Hiệp hội xăng dầu: Thuế xăng tăng lên 8000 đồng/lít là điều đương nhiên, vì đó là trách nhiệm của một công dân với đất nước!

16/05/2017 17:57 PM | Kinh tế vĩ mô

“Có 3 loại lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích doanh nghiệp. Trong đó, lợi ích Nhà nước là quan trọng nhất... Cái đó, ai là công dân Việt Nam ai cũng đều phải hiểu”.

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít đã từng là một chủ đề được dư luận quan tâm. Hôm nay, tại buổi Hội thảo "Thị trường xăng dầu và các vấn đề thế chế" được tổ chức bởi Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, vấn đề này lại được nhắc đến, nhưng với một quan điểm có thể sẽ khiến người ta phải xôn xao.

Đứng phát biểu trước các vị chuyên gia, các nhà báo tham dự buổi Hội thảo, ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thẳng thắn cho rằng việc áp thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu đơn giản là một cách để Nhà nước cân đối thu chi Ngân sách.

The ông, do thuế nhập khẩu xăng dầu tới năm 2020 rồi sẽ giảm tới mức 0% làm Nhà nước bị hụt thu và sẽ cần các nguồn thu khác để bù vào. Từ đó, người dân đương nhiên sẽ phải chịu khoản thuế này, vì đơn giản, ‘đây là trách nhiệm của công dân với đất nước’.

“Dầu thô sụt giá như thế này thì Nhà nước mất rất nhiều tiền, cộng với lộ trình giảm thuế xuống như thế này thì còn mất thêm tiền nữa”, ông cho biết.

Nguyên thứ trưởng Ruệ cho rằng: Chúng ta biết rằng có 3 loại lợi ích: Lợi ích Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp. Trong đó, lợi ích Nhà nước là quan trọng nhất bởi Nhà nước sử dụng tiền để xây dựng, để phát triển đất nước. Cái đó, ai là công dân Việt Nam ai cũng đều phải hiểu.

Vì “ai là công dân Việt Nam cũng đều phải hiểu” về lợi ích này, cũng phải hiểu rằng ‘nếu thuế nhập khẩu giảm còn 0% thì cần một nguồn thu khác để bù vào”, ông Phan Thế Ruệ cho rằng người dân phải gánh vác phần thuế bảo vệ môi trường như là một điều tất yếu. Ở các nước ngoài, chính sách này thực ra đã được áp dụng tới mức phổ biến.

“Việc tăng thu của thuế môi trường thì các nước người ta đều làm cả. Ví dụ 20% thuế nhập khẩu, nếu thuế giảm về 0% thì anh phải tìm chỗ để bù vào đó. Đó đơn giản là trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước” – ông Ruệ chia sẻ.

Thử nhẩm tính về các khoản lợi mà Nhà nước sẽ nhận được sau khi áp thuế bảo vệ môi trường, người ta thấy những con số không hề nhỏ, Cụ thể, ông Ruệ tính toán rằng chỉ cần tăng thuế bảo vệ môi trường 1000 đồng/lít thôi thì chúng ta đã có thể thu thêm hàng mấy chục nghìn tỷ rồi. Như vậy, nếu mức thu thuế bảo vệ môi trường cao đến 8000 đồng/lít thì thu về từ phí môi trường rất lớn.

Ông Ruệ nói: “Tiền thu này có thể sử dụng để giải quyết tình hình môi trường ở một số nơi, ví dụ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc ở một số khu vực mà tình trạng môi trường xảy ra là do xăng dầu. Còn lại số tiền tất nhiên sẽ được bù trừ cho ngân sách Nhà nước để ở những khu vực khác”.

Cũng theo ông, lo ngại rằng việc áp thuế có thể gây ra những áp lực cho lạm phát quốc gia, khi mà tăng thuế bảo vệ môi trường làm tác động lên giá xăng dầu, mà giá xăng dầu lại chiếm tới 4% trong cơ cấu tính CPI, là không cần thiết phải có.

Ông Ruệ chỉ ra rằng chỉ cần một động tác tăng giá bán lẻ nội địa của các nhà sản xuất trong nước lên thì hiệu ứng này trên không còn. Tuy nhiên, biện pháp này đã ngay lập tức làm các phóng viên tham gia buổi Hội thảo nghi ngại về những tác động rút cục lại đổ lên chính những người dân.

Hiện tại, những ý tưởng về tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8000 đồng/lít nhưng vẫn chưa có lộ trình cụ thể. “Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước", ông Ruệ nói.

Trước đó, Hiệp hội Xăng Dầu đã nhiều lần đề xuất rằng ngay trong năm 2018, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

Lúc này, thị trường xăng dầu Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết, đặc biệt là áp lực thuế nhập khẩu sẽ giảm về mức 0%.

Tuy nhiên, nhìn theo dung lượng thị trường, các hiệp định này sẽ giúp xăng dầu Việt Nam ‘dồi dào’ hơn do hiện tại, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu thụ tới 16 triệu m3 trong nước, còn lại 60% thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu.

Thời gian sau các hiệp định thương mại nói trên, cả ngành xăng dầu Việt Nam sẽ dồn niềm tin vào các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Các nhà máy này đến năm 2020 sẽ giúp chúng ta giảm hẳn nhu cầu nhập khẩu xăng dầu, trong khoảng chục năm nữa nếu được hoạt động 100% công suất sẽ có thể đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, theo như ông Ruệ nhận định.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM