'Hello, How are you?' – cách bắt chuyện của cô bé 6 tuổi và ấn tượng của Ngoại trưởng Mỹ về sinh viên Việt

08/02/2017 09:17 AM | Xã hội

“Các bạn rất lạc quan. Các bạn luôn muốn vận dụng mọi tài năng và kỹ năng của mình, đồng thời luôn hướng ngoại ra thế giới bên ngoài chứ không chỉ hướng nội”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng nhận xét.

Chiều 13/1/2017, tại buổi gặp gỡ sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kể câu chuyện về cô bé 6 tuổi ở công viên để ca ngợi tinh thần lạc quan của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Theo lời ông, khi đến thăm Việt Nam vào đầu những năm 1990, Ngoại trưởng Mỹ đã một lần đi dạo sáng sớm ở Hà Nội. Tình cờ ông gặp một cô bé (khoảng tầm 6-7 tuổi) đang chơi trong công viên cùng mẹ.

Cô bé đã chạy đến chỗ ông và nói: “Hello, How are you?” bằng tiếng Anh. Cô bé nói giọng tiếng Anh rất chuẩn. Điều này làm ông hết sức ngạc nhiên.

Nhiều năm sau, John Kerry vẫn giữ liên lạc với cô bé. Khi ông quay lại Việt Nam, gia đình cô bé đã đến gặp để chào ông.

Câu chuyện của vị Ngoại trưởng Mỹ với cô bé người Việt luôn giúp ông tin tưởng về tinh thần lạc quan của sinh viên Việt. Dành những lời khen ngợi cho các bạn trẻ Việt, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Các bạn rất lạc quan. Các bạn luôn muốn vận dụng mọi tài năng và kỹ năng của mình, đồng thời luôn hướng ngoại ra thế giới bên ngoài chứ không chỉ hướng nội”.

Đây không chỉ là lời khen duy nhất của một vị Ngoại trưởng dành cho giới trẻ Việt. Trước đó, trong lần giao lưu với các bạn trẻ tại TP HCM nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, cựu Tổng thống Obama cũng ca ngợi giới trẻ Việt tràn đầy năng lượng và động lực. Ông cho biết, tinh thần này sẽ giúp thúc đẩy khu vực vươn lên tầm cao mới, cho thấy một sự lạc quan về tương lai của Đông Nam Á cũng như thế giới.

Hello, How are you? – cách bắt chuyện của cô bé 6 tuổi và ấn tượng của Ngoại trưởng Mỹ về sinh viên Việt  - Ảnh 1.

Ngoài những ấn tượng tốt của các vị cựu cầm quyền Mỹ thì thực tế sinh viên Việt Nam cũng có những thành tích đáng nể, khiến cả thế giới bất ngờ.

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tại Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Việt Nam lần đầu tham gia và đã xếp thứ 17/65 về lĩnh vực Toán học, 19/65 về Đọc hiểu, 8/65 về Khoa học.

Kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 (tăng 9 hạng so với 2012) khiến Thái Lan phải dè chừng. Trên trang Bangkok Post có viết: “Trong khi sinh viên Thái Lan đạt thành tích khá khiêm tốn thì hệ thống giáo dục của Singapore và Việt Nam dường như đang tạo ra được những sinh viên giỏi nhất thế giới”.

Trên BCC cũng ca ngợi về thành tích học tập của học sinh – sinh viên Việt: “Trong đó, gần 17% học sinh 15 tuổi nghèo nhất của Việt Nam nằm trong số 25% sinh viên giỏi nhất đến từ các quốc gia và nền kinh tế tham gia các bài kiểm tra của PISA. Trong khi đó, trung bình ở các nước OECD, chỉ 6% học sinh có hoàn cảnh khó khăn nằm trong nhóm này”.

Tại chương trình về sinh viên Việt Nam - “Finding Yourself – Tìm lại chính mình”, nhà báo Trần Lệ Thùy cũng đưa ra những lời ca ngợi về sự lạc quan của thế hệ trẻ Việt Nam thông qua câu chuyện tuyển dụng nhân sự cho một dự án thuộc công ty lớn ở Việt Nam.

Trong khi đầu vào rất cao, người tham gia tuyển dụng phải trải qua những bài thi IQ, tiếng Anh và viết lách nhưng thế hệ 9X có một nền tảng giáo dục rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, đặc biệt là khả năng học hỏi rất nhanh.

Mai Lan

Cùng chuyên mục
XEM