[Hồ sơ] Viettel Global: Chiến binh thiện xạ đi khắp năm châu

22/12/2014 12:54 PM |

“Đem chuông đi đánh xứ người” từ rất sớm, Viettel Global hiện là một trong những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel – Viettel Global – là đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Hiện Viettel đang sở hữu 97,58% cổ phần của Viettel Global.

Tiền thân của Viettel Global là Ban Quản lý Dự án Đầu tư nước ngoài của Viettel với những hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006. Đến tháng 10/2007, nhằm đẩy mạnh thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài, CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel chính thức được thành lập.

“Đem chuông đi đánh xứ người” từ rất sớm, Viettel Global hiện là một trong những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Phạm vi đầu tư của Viettel tập trung vào 3 khu vực chính là Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Tính đến cuối năm 2014, Viettel Global đang vận hành 6 mạng viễn thông tại nước ngoài gồm: Metfone/Campuchia, Unitel/Lào, Telemor/Đông Timor, Natcom/Haiti, Bitel/Peru và Movitel/Mozambique.

Ngoài ra, Viettel Global đã được cấp phép đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng mạng lưới tại Cameroon, Tanzania và Burundi. Theo Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel có thể sẽ vào thêm một thị trường nữa là Congo vì các thủ tục về cơ bản đã được chấp thuận. Cả 4 quốc gia này đều thuộc khu vực châu Phi.

Bên cạnh đó, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Belarus vào tháng 11/2014, thông tin  về việc Viettel lên kế hoạch đầu tư vào quốc gia này đã được hé mở. Nếu thành công, đây sẽ trở thành “chiến trường” đầu tiên của Viettel tại khu vực Đông Âu.

Tất nhiên không phải lúc nào công cuộc “chinh chiến” của Viettel/Viettel Global cũng dễ dàng. Năm 2013, Viettel đã trượt thầu quyền thành lập mạng viễn thông tại Myanmar trước các đối thủ lớn đến từ Na Uy và Qatar. Tuy nhiên mới đây tập đoàn đã có phương án mới để tiếp tục theo đuổi thị trường giàu tiềm năng này.

Theo đó, Viettel Global sẽ hợp tác với đối tác tại Myanmar thành lập công ty Viettel Myanmar để thực hiện dự án đầu tư mạng viễn thông tại đây. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án tại Myanmar là 1,8 tỷ USD; trong đó tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Viettel Global vào khoảng 800 triệu USD, phần còn lại khoảng 1 tỷ USD sẽ do phía đối tác nước ngoài và Viettel Myanmar tự thu xếp.

 

Quá trình hoạt động:

 

Các thị trường chính

Trên báo cáo kết quả kinh doanh, Viettel Global phân chia doanh thu và lợi nhuận theo 4 thị trường chính gồm: Đông Nam Á, Châu Phi, Mỹ Latin và Khác (chủ yếu là hoạt động của công ty mẹ Viettel Global).

Tại thị trường Đông Nam Á, Viettel Global đang đầu tư vào Lào, Campuchia và Đông Timor. Tuy nhiên, do Viettel Global không nắm quyền kiểm soát đối với công ty Star Telecom tại Lào nên không hợp nhất doanh thu từ thị trường này mà chỉ hạch toán lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ sở hữu.

Thị trường Mỹ Latin gồm có Haiti và Peru, tuy nhiên, phần vốn đầu tư vào Viettel Peru hiện do Tập đoàn Viettel sở hữu trực tiếp nên chưa thể hiện vào báo cáo cáo tài chính của Viettel Global.

Thị trường châu Phi hiện có duy nhất mạng Movitel tại Mozambique đang hoạt động. Thị trường này hiện đóng góp 1/4 doanh thu hợp nhất của Viettel Global và chắc chắn sẽ tăng lên khi một loạt thị trường mới gồm Cameroon, Burundi, Tanzania chính thức vận hành.

 

 

 

Số 1 hoặc số 2

Tại Việt Nam cũng như các thị trường nước ngoài, mục tiêu của các nhà mạng thuộc hệ thống Viettel luôn là giữ vị trí số 1 về thị phần, nếu chưa dẫn đầu thì ít nhất cũng phải đứng thứ 2 chứ không chấp nhận đứng thứ 3.

Theo báo cáo thường niên năm 2013 của Viettel Global thì các đơn vị của doanh nghiệp này hiện giữ vị trí số 1 tại Campuchia và Lào với thị phần tương ứng là 49% và 47%, đây cũng là 2 thị trường đã có thời gian hoạt động lâu nhất. Tại các thị trường mới gồm Haiti, Đông Timor và Mozambique thì Viettel Global ở vị trí thứ 2 với 27-32% thị phần.

Kết quả hoạt động kinh doanh

Năm 2013, doanh thu cộng ngang của Viettel Global đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, tuy nhiên, khi loại trừ các khoản doanh thu nội bộ thì doanh thu hợp nhất chỉ đạt 547 triệu USD, tương đương 11.200 tỷ đồng, trong đó, phần doanh thu phát sinh từ thị trường nước ngoài là 10.250 tỷ đồng.

Nguồn thu chính của hệ thống Viettel Global đến từ Cung cấp dịch vụ viễn thông và bán thiết bị. Nguồn thu từ bán thiết bị chiếm từ 18-25% doanh thu hợp nhất của Viettel Global.

 

Viettel Global bắt đầu có lợi nhuận từ năm 2010 khi thị trường Campuchia và Lào chính thức vận hành, thậm chí bù được hết lỗ của các năm trước đó.

Lợi nhuận của Viettel Global nhìn chung vẫn chưa ổn định do công ty liên tục đầu tư đầu tư thêm vào các dự án mới. Một số thị trường có thể mang về lợi nhuận ngay sau khi hoạt động, tuy nhiên cũng có những trường hợp phải chịu lỗ trong vài năm đầu.

Các nước châu Phi và châu Mỹ Latin hiện áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khá cao, đều trên 30%. Trong đó Cameroon áp thuế cao nhất, lên đến 38,5%. Đông Timor là nước áp dụng thuế suất thuế TNDN thấp nhất trong số các nước mà Viettel đầu tư, chỉ 10%.

Khi chuyển lợi nhuận về Việt Nam, Viettel Global và các công ty con còn phải nộp thêm khoản phí chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho nước sở tại với mức thuế suất từ 10-20% trên mức lợi nhuận chuyển về.

 

 

 

 Kiến Khang

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM