Hiến kế tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính để đẩy nhanh tiến độ đầu tư sân bay quốc tế Long Thành

28/03/2018 13:33 PM | Bất động sản

Sáng nay, Báo Tiền phong đã tổ chức hội thảo "Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sân bay Long Thành", quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành. Tại đây, nhiều ý kiến đều cho rằng vốn và đền bù giải tỏa chính là 2 điểm nghẽn có thể "kéo" dự án triển khai không đúng lộ trình đề ra.

Theo đó, dư địa phát triển kinh tế lớn nhất của Đồng Nai là vùng Long Thành - Nhơn Trạch. Nơi đây đang có một điều kiện phát triển kinh tế rất mạnh, các đại dự án quốc gia như sân bay, đường cao tốc, hệ thống cảng đang bắt đầu được triển khai.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Sân bay Long Thành được xem như "cánh cửa" kinh tế của Việt Nam. Theo đánh giá thì nơi đây sẽ là động lực kinh tế cho Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.

"Sân bay Incheon hàng năm đã mang lại nguồn thu rất lớn cho Hàn Quốc. Sân bay Long Thành cũng có nhiều điểm giống Sân bay Incheon, nếu xây dựng và vận hành tốt thì đây là "cánh cửa"  quan trọng của Việt Nam với thế giới. Chúng ta trước giờ mới nghỉ đến việc xây dựng sân bay mà chưa nghĩ đến việc phát triển nơi này thành thành phố sân bay", ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhận xét.

Các ý kiến đã cho rằng, việc triển khai dự án ở thời điểm này bị chậm (việc xây dựng một sân bay tại Long Thành – Đồng Nai đã được đề cập từ trước năm 1975 và Chính phủ chính thức có quy hoạch từ năm 2005), làm đất nước ta vuột đi nhiều cơ hội. Vì vậy, việc sớm triển khai, hoàn thành dự án cũng là mong mỏi chung của cả nước; trước hết là người dân và chính quyền Đồng Nai, TPHCM.

Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, được chia làm 3 giai đoạn. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD).

Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị đã triển khai khẩn trương. "Tuy nhiên, chính công tác đền bù giải phóng mặt bằng có thể sẽ kéo dài thêm thời gian khởi công dự án đến 1-3 năm nữa bởi chúng ta chưa tìm được giải pháp hài hòa nhằm tạo sự hài lòng chung cho người bị mất đất và các bên liên quan khác", ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sẽ điều chỉnh toàn bộ 5 ngàn ha đất xây dựng cảng hàng không vào địa giới hành chính xã Bình Sơn. Riêng với xã Suối Trầu có diện tích là 1.485 ha, trong đó 1.358 ha nằm trong đất dự án sẽ được điều chỉnh địa giới hành chính vào xã Bình Sơn, phần diện tích đất còn lại 126 ha nhập vào xã Bàu Cạn.

Theo kế hoạch, trong năm 2018 phần lớn công việc tập trung vào xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và phân khu III Bình Sơn. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, do các gói thầu chủ yếu được thực hiện theo đúng quy định thông thường nên xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật xong toàn bộ phải kéo dài đến năm 2019.

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, với khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 282 ha, nếu dự án được Chính phủ phê duyệt sớm sẽ phấn đấu thi công vào tháng 7 năm nay, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và giao đất cho dân vào tháng 12/2018.

Riêng phân khu III khu tái định cư Bình Sơn phải đến đầu năm 2019 mới có thể triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật và dự kiến hoàn thiện vào khoảng tháng 6/2019. Như vậy, đến khoảng tháng 7/2019 sẽ giao được đất cho dân xây dựng nhà ở khu vực này.

Một hạng mục khác cũng cần đẩy tiến độ nhanh không kém 2 khu tái định cư là xây dựng khu nghĩa trang. Khu nghĩa trang có quy mô 20 ha được xây dựng tại xã Bình An (huyện Long Thành) cũng cần triển khai ngay để đáp ứng nhu cầu chôn cất và cải  táng di dời hơn 2 ngàn ngôi mộ trong vùng dự án. Cũng theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, thời gian hoàn thành công trình này vào khoảng tháng 3/2019.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (Sở Tài nguyên - môi trường), cho biết trung tâm cũng đã cho biên soạn  tài liệu để phục vụ công tác tuyên truyền. Tài liệu được biên soạn khá cụ thể về chính sách bồi thường; các trường hợp nhận suất tái định cư chính, phụ; đối tượng hưởng  các chính sách khác...

"Theo đánh giá của UBND tỉnh, những công trình này nếu không được thực hiện nhanh, đảm bảo thời gian sẽ ảnh hưởng toàn bộ đến phần công việc giải phóng mặt bằng sân bay sau này. Bởi vì, ngay từ khi dự án sân bay được khởi động, giá đất xung quanh khu vực này đang tăng lên từng ngày", ông Thanh cho biết thêm.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, trước đến nay nguyên tắc chung khi tiến hành các công tác này là bồi thường, hỗ trợ bằng tiền và xây dựng khu tái định cư trước khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, thật sự rất khó triển khai bởi không giải quyết được sự hài lòng đáng kể của người bị thu hồi đất vì già đất luôn thấp hơn giá thị trường, nhất là khi dự án càng tiềm năng thì giá đất càng tăng cao. Song song đó, người dân sẽ liên tục khiếu nại về quy hoạch, về quyết định thu hồi đất sẽ làm mất rất nhiều thời gian.

"Để xây dựng nhanh sân bay Long Thành, chúng ta buộc phải thay thế tư duy thực hiện đền bù, tái định cư bằng tiền bằng tư duy thực hiện bằng đất có giá trị", vị chuyên gia này đề xuất.

Theo đó, toàn bộ đất nông nghiệp trong vùng dự án nên chuyển sang đất phi nông nghiệp, diện tích vẫn giữ nguyên nhưng giá trị đất lại tăng lên rấtn nhiều lần. Đây chính là nguồn lực để đầu tư các khu tái định cư và đầu tư sân bay.

Để thực hiện được, theo GS. Đặng Hùng Võ, cần quy hoạch phát triển toàn bộ huyện Long Thành, trong đó sân bay chỉ là một phần trong quy hoạch này. Từ đó, xây dựng chính sách quy định mỗi người sử dụng đất đều phải góp đất theo một tỷ lệ nhất định, đổi lại được nhận một phần đất mới đã phát triển. Tỷ lệ diện tích đất góp và nhận xấp xỉ bằng tỷ giá đất tăng lên do đô thị hóa tạo nên. Một phần đất góp sẽ được mang ra bán đấu giá để thu tiền triển khai xây dựng đô thị (gồm cả không gian các khu tái định cư) và xây dựng hạ tầng sân bay.

Về việc làm sao kích thích được các dòng vốn đầu tư vào siêu dự án này, GS. TS. Nguyễn Trọng Hòa, Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng trước mắt (từ nay đến năm 2025) cần tập trung quy hoạch hoàn chỉnh đô thị sân bay và thực hiện giải phóng mặt bằng hiệu quả để giữ quỹ đất theo quy hoạch. Bằng ngân sách Nhà nước mà Quốc hội đã thông qua, chỉ nên dành tập trung cho giải phóng mặt bằng cho phần đất xây dựng sân bay.

Các khu đất dành cho những phân khu chức năng mới trong tương lai, có thể thông qua đấu thầu minh bạch để các nhà đầu tư ứng vốn trước cho giải phóng mặt bằng những khu đất mà họ sẽ nhận được khi sân bay hình thành. Nguồn thu này không chỉ đủ cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới, mà còn có thể tạo ra một nguồn vốn lớn để xây dựng sân bay.

"Bài toán vốn để xây dựng sân bay cần được giải quyết theo hình thức hợp tác công tư tách bạch theo từng gói thầu và thực thi cuốn chiếu trên từng hạng mục. Bài toán này cũng có hướng giải nếu định hướng và có phương án xử lý tốt từ mấu chốt đất đai", vị này góp ý.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM