Hãy nhớ rõ kịch bản của đời mình: Bạn không phải là tập tiếp theo của cha mẹ, không phải chương một của con cái, càng không phải ngoại truyện của bạn bè

19/03/2019 11:21 AM | Sống

Không gì đáng buồn và thất vọng hơn, khi bạn được sinh ra nhưng không dám sống cuộc đời của mình!

01

Khi Hải từng nói ý định muốn lên núi ẩn cư, chúng tôi ngỡ rằng đó chỉ là một lời nói vui lúc trà dư tửu hậu. Thế nhưng, cậu ấy đã làm như thế thật - trong sự ngỡ ngàng của tất cả chúng tôi. 

Trước đây, trong một lần uống rượu cùng nhau, chúng tôi hỏi Hải rằng cậu thiếu gì, điều gì vắt kiệt sinh lực và trả lại cho cậu mớ than thở, mệt mỏi kia? Bởi, nói như ngôn ngữ các bạn trẻ bây giờ, Hải sinh ra đã "ở vạch đích": Ba làm Chủ tịch một tập đoàn lớn, mẹ là viện trưởng một bệnh viện tư hoành tráng giữa đất Sài Gòn. Bản thân Hải có trong tay tấm bằng thạc sĩ của trường Đại học danh tiếng bên Mỹ. Trong khi chúng tôi ra trường, chật vật tìm việc, tìm mọi cách để bám trụ ở mảnh đất người khôn của khó này, thì Hải mặc định được ba cất nhắc vào một vị trí chiến lược của công ty..., tương lai sẽ làm chủ doanh nghiệp nghìn tỷ. Cuộc đời đó, mặc định được rải sẵn hoa hồng. 

Lần biến cố duy nhất (cho tới thời điểm này) của Hải, mà chúng tôi biết, là cậu buộc phải chia tay với cô bạn gái gắn bó suốt 2 năm du học ở Mỹ. Dù cô gái là người Việt, quê ở Long An, nhưng ba mẹ Hải chê gia đình cô ấy không môn đăng hậu đối với gia đình Hải. Họ muốn con trai họ gắn bó với con gái của Chủ tịch một tập đoàn khác. Thực chất, ba mẹ hai bên nhiều lần gặp gỡ và có ý định vun vén đôi trẻ. Sau nhiều vật vã, cuối cùng, giống như bao lần khác, Hải miễn cưỡng nghe theo sự sắp đặt của ba mẹ. 

Hải nói với chúng tôi, cậu quá mệt mỏi khi "bị" cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng. Từ nhỏ tới lớn, hễ những việc trọng đại, những dấu mốc quan trọng trong đời, Hải đều không được quyền quyết định: Chọn trường, chọn môn năng khiếu, chọn bạn gái, chọn cuộc sống sau đại học, chọn công việc...Cậu nhất mực phải nghe theo "thánh chỉ" của ba mẹ. Nhiệm vụ của Hải là viết tiếp ước mơ, tham vọng của ba mẹ cậu. 

Hãy nhớ rõ kịch bản của đời mình: Bạn không phải là tập tiếp theo của cha mẹ, không phải chương một của con cái, càng không phải ngoại truyện của bạn bè - Ảnh 1.

Hóa ra, nhiều người có chỉ số kỳ vọng vào mình cao hơn những người khác. Ban đầu, bạn luôn tin rằng, mức độ kỳ vọng càng cao, bạn sẽ càng dễ dàng thành công hơn, thành đạt hơn so với bạn bè của mình. Và, bạn lầm tưởng mức độ kỳ vọng cao đồng nghĩa với việc bạn tài giỏi và được công nhận trong lòng người khác.

Nhưng sự thật, mức độ kỳ vọng càng cao không phải lúc nào cũng tốt. Nếu kiểm soát tốt, nó sẽ trở thành động lực thúc đẩy bạn phát triển. Ngược lại, rất có thể bạn sa vào vòng xoáy áp lực và kiệt quệ mệt mỏi vì gánh nặng vô hình ấy đặt lên vai! Cuộc sống của bạn bỗng chốc căng như dây đàn, bạn không dám tự quyết cuộc đời mình mà phó thác cho bậc sinh thành. 

Mỗi ngày ra đường, chúng ta tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người, mà không ít người đang làm những công việc họ không hề yêu thích. Tất cả những khó nhọc, chán chường thậm chí biểu hiện lên trên nét mặt họ. Có cô bác sĩ cứ gặp bệnh nhân là nhăn nhó, cáu gắt; có cô giáo mầm non vì các bạn nhỏ không ăn mà sẵn lòng đánh đập,… Những người ấy, chắc chắn nghề bác sĩ, giáo viên không phải là ước mơ của họ, không phải công việc mà họ say mê, mà có thể đó là mong muốn của ba mẹ họ, hay đơn giản những nghề ấy dễ xin việc, dễ kiếm tiền. Cô bác sĩ và cô giáo ấy bản thân họ chắc chắn cũng không cảm thấy hạnh phúc khi sống trong trạng thái như vậy, và họ cũng góp phần gây ra những bất hạnh cho cuộc đời người khác nữa.

Sau này, có bạn thể sẽ trở thành một người "thành đạt" như định nghĩa của ba mẹ và xã hội, nhưng đó không phải là ước mơ của bạn, không phải là điều bạn yêu thích, thì bạn cũng chẳng thể vui vẻ, hạnh phúc được. Đối với xã hội, bạn có thể là người "thành công" đấy, nhưng đối với chính bản thân, bạn sẽ cảm nhận rằng mình là người "thất bại" vì đã chẳng biết ước mơ của mình là gì, chẳng thể theo đuổi công việc mình say mê.

Ba mẹ có thể “ép” bạn vào khuôn mẫu, bảo bọc bạn, mơ ước cho bạn 18, 20 năm, nhưng phần còn lại trong cuộc đời bạn thì sao? Bạn sẽ làm thế nào khi cuộc sống của bạn không phải là ước mơ của mình mà là mong ước của ba mẹ. Thế nên, xin hãy nhớ rằng, bạn sinh ra là để sống của đời của chính bạn, không phải để làm tập tiếp theo của ba mẹ, bạn nhé! 

Hãy nhớ rõ kịch bản của đời mình: Bạn không phải là tập tiếp theo của cha mẹ, không phải chương một của con cái, càng không phải ngoại truyện của bạn bè - Ảnh 2.

02

Tôi có một cô bạn tên Lâm, tính tình hào sảng, mạnh mẽ và tư duy rất nhạy bén. Lâm và chồng cùng làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nói về tài năng kiếm tiền của họ, chúng tôi đều ngả mũ bái phục. Nhưng cũng vì mải kiếm tiền quá, nên nhiều khi vợ chồng Lâm không tham gia được những buổi họp lớp, gặp gỡ bạn bè. Chúng tôi giận, nói vợ chồng Lâm tham tiền quá, họ chỉ cười cười, gãi đầu gãi tai, nói "chúng tớ đang đầu tư cho tương lai". 

Mà, có phải vợ chồng họ thiếu thốn hay nghèo khổ gì đâu. So với chúng tôi, kinh tế của vợ chồng Lâm vào hạng tốt nhất. Công việc thu nhập tốt, nhà mặt đất 3 cái, cho người ta thuê lại kinh doanh... Hai vợ chồng, hai đứa con, tiêu gì cho hết cả trăm triệu mỗi tháng? 

Một lần, Lâm hào hứng kể với tôi rằng hai vợ chồng vừa dẫn cậu con trai mới có 5 tuổi đầu đi xem một mảnh đất. Lâm bảo, sở dĩ vợ chồng cậu quyết tâm cày tiền, cũng là vì muốn sau này để lại cho con chút tài sản ra tấm ra món. Đời họ vất vả nhiều rồi, quyết không thể để đời con cái vất vả như những gì họ phải trải qua. 

Rồi nữa, không biết do có phải quá yêu tiền, và hiểu sức mạnh của đồng tiền vạn năng hay không, nhiều khi chúng tôi giật mình thấy vợ chồng Lâm dùng tiền để "mua chuộc" bạn của con. Bé đi học không tạo được thiện cảm với bạn bè, Lâm cho con tiền để con mời bạn ăn quà vặt. Cô nghĩ với cách đó, bạn của con sẽ yêu quý và gắn bó với con của mình hơn. Rồi các ngày lễ, thay vì thăm hỏi thân tình thầy cô giáo, vợ chồng Lâm đơn thuần cầm một phong bì tới trao tận tay cô. Lâm kể, một lần cô cảm thấy "dơ" nhất là bị cô giáo của con trả lại phong bì kèm lời nhắn: "Chúng tôi vẫn yêu thương cháu như các em học sinh khác, anh chị đừng biến chúng tôi thành con rối". 

Thật ra, tâm lý dành cho con cái những gì tốt đẹp nhất hoàn toàn dễ hiểu ở bậc làm cha mẹ. Nhưng, nhiều bạn có suy nghĩ rằng: Mình cần phải cật lực kiếm tiền, gắng sức tiết kiệm, để sau này để lại cho con chiếc nhà to, chiếc xe đẹp... Bạn có biết, bạn đang triệt tiêu khả năng tự lập và vương lên của con mình không?

Nếu bạn đã làm cha mẹ, xin hãy bằng tình yêu con vô bờ bến, bằng trách nhiệm của đấng sinh thành, dạy cho con mình 5 loại năng lực quan trọng sau đây để giúp con có cuộc sống hạnh phúc và tự tin trong cuộc sống. Đây có lẽ là những tài sản quý giá nhất mà chúng ta có thể lưu lại cho thế hệ sau:

- Năng lực học tập và đọc sách: Dạy trẻ đọc sách và học tập, không phải để đối phó với kỳ thi, mà để rèn luyện những thói quen tốt về sự bền bỉ, thói quen trau dồi kiến thức cho cuộc sống. Có hiểu biết trong tay, bước chân con đi sẽ không còn sợ hãi. Cuộc sống này sẽ mở ra thật nhiều cánh cửa để con lựa chọn. Lúc đó, tự bản thân con sẽ biết mình nên chọn điều gì. Cha mẹ hãy cho con một nền tảng vững chắc, và con sẽ tự tin bước đi trên con đường của mình.

Đọc sách và học tập suốt đời là cách tiêu tốn chi phí thấp nhất, cũng là con đường tắt tốt nhất để trau dồi tri thức, mở rộng tầm mắt và bồi đắp nhân cách của trẻ. Những thành tựu trẻ gặt hái được trong tương lai cũng sẽ vượt rất xa sự tưởng tượng của chúng ta.

- Cách đối nhân xử thế: Trong gia đình, cha mẹ lưu lại cho trẻ tài sản quý giá nhất không phải là một cuốn sổ tiết kiệm, một chiếc xe đẹp hoặc một tờ sở hữu bất động sản, mà là giáo dưỡng con tự lập chỗ đứng trong xã hội.

Phẩm hạnh và giáo dưỡng, không phải là vì ai khác, mà chính là vì để đề cao năng lực ổn định cuộc sống, để lập nghiệp, lập thân, lập thất. Người không được giáo dưỡng, nửa bước cũng khó đi. Người biết cách đối nhân xử thế, sẽ tiến được rất xa trong cuộc đời rộng lớn này. 

- Năng lực hòa hợp với mọi người xung quanh: Cha mẹ không cần phải dạy con khôn khéo lấy lòng người. Tình cảm giả tạo đưa lại một mối quan hệ không bền vững. Giá trị Chân – Thiện – Nhẫn mới đích thực là điều mà con cần học tập. Hồi nhỏ, bạn có thể bao bọc con cái mình, nhưng đến một ngày, con cái bạn sẽ rời xa vòng bảo bọc của bạn. Dạy con hài hòa với mọi người, với thế giới... mới là cách che chở, dạy dỗ con đúng đắn nhất. 

- Kỹ năng tự bảo vệ: Đối với cha mẹ mà nói, bạn có thể không dạy con thông minh, có thể không dạy con thành công, nhưng bạn nhất định phải dạy con biết cách tự bảo vệ bản thân.

Thế giới này có quá nhiều góc khuất tăm tối, trong quá trình phát triển của trẻ, những người làm cha làm mẹ chúng ta, cũng không thể mọi nơi mọi lúc đều ở bên cạnh con. Bởi vậy, dạy con tự bảo vệ bản thân là điều cực kỳ quan trọng.

- Năng lực kiên trì, không dễ dàng bỏ cuộc. 

Bạn hãy nhớ, bạn không phải chương một của con cái, bạn là mái nhà của con cái. 

Hãy nhớ rõ kịch bản của đời mình: Bạn không phải là tập tiếp theo của cha mẹ, không phải chương một của con cái, càng không phải ngoại truyện của bạn bè - Ảnh 3.

03

Bạn lên mạng và thấy những bức hình chụp bữa tiệc mới đây. Các bạn của bạn đều có mặt đầy đủ và trông rất vui vẻ. Nhưng có gì đó thiếu thiếu. Cụ thể hơn là thiếu ai đó​ - bạn!

Bạn tự hỏi: "Tại sao mình không được mời?".

Cảm xúc tò mò chuyển thành cay đắng. Bạn cảm thấy bị phản bội! Mọi mối quan hệ dường như sụp đổ chẳng khác nào một lâu đài cát bị sóng biển cuốn trôi. Nỗi cô đơn dâng trào. Phải chăng, trong nhóm bạn đó, bạn là kẻ ngoại đạo? Bạn vơ điện thoại, gọi bừa cho một người bạn khác, không đủ thân sơ, nhưng thôi, dù sao còn hơn ngồi góc nhà nhìn cả thế giới ngoài kia vui chơi, cười nói. 

Bạn đi chơi, nhưng bạn thấy mình tách biệt hoàn toàn với đám đông. Bạn không bắt nhập được câu chuyện của họ - dù ngày ngày bạn vẫn gặp và cười nói giả lả với họ. 

Bạn sẽ thấy thỏa mãn hơn khi được kết giao với nhiều người, nhưng những mối giao thiệp mới không phải lúc nào cũng trở thành mối quan hệ bền vững. Càng có nhiều tình bạn hời hợt bao nhiêu, bạn càng thấy mình cô đơn, lạc lõng bấy nhiêu.

Hãy thử nhớ lại lần gần đây nhất mà bạn thấy mình thèm ăn đến mức kinh khủng. Có lẽ bạn sẽ ăn sạch những gì bạn tìm thấy trong tủ lạnh cho dù chúng có là đồ ăn vặt không hề tốt chút nào. Việc cố gắng có những mối quan hệ hời hợt, vô nghĩa để lấp đầy nỗi cô đơn cũng tương tự như vậy. Khi bạn không quan tâm tới việc chọn ai để kết giao, bạn sẽ chỉ thu về được "tình bạn" hời hợt mà thôi. Và ở mối quan hệ bạn bè nào, bạn mãi mãi chỉ là người đứng ngoài câu chuyện. Và đối với họ, bạn chỉ là ngoại truyện, có cũng được, không có cũng được, được thêu dệt ra mà thôi. 

Hãy nhớ rõ kịch bản của đời mình: Bạn không phải là tập tiếp theo của cha mẹ, không phải chương một của con cái, càng không phải ngoại truyện của bạn bè - Ảnh 4.

Có câu nói rất hay thế này: Muốn thành công, hãy kết giao với những người bạn giỏi hơn:

Nếu chơi với 5 người tự tin, bạn sẽ là người thứ 6.

Nếu chơi với 5 người thông minh, bạn sẽ là người thứ 6.

Nếu chơi với 5 triệu phú , bạn sẽ là người thứ 6.

Nếu chơi với 5 kẻ ngốc, bạn sẽ là người thứ 6.

Nếu chơi với 5 kẻ cháy túi, bạn cũng sẽ là người thứ 6.

Điều này khó mà tránh được…

Là ai không quan trọng, quan trọng là ở cạnh ai!

Đi cùng ruồi thì tìm được nhà vệ sinh

Đi cùng ong thì tìm được hoa thơm

Đi cùng người giàu học cách kiếm nhiều tiền

Đi cùng ăn mày học được cách xin cơm.

Bởi thế, hãy tỉnh táo kết giao và thiết lập những mối quan hệ bạn bè đúng nghĩa thay vì "nhập lô bạn" kém chất lượng. Hãy biến bản thân thành một phần quan trọng trong cuốn sách về tình bạn, thay vì một phần ngoại truyện ơ hờ, nhạt nhẽo, có thể cắt xén bất cứ lúc nào. 

Tựu chung lại, bạn sinh ra là một cá thể độc lập, vì thế hãy tận dụng ân phước này. Hãy sống cuộc đời rực rỡ, tươi mới nhất có thể. Hãy nhớ rõ kịch bản của đời mình: Bạn không phải là tập tiếp theo của cha mẹ, không phải chương một của con cái, càng không phải ngoại truyện của bạn bè.

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
XEM