Hành trình vụt sáng rồi tắt lịm của hãng xe hơi quốc dân Malaysia Proton: Năm đầu tiên ai muốn mua phải đăng ký chờ 4 tháng, đến khi chính phủ mở cửa cho xe nhập khẩu phải vội bán mình

11/10/2018 08:17 AM | Kinh doanh

Câu chuyện về hãng xe hơi nội địa Malaysia để lại nhiều bài học cho Việt Nam.

Hãng ô tô Geely của Trung Quốc đã mua lại thương hiệu xe hơi nội địa Proton của Malaysia vào năm 2017. Đó là một món hời với Geely. Thỏa thuận thành công, Geely tiếp cận được dây chuyền sản xuất của Proton tại Malaysia, cho phép họ bán xe mà không mất thuế tới bất kỳ đâu trong khối Asean.

Nhưng câu hỏi khiến nhiều người bất ngờ khi ấy là vì đâu mà chính phủ Malaysia quyết định chấp nhận thỏa thuận này. Proton từng là biểu tượng xe hơi của đất nước Malaysia, niềm tự hào dân tộc.

Dự án Malaysia National Car được thiết lập vào năm 1979 bởi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, được nội các thông qua vào năm 1982 và thành lập nên hãng xe nội địa Proton vào năm 1983. Ban đầu, ý tưởng này bị nhạo báng nặng nề. Đảng đối lập, báo chí và cả các chuyên gia kinh tế đều hoài nghi về tính khả thi của dự án.

Nặng nề hơn, để giễu cợt ý tưởng này, họa sĩ nổi tiếng nhất Malaysia là Lat đã vẽ một bức biếm họa về chiếc xe ô tô do nước này tự sản xuất với chiếc mái có hình xe bò kéo. Tuy nhiên, tất cả không vị thủ tướng lung lay.

Proton trở thành hãng xe thuộc sở hữu nhà nước duy nhất tại Malaysia. Năm 1985, Thủ tướng Mahathir cho mở nhà máy Shah Alam trên cơ sở liên doanh với hãng xe Mitsubishi. Chính phủ Malaysia kiểm soát phần lớn nhà máy lắp ráp Proton, chỉ 17% thuộc sở hữu của Mitsubishi Group.

Đến ngày 1/9/1985, Thủ tướng Mahathir "mở hàng" với chiếc Proton Saga xanh 1.5S như món quà tặng vợ.

Sự kiện chiếm hẳn một trang của tờ báo lớn nhất Malaysia - New Straits Times, với dòng tít: Proton - Biểu tượng của lòng tự tôn và trích lời của Thủ tướng "Điều này còn hơn cả một chiếc xe".

Hành trình vụt sáng rồi tắt lịm của hãng xe hơi quốc dân Malaysia Proton: Năm đầu tiên ai muốn mua phải đăng ký chờ 4 tháng, đến khi chính phủ mở cửa cho xe nhập khẩu phải vội bán mình  - Ảnh 1.

Từ Saga trong tiếng Malaysia là loại hạt rất đồng đều nhau và từng có thời gian được dùng để cân đong vàng ra đời được đặt cạnh những hãng xe như Volkswagen của Đức và Cinquecento của Ý hay Zhiguli của Nga. Chiếc xe nhận được sự ủng hộ của mọi người dân với kỳ vọng hỗ trợ nền công nghiệp đang phát triển trên đường hội nhập kinh tế toàn cầu của nước nhà.

Ngoài ra, thực tế chất lượng tốt và công nghệ Nhật Bản cùng giá cả cạnh tranh đã giúp Proton thu hút được người dùng trong nước.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Proton cũng nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ phía chính phủ. Từ khi bắt đầu sản xuất, Proton được áp dụng chính sách thuế ưu đãi do chính phủ đưa ra nhằm áp đảo các đối thủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Chẳng hạn, Proton chỉ phải trả 13% thuế linh kiện nhập khẩu, chủ yếu là động cơ và bộ truyền động từ Nhật Bản, trong khi các công ty nước ngoài tại Malaysia phải trả 42%.

Chính vì vậy ngay trong năm đầu tiên, tổng doanh số bán ra của Proton là 70.000 chiếc, chiếm 45% tức 2/3 thị trường Malaysia, thậm chí người muốn mua phải nằm trong danh sách chờ đến 4 tháng.

Dòng xe đầu tiên của Proton còn được bầu chọn là "Man of the year" (Người đàn ông của năm) tại Malaysia – khiến Malaysia trở thành đất nước đầu tiên trong khu vực mở rộng như vậy sang lĩnh vực ô tô.

Một năm sau đó, tức là 1986, Proton đã chiếm 64% thị phần nội địa cho những dòng xe ô tô dưới 1.600 cc, nhu cầu vượt xa nguồn cung.

Tuy nhiên công nghệ nước ngoài vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sản phẩm của Proton. Saga được phát triển dựa trên chiếc Lancer Fiore 4 cánh của Mitsubishi Motors. Sau này Mitsubishi cũng cung cấp nhiều linh kiện chính cho các mẫu xe của Proton. Đến cuối những năm 1990, Proton mới có thể tự mình phát triển các mẫu xe mới.

Sau khi tung ra chiếc xe nội địa hóa 100% vào năm 2000, Proton giúp Malaysia lọt vào nhóm 11 quốc gia trên toàn thế giới có thể tự thiết kế và sản xuất những chiếc xe ô tô đạt chuẩn quốc tế vào năm 2002. Có thời kỳ Proton tuyển dụng tới 12.000 lao động.

Ở thời kỳ huy hoàng nhất, thị phần của Proton ở Malaysia đạt đỉnh 74% vào năm 1993. Dù phần lớn doanh thu đến từ thị trường nội địa, Proton đã xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Á và cả Anh, Úc. Trong những năm 1990 mạng lưới bán hàng của Proton bao phủ khắp thế giới, có mặt tại hơn 70 nước.

Năm 1992, cổ phiếu Proton lên sàn. Tháng 7/1993, Proton cho xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000.

Phút "sảy chân"

Tuy nhiên, thành công của Proton thúc đẩy sự ra đời của những đối thủ cạnh tranh trong nước mà nổi bật nhất trong số đó là hãng xe Perodua.

Ngoài ra, khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990 đã khiến Proton lao đao. Số xe hơi được bán ra ở Malaysia đã giảm mạnh từ 404.000 chiếc trong năm 1997 xuống chỉ còn 163.000 chiếc trong năm 1998. Doanh thu và lợi nhuận của Proton vì đó cũng lao dốc theo, trong đó lợi nhuận ròng sụt giảm tới 41%.

Trong phần lớn lịch sử của hãng, Proton được hưởng quá nhiều ưu đãi từ chính sách bảo hộ của chính phủ. Xe nhập phải chịu thuế lên tới 300%. Bên cạnh đó những người tiêu dùng chọn xe nội địa sẽ được hưởng khoản vay ưu đãi có thời hạn lên tới 9 năm. Proton còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và được hỗ trợ chi phí nghiên cứu. Chính mức độ ưu đãi quá lớn khiến Proton không thể cạnh tranh khi có đối thủ xuất hiện.

Từ chỗ chiếm 74% lượng xe mới bán ra ở Malaysia trong năm 1993, đến năm 2016 tức 1 thập kỷ sau khi Chính phủ giảm thuế đánh vào xe nhập theo cam kết của hiệp định tự do thương mại ký kết với các nước ASEAN, con số giảm xuống chỉ còn 12,5%.

Thời điểm này, Proton gặp rắc rối lớn về vấn đề tài chính mặc dù đã nhận được khoản trợ cấp hơn 3 tỉ USD kể từ khi thành lập. Kết quả là vào năm ngoái, họ đã chấp nhận "bán mình" cho hãng xe Trung Quốc Geely - đơn vị sở hữu hãng xe sang Volvo. Theo đó, Geely đã mua lại 49,9% cổ phần từ Proton. 

Dẫu vậy về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Johari Abdul Ghani cho biết Proton sẽ luôn là thương hiệu ô tô quốc gia, là niềm tự hào của người Malaysia, vì hãng xe thuộc sở hữu nhà nước này vẫn nắm quyền kiểm soát 50,1% số cổ phần còn lại.

"Thương hiệu ô tô của chúng tôi sẽ có cơ hội hồi sinh, một cơ hội rất lớn, tôi hy vọng là thế", ông nói.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM