Hiệu quả quản trị và hành chính công: Hà Nội và TPHCM đi giật lùi, đứng gần chót bảng

12/04/2016 12:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo kết quả về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 5 năm 2011 – 2015, Bắc Ninh đã đứng đầu cả nước với mức tăng hơn 11%. Theo sau là Cần Thơ, Trà Vinh, Ninh Bình… Hà Nội và TPHCM – 2 thành phố lớn nhất cả nước đã có bước đi giật lùi và đứng gần chót bảng.

PAPI là chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Chỉ số PAPI thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy công quyền các cấp.

Trong khảo sát PAPI năm 2015 công bố sáng nay (12/4/2016) cho thấy: So sánh qua 5 năm (2011-2015), cho thấy có 7 tỉnh, thành phố cải thiện nhiều về điểm số tổng hợp PAPI.

7 cái tên xếp theo thứ tự từ cao đến thấp gồm Bắc Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Ninh Bình, Tây Ninh, Phú Thọ, và Hà Tĩnh với mức tăng từ 9 – 11%.

Trong khi đó, có tới 13 tỉnh, thành phố giảm điểm mạnh. 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM được xếp gần chót bảng, cũng nằm trong nhóm này.

Đà Nẵng mặc dù không đứng đầu bảng, nhưng cũng là “ngôi sao PAPI” khi cùng với Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An luôn có tên trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trong suốt 5 năm.

“Nhìn chung, trong 5 năm qua, các tỉnh, thành phố đạt điểm cao thường tập trung ở các vùng Đông Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ. Những tỉnh, thành phố đạt điểm thấp thường tập trung ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, báo cáo đưa ra nhận định.

Khảo sát PAPI năm 2015 được thực hiện trên 6 nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Thủ tục hành chính công, Công khai minh bạch, Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, và Cung ứng dịch vụ công.

Đáng lưu ý: Khảo sát năm nay cho thấy xu hướng suy giảm hiệu quả quản trị và hành chính công ở 5 trong 6 chỉ số nội dung nói trên.

Trong số đó, chỉ số “Công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất - đến 7% điểm so với kết quả năm 2014. Năm 2015, mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút; người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước.

* Khảo sát được thực hiện trên gần 14.000 người dân bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM