 5/2016, hoàn thành sau 18 tháng và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2018.

Như vậy, Hòa Phát sẽ đặt chân vào thị trường tôn mạ hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các sản phẩm Trung Quốc với các doanh nghiệp nội như Tôn Hoa Sen hay Thép Nam Kim.

Theo số liệu của Tôn Hoa Sen, công ty hiện chiếm khoảng 40% thị phần tôn trong nước. Bên cạnh đó, công ty Thép Nam Kim cho biết sở hữu 14,1% thị phần. Như vậy, riêng 2 doanh nghiệp thép Hoa Sen và Nam Kim đã chiếm tới 54,1% thị phần tôn mạ nội địa. Bên cạnh đó là tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu tràn lan vào thị trường khiến cuộc cạnh tranh thép vô cùng khốc liệt.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc đối phó với thép Trung Quốc đang là vấn đề nóng nhất của ngành thép, bởi Trung Quốc có năng lực sản xuất thép lớn nhất thế giới (1,3 tỷ tấn/năm) và đang dư thừa sản lượng, buộc nước này phải tìm cách xuất khẩu thép sang các nước.

Hồi tháng 9/2015, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu đã bày tỏ lo lắng về khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, khi cho rằng "Việt Nam như một nơi để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tối đa lợi thế, còn doanh nghiệp ngành thép chúng tôi đã không còn dư địa phát triển...".

Nay, với sự xuất hiện của một doanh nghiệp nội địa có tiềm lực như Hòa Phát, thị trường tôn mạ của ông Lê Phước Vũ có lẽ sẽ càng cạnh tranh gay gắt.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM