Hiểm họa của những "cơn mưa tiền thưởng": Chuyện tiền bạc cứ để người lớn lo, mong các em gác phần thưởng sang một bên để chơi hết mình vì đam mê!

25/01/2018 10:46 AM | Sống

Tiền thưởng là chuyện tất nhiên phải có, đặc biệt với những nỗ lực phi thường của đội tuyển U23 Việt Nam. Nhưng như các nhà tâm lý chỉ ra, tiền có thể biến động lực nội tại "chơi vì đam mê" trở thành "chơi vì phần thưởng". Hy vọng U23 Việt Nam sẽ không đi theo vết xe đổ ngày nào, biến niềm mê say đá bóng thành chơi vì nổi tiếng.

Có một câu chuyện mà các giáo sư tâm lý thường kể cho các sinh viên về hiệu ứng tai hại của phần thưởng, đặc biệt là thưởng tiền.

Ngày xưa, có một ông cụ khi trở về nhà thì bỗng thấy vườn hoa yêu quý của mình đã bị dẫm nát.

Quyết định tìm ra nguyên nhân, ngày hôm sau ông ở nhà chờ đợi và ngay lập tức phát hiện ra lũ trẻ hàng xóm đang lấy vườn hoa đẹp đẽ của ông để làm sân bóng. Chúng say mê đá bóng tới mức không nhận ra mình đang làm hỏng cả khu vườn.

Ông quyết định thử làm một thí nghiệm để xem liệu có cách nào khiến chúng ngừng chơi bóng hay không.

Ông bước ra ngoài và gọi chúng lại. Ông nói với chúng rằng "Ta cũng rất yêu bóng đá, các cháu làm ta cảm thấy mình trẻ lại, vì vậy ta muốn trao tiền thưởng cho mỗi cháu".

Ông nói rằng ông sẽ cho mỗi đứa trẻ 100 nghìn để chúng chơi ở sân trước nhà ông. Lũ trẻ vui mừng quá, và ngày hôm sau khi chơi xong, chúng lập tức đòi phần thưởng của mình.

Hiểm họa của những cơn mưa tiền thưởng: Chuyện tiền bạc cứ để người lớn lo, mong các em gác phần thưởng sang một bên để chơi hết mình vì đam mê! - Ảnh 1.

Sau khi trao thưởng, ông nói mình không còn nhiều tiền như mình tưởng. Ngày mai, ông chỉ có thể trả cho chúng 50 nghìn mỗi đứa để tiếp tục đá bóng.

Thất vọng, nhưng vẫn khao khát có tiền, lũ trẻ lại đến chơi ngày hôm sau. Sau khi trao thưởng, ông xin lỗi rằng mình đã hết sạch tiền và không thể trả tiền cho chúng chơi bóng vào ngày tới.

Lũ trẻ tức giận hét lên "Chơi cả ngày mà không được đồng nào!!! Cụ có biết bọn cháu chơi cũng mệt lắm không".

Cả lũ trẻ bỏ về và từ đó không bao giờ quay lại đá bóng nữa. Ông cụ thì vui sướng vì từ nay lại được ngắm vườn hoa tuyệt diệu của mình mỗi ngày trong yên tĩnh.

Câu chuyện này muốn nói rằng những phần thưởng bằng tiền đôi khi có thể làm xóa sổ động lực nội tại của một ai đó.

Những lũ trẻ ban đầu "chơi vì niềm yêu thích bóng đá", một động lực nội tại đã bị ông cụ chuyển hóa thành "chơi vì tiền" (giống như hầu hết những người đi làm hiện nay). Vì vậy, một khi động lực ngoại lai được rút đi, chúng cũng không còn động lực nội tại, chơi vì đam mê, như trước kia.

Nghiên cứu về việc hiến máu từ thiện cũng cho thấy hiệu rõ hiệu ứng phản tác dụng của phần thưởng tài chính.

Một số quốc gia trả tiền để người dân hiến máu (như Nga, Trung Quốc, Đức, Mỹ) và một số khác thì không (Pháp, Áo, Anh, và Nhật). New Zealand trước đây đã thử chuyển từ hiến máu tình nguyện sang trả tiền. Họ thấy rằng 52% những người hiến máu nói rằng họ sẽ ngừng hiến máu nếu được trả tiền để làm vậy.

Quay trở lại câu chuyện đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Sau trận thắng lịch sử để tiến vào vòng chung kết AFC vừa qua, các cầu thủ đón nhận cơn mưa tiền thưởng từ nhà nước, doanh nghiệp.

Hiểm họa của những cơn mưa tiền thưởng: Chuyện tiền bạc cứ để người lớn lo, mong các em gác phần thưởng sang một bên để chơi hết mình vì đam mê! - Ảnh 2.

Danh sách tiền thưởng "dài như sớ" được cho là số tiền thưởng nóng đội tuyển U23 Việt Nam được nhận sau chiến thắng ở trận bán kết vừa qua.

Tiền bạc là chuyện tất nhiên phải có, đặc biệt với những nỗ lực phi thường của đội tuyển, giúp cả dân tộc có được những cảm xúc tuyệt vời không thể quên.

Nhưng hy vọng sức nặng của món tiền thưởng khổng lồ không làm các em biến mất động lực nội tại "chơi vì đam mê", như câu chuyện ở phía trên. Hy vọng U23 sẽ không phạm sai lầm như cách một số thế hệ trước đã biến chơi vì yêu thích thành chơi vì nổi tiếng về phần thưởng.

Phong Vân

Cùng chuyên mục
XEM