Hộ giàu mới lấn chiếm vỉa hè nhiều nhất

13/05/2016 08:40 AM | Xã hội

Tình trạng buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lề đường khiến người dân không còn lối đi là câu chuyện tồn tại nhiều năm tại TPHCM.

Các cơ quan chức năng lâu nay cứ đổ lỗi cho người dân nhập cư, người nghèo buôn gánh bán bưng lấn chiếm, song thực tế lại cho thấy, những người giàu có (hộ mặt tiền, nhà hàng, quán ăn) mới chính là đối tượng lấn chiếm nhiều nhất. Và sự tồn tại tình trạng lấn chiếm này, xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong việc xử lý của chính quyền địa phương.

Quy hoạch các tuyến đường cho buôn bán hàng rong

Ngày 12.5 tại TPHCM, Viện Hợp tác phát triển Châu Âu IECD, Trung tâm Đào tạo Phát triển xã hội SDTC và Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN tổ chức hội thảo Kết nối vì sinh kế vỉa hè bền vững.

Nhằm trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè, UBND Q.1 đang quy hoạch thí điểm 2 tuyến đường (Nguyễn Văn Chiêm và Bến Bạch Đằng), tổ chức, sắp xếp vỉa hè cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn quận vào khu vực thí điểm để buôn bán. Dự kiến thời gian buôn bán từ 6h-8h và từ 11h-13h hằng ngày.

Bà Lê Diệu Ánh - Điều phối chương trình quốc gia tại Việt Nam của Liên minh Đô thị - cho rằng, bà ủng hộ việc chính quyền tổ chức thí điểm cho người dân nghèo có nơi buôn bán đàng hoàng, giúp họ ổn định cuộc sống và không còn lo sợ bị rượt đuổi khi lấn chiếm vỉa hè buôn bán như lâu nay.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào kế hoạch thí điểm này, bà Lê Thị Tú Uyên - người sáng lập dự án xã hội 5.000 xe cho người buôn bán vỉa hè - lại băn khoăn: “Việc quy định buôn bán theo khung từ 6-8 giờ và từ 11-13 giờ cần xem lại, vì chưa phù hợp với giờ bán thông thường hiện nay của người dân (6-10h và từ 17-22h). Hơn nữa, với yêu cầu người được buôn bán vỉa hè phải có hộ khẩu TP là làm khó không ít người dân nhập cư hiện nay”. Theo bà Lê Thị Tú Uyên, phải quy hoạch thêm nhiều tuyến đường hơn nữa.

Cùng liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) đề xuất, thành phố nên rà soát, quy hoạch tổng thể địa bàn các quận có thể cho sử dụng những con hẻm ít xe cộ qua lại hoặc các tuyến đường đủ điều kiện làm nơi buôn bán hàng rong với khung giờ hợp lý trong ngày, để giải quyết nhu cầu mưu sinh của người dân.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi, bán bánh tráng trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1) tâm sự: “Tôi biết việc buôn bán trên vỉa hè là sai nhưng vì không đủ tiền thuê mặt bằng, nếu không bán lấy gì mà sống. Bán ở vỉa hè đâu có sung sướng gì, phải lo chạy công an suốt”.

Đừng đổ hết lỗi cho người nghèo lấn chiếm vỉa hè, lề đường

Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, vì đa số người có thu nhập thấp, công việc không ổn định nên sinh sống bằng các hình thức buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè, lề đường.

Đúng là có tình trạng này, song không vì thế mà đổ hết lỗi cho người nhập cư, người nghèo buôn gánh bán bưng, bởi ngay cả những người giàu (nhà hàng, quán ăn, hộ mặt tiền) mới chính là đối tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhiều nhất.

TPHCM hiện có hơn 4.000 tuyến đường, bất kể ai ở TPHCM cũng đều dễ dàng nhận thấy, phần lớn các hàng quán, nhà hàng, nhà mặt tiền đều biến vỉa hè, lòng đường trước của nhà mình thành sở hữu riêng, để đậu xe, đặt bảng hiệu, bày biện các hàng hóa chiếm hết lối đi lại của người dân.

PV khảo sát dọc các tuyến đường CMT8 (Q.1, 3, 10, Tân Bình), Sư Vạn Hạnh (Q.10, 11), Nguyễn Tri Phương (Q.10), Điện Biên Phủ (Q.3, 10, Bình Thạnh), Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp)… đâu đâu cũng phát hiện các hộ mặt tiền, nhà hàng, quán ăn lấn chiếm vỉa hè để phục vụ mục đích kinh doanh của mình.

Tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, do từ lâu chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo, thậm chí không loại trừ khả năng có tiêu cực nên mới để tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, và dần dần trở thành thói quen như hiện nay.

Theo đề xuất của tiến sĩ Phạm Sanh, với những nhà hàng, hộ kinh doanh mặt tiền thì thành phố phải có điều tra, khảo sát thống kê họ lấn chiếm vỉa hè như thế nào, sử dụng vỉa hè ra sao, từ đó có phân tích đánh giá và có những giải pháp cụ thể.

“Tôi thấy những hộ buôn bán, kinh doanh mặt tiền đều hưởng lợi về mặt kinh tế. Nếu đã kinh doanh thì buộc họ phải tự sắp xếp các chỗ để xe chứ không thể lấn chiếm vỉa hè công cộng hoặc địa phương bố trí các điểm đậu xe gần đó để người dân đi bộ đến các cửa hàng này” - tiến sĩ Sanh nói.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM