"Hậu trường" ở công ty dược hàng đầu VN sau khi về tay đại gia Nhật Taisho: Thay nhân sự, đổi chiến lược, bổ sung ngành bán lẻ mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

15/06/2019 14:00 PM | Kinh doanh

Năm 2019 đối với Dược Hậu Giang vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Một mặt, doanh nghiệp phải đối diện với nhiều tác nhân của năm cũ, góp phần làm suy giảm doanh thu, lợi nhuận. Mặt khác, hãng dược Taisho của Nhật Bản chính thức trở thành cổ đông lớn, đem đến những hy vọng hợp tác mới.

Thêm nhân sự Nhật vào bộ máy, giảm các ngành không liên quan đến dược

Sau một thời gian miệt mài mua cổ phiếu DHG, hãng dược Taisho của Nhật Bản đã chính thức vượt qua cổ đông lớn Nhà nước là SCIC về tỉ lệ sở hữu bằng thương vụ mua thành công hơn 20,6 triệu cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang để nắm 50,78% cổ phần.

Tiếp đến, Dược Hậu Giang tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 và công bố những thay đổi liên quan đến nhân sự, chiến lược kinh doanh.

Bà Đặng Thị Thu Hà thay ông Nguyễn Chí Thành làm Chủ tịch HĐQT, và ông Thành rút khỏi HĐQT. Hai nhân sự này trước đó đều là đại diện sở hữu cổ phần của SCIC.

Ngoài ra, HĐQT của doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự hiện diện của ông Masashi Nakaura trong tiểu ban Nhân sự và ông Maki Kamijo trong tiểu ban Kiểm toán. Riêng ông Jun Kuroda tiếp tục làm Trưởng tiểu ban Chiến lược.

Không thuộc cơ cấu HĐQT nhưng hai người Nhật khác cũng được gia hạn nắm giữ chức vụ quản lý - điều hành, đó là ông Atsushi Toyoshima (Giám đốc chuỗi cung ứng) và ông Tomoyuki Kawata (Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng, đào tạo và chuyển giao công nghệ).

Sau khi kiện toàn nhân sự, Dược Hậu Giang công bố sẽ bổ sung ngành bán lẻ mỹ phẩm và bán lẻ thực phẩm chức năng. Đồng thời cắt giảm 9 ngành, trong đó có nhiều ngành không liên quan đến dược như lắp đặt, sửa chữa điện, điện lạnh, máy vi tính, phần mềm...

Hậu trường ở công ty dược hàng đầu VN sau khi về tay đại gia Nhật Taisho: Thay nhân sự, đổi chiến lược, bổ sung ngành bán lẻ mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - Ảnh 1.


Một năm khó khăn trước thềm Đại hội cổ đông

Trước khi kiện toàn tổ chức, Dược Hậu Giang từng giải trình về việc lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 1/2019 giảm do không còn ưu đãi thuế và ngưng phân phối sản phẩm cho MSD và Eugica.

Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế quý 1/2019 giảm đồng loạt so với cùng kỳ năm 2018 "do công ty không phân phối hàng cho MSD và Eugica" và việc ngừng kinh doanh này bắt đầu từ tháng 4/2018 và tháng 6/2018.

Chỉ tiêu kế hoạch doanh thu thuần năm 2019 đặt ra chỉ tăng 1,6% so với năm 2018 vì ảnh hưởng của việc ngừng kinh doanh hàng cho MSD và Eugica và giảm doanh thu hàng khuyến mãi.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng khẳng định thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng tại chi nhánh nhà máy Dược phẩm DHG tại Hậu Giang là 5% thay vì mức ưu đãi 0% trong năm 2018. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 20,94%

Theo báo cáo giải trình, chi phí thuế thu nhập hiện hành trong quý 1/2019 tăng lên gần 18,5 tỉ đồng so với mức hơn 1,7 tỉ đồng cùng kỳ năm 2018.


Sẽ vượt qua khó khăn để trở thành doanh nghiệp dược generic lớn nhất Việt Nam?

Bất chấp khó khăn, mục tiêu chiến lược 2019 - 2023 do Dược Hậu Giang công bố trong kỳ đại hội cổ đông lần này là sẽ hướng đến việc trở thành doanh nghiệp dược generic (thuốc sản xuất cùng công thức thuốc gốc nhưng giá rẻ hơn) lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và có kênh phân phối chuyên nghiệp, sâu, rộng và đa dạng hàng đầu.

Tuy nhiên, chỉ tiêu doanh thu thuần kế hoạch năm 2019 của Dược Hậu Giang chỉ tăng 1,6% đã gặp phải nhiều tranh luận của cổ đông. Bên cạnh đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế thậm chí giảm 3,5% do trích lập ngân sách khen thưởng, phúc lợi 47,9 tỉ đồng.

Tại đại hội cổ đông, ông Đoàn Đình Duy Khương - đại diện của Dược Hậu Giang cũng thừa nhận việc ngành dược chỉ tăng trưởng 8% và những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, với sự tham gia của cổ đông lớn Taisho, doanh nghiệp đưa ra 8 chiến lược lớn trong giai đoạn 2019 - 2023.

Cụ thể, Dược Hậu Giang sẽ gia công cho các tập đoàn lớn; đạt các tiêu chuẩn liên quan đến nhà máy; học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Dược Hậu Giang song hành với Taisho; đầu tư dây chuyền EU...

Mặc dù có một số khó khăn chủ quan và khách quan nhưng Dược Hậu Giang vẫn đang là doanh nghiệp dược dẫn đầu tại Việt Nam, chỉ tính riêng doanh thu thuần năm 2018 đã gấp đôi so với doanh nghiệp xếp thứ hai là Traphaco, đồng thời, hãng dược này còn sở hữu 36 điểm phân phối trên các vùng miền cả nước.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM