Hoa hậu hoàn vũ 2018 Catriona Gray và câu chuyện đại diện châu Á không đủ thuần…Á

21/12/2018 10:47 AM | Xã hội

Nhiều người nhận định sắc đẹp của Hoa hậu Gray mang hơi hướng Phương Tây nhiều hơn là một người Philippines, một người châu Á thực sự

Cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2018 đã để lại nhiều tiếng vang khi thí sinh H’Hen Niê của Việt Nam lọt tới tận vòng 5 và chỉ bị loại khi trả lời câu hỏi thông qua một phiên dịch viên. Người chiến thắng Catriona Gray đến từ Philippines xứng đáng hơn bởi cô có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, đã tham dự nhiều đấu trường sắc đẹp và quan trọng nhất là một vẻ đẹp lai tây.

Trong khi nhiều người Philippines hân hoan chúc mừng chiến thắng này thì một số người lại thắc mắc bởi theo họ, Hoa hậu Gray không giống một người Philippines thực sự nếu nhìn vẻ bề ngoài. Trên thực tế, sắc đẹp của Hoa hậu Gray mang hơi hướng Phương Tây nhiều hơn là một người Philippines, một người châu Á thực sự và nhiều cư dân mạng thậm chí cho rằng đại diện của Việt Nam, Hoa hậu H’Hen Niê mới là người có vẻ đẹp thuần Á thực sự.

Hoa hậu hoàn vũ 2018 Catriona Gray và câu chuyện đại diện châu Á không đủ thuần…Á - Ảnh 1.

Hoa hậu H’Hen Niê của Việt Nam

Cô Gray là một công dân Philippines 24 tuổi mang dòng máu xứ Scott và Philippines. Từ bé, Hoa hậu Gray đã được nuôi dạy tại Australia và đây là một trong những lý do khiến khả năng nói tiếng Anh của cô khá tốt. Tuy nhiên, vẻ đẹp lai tây cùng một phong cách hiện đại của cô lại đang khiến một bộ phận người Philippines không hài lòng.

"Tôi thấy Hoa hậu Philippines lần này trông giống một phụ nữ da trắng Phương Tây với làn da rám nắng hơn là một người Philippines thuần chủng. Những cuộc thi sắc đẹp quốc tế như thế này thường cổ vũ và ưa thích những vẻ đẹp Phương Tây như một tiêu chuẩn vàng cho sắc đẹp hơn là vẻ đẹp từ những quốc gia khác", anh Friar Stephanos Pedrano, một công dân Philippines nhận định.

Đồng quan điểm, cô Nina Loleng, một người Philippines tự hào khi đại diện quê nhà giành chiến thắng nhưng cũng cho rằng sắc đẹp của Hoa hậu Gray mang hơi hướng Phương Tây quá nhiều mà thiếu đi những nét đẹp truyền thống bề ngoài của một người phụ nữ Philippines, ví dụ như tóc xù, mũi rộng và làn da sẫm màu.

Chiến thắng của Hoa hậu Gray ngay lập tức đã làm nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội về màu da, tiêu chuẩn cái đẹp và văn hóa của từng khu vực trong các cuộc thi quốc tế. Rất nhiều trang mạng xã hội phàn nàn người dân Philippines giờ đây coi cái đẹp của Phương Tây trở thành tiêu chuẩn. Hàng loạt những bảng quảng cáo mỹ phẩm làm trắng da, coi làn da trắng là thượng lưu mọc nhan nhản trên đường phố thủ đô Manila.

Hoa hậu hoàn vũ 2018 Catriona Gray và câu chuyện đại diện châu Á không đủ thuần…Á - Ảnh 2.

Hoa hậu Catriona Gray

"Bạn sẽ bị coi thường nếu có làn da nâu", anh Kuyachris, một công dân Philippines nói trên mạng Twitter.

Chuyên gia chiến lược Francesca Ayala, đồng thời là một nhà vận động đấu tranh cho nữ quyền tại thủ đô Manila nhận định cô đã nhận thấy sự thay đổi chóng mặt trong tiêu chuẩn vẻ đẹp của xã hội từ khi còn rất bé. Mẹ của cô Ayala là một người mẫu nổi tiếng thập niên 1990 bởi bà có vẻ đẹp lai tây.

"Mẹ của tôi có làn da trắng bóc, mũi của bà ấy cao và khá giống vẻ đẹp Phương Tây. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng bà ấy trông chẳng giống người Philippines tý nào", cô Ayala nhớ lại.

Theo cô Ayala, sự lệch lạc về tiêu chuẩn cái đẹp trong xã hội, sự cổ vũ nét đẹp Phương Tây của các cuộc thi cũng như giới truyền thông đang khiến nữ giới ngày nay có lối sống sai lầm.

"Phụ nữ Philippines ngày nay điên cuồng làm thẳng tóc của họ cho giống người Phương Tây dù rất nhiều người có mái tóc xoăn truyền thống theo di truyền. Họ cũng chẳng muốn ra ngoài nhiều bởi sợ ánh nắng sẽ làm họ đen da", cô Ayala bức xúc.

Đây là một hệ lụy khá nguy hiểm với xã hội Philippines khi màu da và tiêu chuẩn sắc đẹp không chỉ ảnh hưởng đến hôn nhân, gia đình mà còn phân tầng giai cấp. Tầng lớp người giàu có, thượng lưu sẽ là những người da trắng tóc thẳng trong khi tầng lớp người nghèo được mặc định là những người Philippines tóc xoăn, da nâu, những yếu tố thường thấy của một người Philippines thuần chủng. Kể từ đây, sự coi thường của xã hội Philippines đối với những người không có sắc đẹp lai Tây dẫn đến vô vàn những hệ lụy nguy hiểm khác.

Cô Marvie Dela Torre, một sinh viên 20 tuổi tại phía Đông Bắc thủ đô Manila cho biết sắc đẹp Phương Tây ám ảnh người Philippines kể từ khi người Tây Ban Nha và Mỹ còn đô hộ nước này. Văn hóa về tiêu chuẩn cái đẹp của người dân bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời kỳ đó, khiến mọi người luôn cho rằng cái đẹp Phương Tây là sang trọng và đẳng cấp hơn sắc đẹp truyền thống bản địa.

Hoa hậu hoàn vũ 2018 Catriona Gray và câu chuyện đại diện châu Á không đủ thuần…Á - Ảnh 3.

Hoa hậu Catriona Gray

Đẹp là phải Tây?

Trên thực tế, Philippines không phải quốc gia duy nhất tại châu Á cuồng vẻ đẹp Phương Tây. Rất nhiều hoa hậu của các nước Thái Lan, Nhật Bản hay Ấn Độ qua các năm cũng có vẻ đẹp lai Tây tương tự.

Tuy vậy, nhiều người cũng phản đối khi cho rằng không thể dựa vào làn da hay vẻ bên ngoài để đánh giá một hoa hậu có đủ thuần Á hay không.

"Tôi nghĩ thật lố bịch khi cố gắng định nghĩa cái gì là vẻ đẹp thuần Á… Nếu những Hoa hậu châu Á không phù hợp với vẻ đẹp truyền thống lý tưởng của mọi người thì có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại định nghĩa về một châu Á thống nhất giữa các dân tộc hơn là soi mói chúng. Nếu một Hoa hậu người Ireland không có mái tóc đỏ và giành chiến thắng, tôi nghĩ sẽ chẳng có ai quan tâm cô ấy có phải người Ireland thuần chủng hay không", Tổng biên tập Tiffany Ap của tờ Women’s Wear Daily tại Trung Quốc nhận định.

Trước đây vào năm 2000, cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ cũng đã bùng nổ cuộc tranh cãi tương tự khi người đăng quang có vẻ đẹp quá Tây. Tuy nhiên giới truyền thông và những người chịu trách nhiệm bình chọn nhan sắc lại không cho rằng họ đang làm sai.

"Hầu hết hoa hậu Ấn Độ đều không giống như những người Ấn Độ thông thường. Tuy nhiên điều này cũng đúng với cả Hoa hậu Mỹ và Anh", Tổng biên tập Ap nói.

Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Michael Hunt thừa nhận vẻ đẹp Phương Tây thống trị các cuộc thi quốc tế và thậm chí là trong toàn xã hội châu Á bởi sự ảnh hưởng của những năm tháng thực dân từ các đế quốc. Tuy vậy ông Hunt cho rằng sẽ rất khó để thay đổi nhận thức khi tư tưởng này đã tồn tại quá lâu trong khi nhiều người cho rằng việc họ chọn trắng hay đen làm tiêu chuẩn sắc đẹp là quyền tự do của mỗi người.

AB

Cùng chuyên mục
XEM