Hé lộ 1 từ duy nhất tạo nên thành công của Vietjet Air, bất kỳ ai từ cô lao công đến chủ tịch HĐQT nghĩ giống nhau

11/03/2019 12:30 PM | Xã hội

Tham vọng đầu tiên là của các nhà sáng lập sau đó nó được chuyển tải đến từng nhân viên. Đấy là 1 trong những bí quyết thành công của Vietjet.

Cách đây 1 tuần, tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019. Theo đó, Việt Nam năm nay có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Đó là Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh. Những doanh nhân này đều sáng lập và điều hành những doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam.

"Mỗi doanh nghiệp lớn được cỡ như thế nào đều có một bộ gene trong mình. Con nào gene gì nó đẻ ra con nấy. Cái gì là gene ngắn gọn để phát triển công ty các anh, to được lên tỷ đô?", đó là câu hỏi được doanh nhân Nguyễn Thành Nam- nhà sáng lập đại học trực tuyến Funix đặt ra trong cuộc giao lưu đặc biệt. Lần đầu tiên ông Lưu Đức Khánh- Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet Air, Nguyễn Đức Tài- Chủ tịch Thế giới di động và ông Phạm Trung Lâm- Tổng giám đốc Masan Nutri-Science cùng chia sẻ trong 1 sự kiện do báo Nhịp cầu đầu tư tổ chức.

Nói về yếu tố làm nên thành công của Vietjet, ông Khánh cho biết: "Cái mà chúng tôi tự hào cho sự thành công là tham vọng. Khi bắt đầu một hành trình để thành lập một hãng bay như vậy thì rất nhiều khó khăn. Quay lại 5 năm trước (năm 2012), lúc đó có 2 hãng hàng không lớn đều bị thất bại là Indochina và Mekong không bay được mà chúng tôi bay ra đúng thời điểm giông bão nhất. Lúc đó không có gì hơn ngoài cái tham vọng. Chúng tôi nói với nhau đã mơ thì phải mơ điều lớn chứ không phải mơ điều nhỏ.

Chính cái tham vọng như vậy mà chúng tôi lúc đó không phải muốn trở thành hãng hàng không không phải ở Việt Nam, thị trường xung quanh Việt Nam mà chúng tôi mong muốn trở thành hãng hàng không toàn cầu. Và đến bây giờ chúng tôi đang hiện thực được điều đó. Và nếu mọi người hỏi tất cả các nhân viên của chúng tôi ở bất cứ vị trí nào thì tôi tin chắc 100% họ đều có một tham vọng đó: Mơ và mơ lớn.

Tham vọng đầu tiên là của các nhà sáng lập sau đó nó được chuyển tải đến từng nhân viên. Đấy là 1 trong những bí quyết thành công của Vietjet. Anh có thể hỏi từ chị lao công thì chị cũng sẽ nghĩ giống hệt chủ tịch hội đồng quản trị."

Báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%. Hai năm sau buổi chia sẻ của ông Lưu Đức Khánh, Vietjet Air một lần nữa khẳng định giấc mơ của mình không hề viển vông. Năm 2018, Vietjet Air đã vươn lên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất, vượt qua Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.

Cùng với việc mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế, Vietjet đạt hệ số sử dụng ghế trung bình là 88,05%. Nhờ đó, thị phần của Vietjet Air đã tăng lên 43% vào cuối năm 2017, vươn lên vị trí là hãng hàng không hàng đầu tại Việt Nam.

Ngoài 82 đường bay, bao gồm 38 đường bay nội địa, 44 đường bay quốc tế thường lệ, trong năm qua Vietjet còn thực hiện 37 đường bay thuê chuyến với hơn 1.000 chuyến bay trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu bay tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Vietjet Air thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011. Sang năm 2012, thị phần Vietjet chỉ ở mức 8% còn Vietnam Airlines lên tới 70%. Tuy nhiên, liên tục các năm sau đó, Vietjet Air với chiến lược đúng hướng đã đều đặn tăng trưởng, thị phần đạt 41% vào năm 2016 trong khi Vietnam Airlines giảm xuống chỉ còn dưới 42%.

Hé lộ 1 từ duy nhất tạo nên thành công của Vietjet Air, bất kỳ ai từ cô lao công đến chủ tịch HĐQT nghĩ giống nhau - Ảnh 1.

Không chỉ vượt về thị phần, Vietjet Air còn vươn lên về chỉ số tài chính. Báo cáo tài chính quý 4-2018 của Vietnam Airlines và Vietjet Air cho thấy kết quả kinh doanh trái ngược nhau.

Cụ thể, luỹ kế năm 2018, Vietjet đạt doanh thu thuần cả năm đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận sau thuế đạt mức 5.216 tỷ đồng. Trong khi đó Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines năm 2018 ước đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM