[Hồ sơ] Ngành điện máy 2014: Tăng tốc giành phần ngon

30/12/2014 08:46 AM |

Sau thời gian bị coi là đã “bão hòa” và sự ra đi của khá nhiều tên tuổi điện máy, thị trường điện máy Việt Nam bắt đầu thể hiện sức hấp dẫn trở lại với mức tăng trưởng ấn tượng.

Khởi sắc trở lại

Sau giai đoạn 2010 - 2012 ảm đạm, sang năm 2014, thị trường điện máy Việt Nam đánh dấu sự khởi sắc khi duy trì mức tăng trưởng rất ấn tượng. Theo công ty nghiên cứu thị trường GFK, doanh số mặt hàng điện máy từ quý 1/2014 luôn duy trì trên mức 26%, mức cao nhất từ vài năm qua.

Tính đến quý 3/2014, doanh số toàn ngành công nghệ điện tử Việt Nam đạt 83,9 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ.

Nhu cầu tăng từ người dân thu hút các trung tâm liên tục mở thêm siêu thị mới. Thế giới di động đã mở ra thêm hơn 130 trung tâm mới trong năm qua, FPT shop mở ra thêm 50 trung tâm, Mediamart mở thêm 6 còn Trần Anh là 7,...

Trong ngành điện máy, có 5 mặt hàng chính bao gồm:

Mặt hàng điện thoại. Đây là nhóm mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất trong thị trường hàng công nghệ điện tử Việt Nam. Doanh số tiêu thụ điện thoại (chủ yếu là điện thoại di động) đã tăng trưởng không ngừng trong các năm qua. 9 tháng đầu năm 2014, mặt hàng này đã tăng trưởng hơn 35% so với cùng kỳ, đạt doanh số 36,1 nghìn tỉ đồng.

Trên thực tế, nhờ vào mặt hàng di động, mức tăng trưởng toàn ngành điện máy mới tăng vọt trong năm 2014. Những nhóm mặt hàng còn lại đều có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn ngành.

Mặt hàng công nghệ thông tin. Với doanh số sản phẩm máy tính bảng tăng mạnh trong năm qua, sản phẩm công nghệ thông tin đã tăng trưởng khá tốt trong 9 tháng đầu năm 2014. Hai sản phẩm tăng trưởng chính là máy tính bảng và máy tính để bàn. Riêng sản phẩm laptop tăng trưởng kém trong năm nay.

Mặt hàng điện lạnh. Đây cũng là một dòng sản phẩm quy mô lớn trong ngành điện máy (bao gồm tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng,…). Mặt hàng này tăng trưởng 14,5% trong 9 tháng đầu năm 2014.

Mặt hàng điện tử tiêu dùng. Sản phẩm chủ chốt là TV. Dù năm nay là mùa World Cup nhưng mặt hàng TV chỉ tăng trưởng 10,8%, đạt doanh số 13,8 nghìn tỉ đồng sau 9 tháng.

Nhóm mặt hàng khác. Bao gồm mặt hàng điện gia dụng, máy ảnh và thiết bị văn phòng. Đây là những nhóm mặt hàng có doanh số chiếm tỉ trọng khá thấp trong ngành điện máy, khoảng hơn 4 nghìn tỉ đồng.

Sau thời gian bị coi là đã “bão hòa” và sự ra đi của khá nhiều tên tuổi điện máy, thị trường điện máy Việt Nam bắt đầu thể hiện sức hấp dẫn trở lại với mức tăng trưởng ấn tượng.

Những gã khổng lồ

Thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam hiện có hai mô hình chính.

Mô hình bán lẻ điện thoại, bày bán chủ yếu là mặt hàng điện thoại và công nghệ thông tin. Đại diện lớn nhất của mô hình này là Thế giới di động.

Thứ hai là mô hình bán lẻ điện máy nói chung với đầy đủ các nhóm mặt hàng kể trên. Đại diện lớn nhất của mô hình này là Nguyễn Kim.

Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa mô hình của Thế giới di động và Nguyễn Kim đó là quy mô cửa hàng. Những cửa hàng bán lẻ di động có quy mô nhỏ hơn nên có thể tăng tốc độ mở rộng cửa hàng rất nhanh, trong khi với loại hình bán lẻ điện máy truyền thống đòi hỏi mặt bằng lớn nên tốc độ mở cửa hàng cũng chậm hơn.

Điểm giống ở đây đó là biên lợi nhuận. Các cửa hàng điện máy có biên lợi nhuận khá thấp chỉ từ 3 – 5%. Vì vậy, mẫu số chung của các cửa hàng này đó là đẩy mạnh doanh thu lên càng cao càng tốt, chủ yếu thông qua việc tăng số lượng siêu thị.

Năm 2014 đánh dấu sự bành trướng mạnh mẽ của mô hình bán lẻ điện thoại. Đây là nhóm mặt hàng có doanh thu cũng như mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các mặt hàng điện máy.

Thế giới di động

Sau khi hoàn tất việc niêm yết trên sàn chứng khoán từ giữa tháng 7/2014, công ty này đã không ngừng mở rộng thêm hệ thống của mình. Với tốc độ “khủng khiếp”: 2 ngày mở một siêu thị, công ty này tuyên bố cán mốc 350 siêu thị trên toàn quốc vào tháng 12/2014.

Thế giới di động cũng đang chiếm thị phần lớn nhất về mặt hàng điện thoại tại Việt Nam, với khoảng 25% thị phần.

Doanh thu 11 tháng của TGDĐ đạt trên 14 nghìn tỉ đồng, trung bình doanh thu mỗi cửa hàng của chuỗi siêu thị này đạt 41 tỉ đồng. Sau 11 tháng, TGDĐ lãi ròng 609 tỉ đồng. Đây cũng là hệ thống điện tử tiêu dùng có lãi tốt nhất hiện nay.

Hiện tại, sau thành công vang dội ở phía Nam, TGDĐ bắt đầu mở rộng sang khu vực phía Bắc với tốc độ mở cửa hàng rất nhanh. Mặc dù vậy, chuỗi dienmay.com của TGDĐ vẫn chưa có ý định “Bắc tiến”.

FPT Shop

Sau quãng thời gian hy sinh lợi nhuận để mở rộng quy mô, chuỗi cửa hàng của FPT đã bắt đầu có lãi. Dù sỗ lãi vẫn còn rất nhỏ, nhưng đây là kết quả khả quan chỉ sau 2 năm. Sau khi xây dựng lại hình ảnh và đẩy mạnh đầu tư, FPT Shop bắt đầu lộ diện như một đối thủ mạnh trong thị trường bán lẻ điện thoại di động và công nghệ số. Với khoảng 150 cửa hàng, chuỗi FPT Shop dự báo, doanh thu trong năm 2014 sẽ đạt 4.000 tỷ đồng

Viettel Store

Bản thân là một nhà mạng cung cấp dịch vụ, chuỗi cửa hàng của Viettel được hậu thuẫn rất lớn. Hiện tại, chuỗi siêu thị này đã có 182 cửa hàng.

Nhóm siêu thị điện máy truyền thống cũng chứng kiến sự khởi sắc khi hầu hết đều tiến hành mở rộng quy mô.

Nguyễn Kim

Chủ trương đầu tư của Nguyễn Kim cũng tập trung vào những trung tâm mua sắm có quy mô lớn. Tính tới cuối năm 2014, tên tuổi này mới có 23 trung tâm, chủ yếu đặt tai khu vực phía Nam. Doanh thu ước tính của Nguyễn Kim trong năm nay sẽ đạt khoảng 9,5 nghìn tỉ đồng.

VHC

Nếu Nguyễn Kim và TGDĐ tập trung ở phía Nam thì VHC lại tập trung ở khu vực phía Bắc. Với doanh thu dự kiến trong năm 2014 đạt 6.800 tỉ đồng, có thể coi VHC có quy mô đứng đầu khu vực phía Bắc.

Chiến lược của hệ thống trung tâm này đó là phát triển ở các thành phố lân cận trung tâm, khu vực nông thôn với những ưu đãi về giá rẻ hơn so với các hệ thống điện máy khác. Để làm được điều này, đại diện VHC cho biết họ tận dụng được khá nhiều lợi thế về đất khi không phải đi thuê nhiều.

Những tên tuổi lâu đời khác như điện máy Chợ Lớn, Trần Anh, Pico, Viễn Thông A, Mediamart. Trong năm nay, Mediamart đã nâng tổng số siêu thị của mình từ 10 lên 16 trung tâm, Pico từ 4 lên 7 trung tâm, Trần Anh từ 9 lên 16 trung tâm,…

 

Thế giới di động, sau một năm IPO thành công và mở rộng mạnh mẽ, đang trở thành gã khổng lồ lớn nhất trong ngành điện máy nói chung

 

 

Đến hết tháng 11/2014, thế giới di động đã đạt doanh thu 14.000 tỉ đồng, vượt mức dự kiến cả năm

Lợi nhuận: Vẫn khó nói

Trên thực tế, dù năm 2014 được đánh giá là năm khởi sắc với ngành điện máy, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp điện máy vẫn là một ẩn số. Chẳng hạn, điện máy VHC công bố doanh số tới 6.800 tỉ đồng nhưng từ chối tiết lộ con số lợi nhuận. FPT Shop doanh thu 4.000 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 24 tỉ đồng, Trần Anh doanh thu dự kiến khoảng 2.500 tỉ đồng nhưng lợi nhuận đến cuối quý 3 lại đang bị âm.

Lý do chính được các chuỗi siêu thị đưa ra đó là quá trình mở rộng quy mô, chi phí mở cửa hàng mới đã “ăn hết” vào phần lợi nhuận của công ty. Trừ Thế giới di động công bố mức lãi lớn hơn 600 tỉ đồng, con số lợi nhuận của các DN điện máy vẫn nằm trong vòng bí mật. Kể cả với mức lãi hơn 600 tỉ đồng của Thế giới di động nếu so với doanh thu lên tới 14.000 tỉ đồng thì lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 4%.

Chính vì phải đạt được quy mô đủ lớn mới có thể tính đến việc có lợi nhuận, không ít tên tuổi điện máy đã phải “ra đi” vì không chịu nổi các khoản lỗ. Có thể kể tới khá nhiều cái tên đang yếu dần hoặc đã biết mất khỏi thị trường như Việt Long, Top Care, Best Carings, Home One,…

Nông thôn: Thị trường trọng điểm trong thời gian tới

Đi về nông thôn đang trở thành chiến lược chung của các trung tâm điện máy khi hầu hết các trung tâm mới mở ra đều nằm ở các thành phố nhỏ.

Chẳng hạn trong số 3 siêu thị mới mở của Pico, có 2 ở Việt Trì, 1 ở Phúc Yên. Với Mediamart, các siêu thị mở ra ở Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Yên, Thanh Hóa, VHC triển khai ở Vinh - Nghệ An, còn Trần Anh thì mở rộng tại các thành phố Ninh Bình, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh,…

Trong khi mật độ siêu thị điện máy ở thành phố chính đã trở nên quá dày đặc thì tỉnh lẻ đang trở thành mảnh đất màu mở để các trung tâm điện máy khai thác. Với đặc thù ngành điện máy là phải mở rộng nhanh chóng để tăng trưởng doanh thu, các chuỗi siêu thị ở phía Bắc đang tích cực mở rộng để “giành lấy địa bàn” trước đối thủ. Tại các tỉnh, thành có nhu cầu không lớn bằng Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh, những siêu thị điện máy đi trước sẽ chiếm được lợi thế hơn kẻ đến sau rất nhiều.

Sự phân hóa vùng miền

Một đặc thù khá rõ nét của các siêu thị điện máy đó là sự phân hóa vùng miền rất rõ nét. Các tên tuổi điện máy thành công ở phía Nam thường ít thành công ở phía Bắc và ngược lại.

Chẳng hạn, Nguyễn Kim dù đứng đầu thị trường điện máy và phát triển rất mạnh ở phía Nam nhưng cũng mới chỉ có 3 trung tâm đặt tại thành phố Hà Nội và chưa mở ra thêm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc khác. Tương tự, những tên tuổi “thành danh” ở phía Bắc như Pico, Mediamart cũng không thể triển khai về phía Nam. Chuỗi cửa hàng dienmay.com của Thế giới di động cũng chưa thể “Bắc tiến”.

Có nhiều nguyên nhân lý giải điều này, trong đó có một nguyên nhân được nhiều người nhắc tới đó là văn hóa, tâm lý tiêu dùng của mỗi vùng miền rất khác nhau và các doanh nghiệp điện máy rất khó để làm quen với sự khác biệt đó.

Theo nhận định của chuyên gia trong ngành điện máy, tính đặc thù trong ngành này không chỉ diễn ra trong quy mô một vùng miền ở một nước, mà nó còn có tính quốc tế. Cả những tên tuổi thành công lớn như Best Buy hay Best Denki cũng chỉ dậm chân trong nước, còn đầu tư ra nước ngoài rất hạn chế và không để lại dấu ấn đáng kể nào. Vì vậy, khác với một số ngành như ngành bán lẻ, ngành điện máy ít chịu sự đe dọa của các doanh nghiệp nước ngoài hơn.

Với mô hình kinh doanh điện thoại thì tính vùng miền cũng có tác động nhưng ít hơn. Chuỗi cửa hàng Thế giới di động đã mở khá nhiều cửa hàng ở miền Bắc trong năm nay. Riêng với Viettel Store, là con đẻ của một trong 3 nhà mạng di động chính tại Việt Nam, Viettel Store rất ít bị ảnh hưởng bới yếu tố này.

>> Thị trường điện máy: Các nhà bán lẻ trong nước sẽ đứng vững?

Ban Biên tập

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM