Hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp: Giảm thuế - tăng niềm tin

09/07/2016 20:17 PM | Kinh doanh

Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DN khởi nghiệp không phải là “cây đũa thần” giúp các DN thoát khỏi tình cảnh bấp bênh, khó khăn lúc khởi đầu, nhưng là giải pháp tạo động lực, niềm tin cho DN, đồng thời cũng chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.

Mức thuế dự kiến 17-15%

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án thuế mới đối với các DN khởi nghiệp không thực hiện tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Theo đó, mức thuế suất phổ thông áp dụng với đối tượng này dự kiến ở mức 17% hoặc 15%.

Theo Bộ Tài chính, tiêu chí xác định DN khởi nghiệp sẽ là DN thành lập mới hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hàng hoá, dịch vụ có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống. Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng tiêu chí về tổng doanh thu không vượt quá 20 tỷ đồng/năm.

Trong thực tế, chính sách thuế TNDN cũng đã có nhiều quy định ưu đãi với các mức độ khác nhau dành cho DN khởi nghiệp mới thành lập như: thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới của DN khởi nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất vật liệu composite...

Tuy nhiên, hiện chính sách này chưa đến được nhiều DN bởi phần lớn DN không đáp ứng được tiêu chí này. Bởi vậy, việc mở rộng đối tượng DN khởi nghiệp được ưu đãi thuế lần này là cần thiết để hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Theo nhận định của nhiều DN, phần giảm thu này sẽ tăng tương ứng phần vốn của DN. DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, từ đó giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư .

Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Cát Lợi cho rằng, việc giảm thuế hiện nay sẽ tạo lòng tin khi DN thấy có sự đồng hành và chia sẻ từ Nhà nước. “Thật ra doanh thu thấp là khó khăn chung của DN khởi nghiệp. Bởi vậy giảm thuế cho DN từ nay đến 2020 cũng chỉ là mang tính nhất thời. Dù vậy DN có thể thấy được sự quan tâm của Nhà nước dành cho bộ phận DN này, tạo niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy DN phát triển”, ông Long chia sẻ.

Cần mở rộng đối tượng hưởng

Chính sách giảm thuế được nhiều DN mong đợi và kỳ vọng, song cũng có DN phản ánh rằng, quy định về đối tượng hưởng ưu đãi quá hạn hẹp, khiến cho phần lớn DN khởi nghiệp không thể tiếp cận.

Ông Hồ Đại Lợi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Đông Hưng (chuyên sản XK sản phẩm gốm sứ) cho rằng, với tiêu chí mà Bộ Tài chính đưa ra sẽ có rất ít DN được hưởng ưu đãi. “Tôi cho rằng cần phải ưu đãi tối đa cho ngành sản xuất vì đây mới là nhóm DN gặp nhiều khó khăn khi liên tục phải lo chi trả tiền công cho người lao động, cùng với đó là quay vòng tiền để thu mua nguyên liệu sản xuất. Còn với những đối tượng được hưởng ưu đãi trong đề xuất của Bộ Tài chính, đơn cử như sáng tạo công nghệ, phần mềm mới thì theo tôi được biết, nhiều khi chỉ cần vài người với vài chiếc máy tính họ cũng có thể tạo ra một sản phẩm mới. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu kĩ hơn nữa tiêu chí để DN được hưởng lợi hơn nhờ chính sách này”.

Đại diện một DN khác có ý kiến, cùng với việc giảm thuế, việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách chi tiêu… mới là việc cần thiết để có thể thực sự hỗ trợ DN. Vị đại diện này cho rằng: “Chính sách luôn hay, hướng tới những điều tốt đẹp, nhưng khi đưa vào thực tế lại hoàn toàn khác. Tôi cho rằng trước khi áp dụng việc giảm thuế, việc cần làm là phải rà soát các thủ tục, giấy phép kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho DN cả khi đăng kí kinh doanh cũng như đăng kí hưởng ưu đãi. Cơ quan Thuế cũng cần tăng cường hơn nữa để hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục như khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử để thuận tiện hơn cho DN, tránh việc đi lại nhiều để giải quyết các thủ tục rườm rà”.

Ý kiến về chính sách này, ông Lưu Vũ Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tư vấn WT cũng cho rằng, giảm thuế là cần thiết, nhưng điều quan trọng là số tiền thuế mà DN phải đóng có giảm so với mức thuế suất cũ hay không bởi thực tế tuy mức thuế suất trong mấy năm qua có giảm đi ít nhiều nhưng số tiền mà DN phải nộp lại không hề giảm, thậm chí có khi tăng do nhiều khoản chi phí DN được trừ trước khi tính thuế nay lại không được. “Đi đôi với việc giảm thuế, cũng cần phải cân nhắc lại những khoản tiền trừ này để DN được thực sự hưởng lợi từ chính sách”.

Theo Thuỳ Linh

Cùng chuyên mục
XEM