Hikikomori: Vì sao trào lưu sống “ẩn sĩ” thời hiện đại tại Nhật Bản đang lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới ?

11/03/2019 13:44 PM | Xã hội

Ngày nay, với sự hiện diện của Internet và các thiết bị điện tử thông minh, thật khó để bạn có thể sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, hơn 500.000 người đang sống như những ẩn sĩ thời hiện đại.

Họ được biết đến với tên gọi hikikomori – những người sống “ẩn dật”, không liên lạc với xã hội và thường không rời khỏi nhà trong nhiều năm. Tình trạng này tưởng chừng chỉ có ở Nhật Bản, nhưng trong những nay gần đây, các trường hợp tương tự đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.

Một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản cho thấy khoảng 541.000 (1,56% dân số) là những hikikomori, nhưng những chuyên gia cho rằng trong thực tế con số này còn cao hơn nhiều, vì phải mất nhiều năm trước khi những ẩn sĩ thời hiện đại này tìm đến sự giúp đỡ.

Tình trạng này tưởng chừng chỉ có ở Nhật Bản, nhưng trong những nay gần đây, các trường hợp tương tự đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Ở nước láng giềng Hàn Quốc, một phân tích năm 2005 đã ước tính có 33.000 thanh thiếu niên sống tách biệt khỏi xã hội (0,3% dân số). Còn tại Hồng Kông, một cuộc khảo sát năm 2014 đã đưa ra con số 1,9% dân số là những ẩn sĩ thời hiện đại. Không chỉ ở châu Á, tình trạng trên cũng xuất hiện ở các quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và các nước khác.

Mối quan tâm đến tình trạng cô lập xã hội đang tăng lên trên toàn cầu. Tháng 1 năm ngoái, Vương quốc Anh đã bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên phụ trách về tình trạng này, sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia cho thấy gần 10% thanh niên từ 16 – 24 tuổi nói rằng họ “luôn luôn hoặc thường xuyên” cảm thấy cô đơn.

Một chủ đề gây tranh cãi nhưng cũng phổ biến trong các nghiên cứu về hikikomori là ảnh hưởng của công nghệ hiện đại đến sự cô lập xã hội của thanh niên. Chưa có bất kỳ mối liên hệ tiềm năng nào được khoa học chứng minh cả. Nhưng một vài chuyên gia cũng hi vọng rằng cũng chính công nghệ có thể đưa giới trẻ hòa nhập lại với xã hội.

Hikikomori ở Nhật Bản

Hikikomori: Vì sao trào lưu sống “ẩn sĩ” thời hiện đại tại Nhật Bản đang lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới ? - Ảnh 1.

Hikikomori thường được sử dụng để thay thế cho tình trạng cô lập xã hội và những người trải qua tình trạng này. Thuật ngữ này được nghĩ ra bởi nhà tâm lý học Nhật Bản Tamaki Saitō trong cuốn sách “Social Withdrawal – Adolescence Without End” (1998) của ông. Ngày nay, các dấu hiệu phổ biến nhất là sự kết hợp giữa cô lập vật lý, sự né tránh xã hội và nỗi đau khổ về tâm lý kéo dài ít nhất 6 tháng.

Theo phó giáo sư tâm thần học Takahiro Kato của trường Đại học Kyushu, người nghiên cứu và điều trị hikikomori, ban đầu, hikikomori được coi là liên hệ tới văn hóa và có những lý do để tin rằng xã hội Nhật Bản dễ bị tổn thương bởi tình trạng này.

Kato cho biết các chuẩn mực xã hội cứng nhắc, sự kỳ vọng cao từ cha mẹ và văn hóa về sự xấu hổ đã khiến xã hội Nhật Bản trở thành môi trường thuận lợi cho cảm giác kém cỏi và mong muốn một cuộc sống an toàn.

Tại trung tâm hỗ trợ hikikomori ở thành phố Fukuoka, trong căn phòng Yokayoka hay căn phòng “nghỉ ngơi”, từng người sẽ mô tả áp lực mà họ đang phải trải qua. Một trong những vị khách chia sẻ: “Trường học là một môi trường đơn điệu, mọi người đều phải có chung quan điểm. Nếu ai đó nói điều gì đó, họ sẽ bị cô lập.”

Đáp ứng được mong đợi trong xã hội Nhật Bản đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Theo Kato, kinh tế trì trệ và toàn cầu hóa đang đặt truyền thống tập thể và phân cấp ở Nhật Bản trong cuộc xung đột với thế giới quan phương Tây cá nhân và cạnh tranh hơn. Trong khi cha mẹ người Anh có thể ít quan tâm đến việc con của họ không chịu rời khỏi phòng, thì cha mẹ Nhật cảm thấy mình phải có bổn phận phải giúp đỡ con cái khi chúng tách biệt với xã hội, và sự xấu hổ thường ngăn cản họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Hikikomori tại các quốc gia khác

Hikikomori: Vì sao trào lưu sống “ẩn sĩ” thời hiện đại tại Nhật Bản đang lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới ? - Ảnh 2.

Số lượng các trường hợp tương tự đang ngày càng gia tăng ở các quốc gia khác khiến các chuyên gia nghi ngờ về tính ràng buộc văn hóa của hikikomori. Trong một nghiên cứu năm 2015, Kato và các cộng sự ở Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ đã tìm ra các trường hợp với dấu hiệu giống nhau ở cả 4 quốc gia.

Alan Teo, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Sức khỏe và Khoa học Oregon, cho biết: “Một trong những lý do khiến hikikomori trở nên thú vị là không có một lời giải thích cụ thể nào (cho tình trạng này cả). Đây là hệ quả của nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau.”

Một yếu tố được thảo luận thường xuyên là vai trò của công nghệ như Internet, truyền thông xã hội và video games, vón đã là nguồn gốc của các cuộc tranh cãi trong lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe tâm thần.

Có nhiều hikikomori là người sử dụng internet và chơi điện tử. Nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận mức độ sử dụng công nghệ cao của những ẩn sĩ hiện đại, nhưng yếu tố này không phổ quát và bản chất của mối quan hệ giữa công nghệ và hikikomori chưa thực sự rõ ràng.

Ở Hàn Quốc, bất cứ ai tự cô lập tối thiểu 3 tháng được gọi là “oiettolie”. Một nghiên cứu năm 2013 về 43 oiettolie cho thấy gần 1/10 trong số họ nghiện Internet và hơn 50% có nguy cơ nghiện Internet cao.

Theo Taeyoung Choi, một bác sĩ tâm lý và nhà nghiên cứu tại Đại học Công giáo Daegu, không cho rằng công nghệ dẫn đến cô lập xã hội, nhưng nó có thể hỗ trợ và làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Theo Kato, các tác động của công nghệ cũng có thể khó quan sát hơn. Với các trò chơi điện tử, giới trẻ dành nhiều thời gian hơn cho môi trường ảo đã được kiểm soát thay vì thế giới thực khó đoán trước. Đồng thời, internet, điện thoại thông minh và mạng xã hội đã biến tiếp xúc gián tiếp phổ biến hơn rất nhiều so với trò chuyện trực tiếp.

Kato nói: “Ngày nay, xã hội không có rủi ro, không có giao tiếp trực tiếp. Nhấn nút khởi động lại và quay lại trở nên vô cùng dễ dàng và trải nghiệm thất bại ít hơn.” Ông cho rằng điều này gây bất lợi cho sự phát triển của thanh thiếu niên, khiến chúng trở nên kém kiên cường và tinh tế trong các mối quan hệ. Giống như bạn cần tiếp xúc với bụi bẩn để phát triển khả năng miễn dịch, bạn cần trải qua những rủi ro và thất bại để phát triển khả năng phục hồi và độc lập.

Công nghệ - Từ tội đồ trở thành anh hùng?

Hikikomori: Vì sao trào lưu sống “ẩn sĩ” thời hiện đại tại Nhật Bản đang lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới ? - Ảnh 3.

Mạng xã hội hay email không phải là nguyên nhân tiềm ẩn của vấn đề sức khỏe tâm thần. Chúng là các phương tiện liên lạc, có thể được sử dụng theo cả hướng tiêu cực và tích cực.

Sự kết nối ngày càng khăng khít giữa thế giới trực tuyến và thực tế cũng có thể giúp các hikikomori hòa nhập lại vào cuộc sống hàng ngày. Vào năm 2016, Kato đã xuất bản một báo cáo về trường hợp một bệnh nhân đột nhiên ra ngoài hàng ngày sau khi tải trò chơi điện tử đình đám Pokemon Go của Nintendo.

Kato nghĩ rằng cầu nối giữa thế giới thực và ảo có thể khuyến khích hikikomori rời khỏi nhà và thậm chí giúp các nhân viên y tế dễ dàng hơn trong tiếp xúc lần đầu. Anh cũng bắt đầu hợp tác với một công ty Nhật Bản để tạo ra một robot có thể giúp hikikomori làm quen lại với tiếp xúc xã hội. Thay vì robot, các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông đã sử dụng thành công những chú chó phục vụ cho mục đích tương tự.

Cũng có những giải pháp không sử dụng công nghệ cao để khai thác mối quan hệ giữa hikikomori và công nghệ. Shinichiro Maatsuguma, một nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Đại học Y khoa Keio ở Tokyo, một chuyên gia tâm lý học tích cực, đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ hikikomori với tên gọi Strength Association.

Anh huấn luyện 32 bệnh nhân sử dụng các nguyên tắc trong tâm lý học tích cực, tập trung vào các điểm mạnh thay vì điểm yếu. Hầu hết bệnh nhân của anh chơi video games, nên phương pháp điều trị thường bao gồm thảo luận về phong cách chơi game làm động lực để phát hiện các điểm mạnh như làm việc theo nhóm, chiến thuật hoặc lãnh đạo.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM