Hành trình thành "thiên thần hộ mệnh" của một phụ nữ Việt Nam cho trẻ sơ sinh tại 25 quốc gia trên thế giới

01/04/2017 14:13 PM | Xã hội

Theo tổ chức WHO, 45% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi là của những đứa trẻ sơ sinh. Trang Tuyết Ngà là người phụ nữ mang trong mình một sứ mệnh để bảo vệ những sinh linh dễ bị tổn thương nhất. Năm 2004, cô cho ra mắt MTTS, một doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế cho trẻ sơ sinh, chỉ bằng 1/8 chi phí của các mô hình ở phương Tây. Những thiết bị này đã tới được 1,3 triệu trẻ sơ sinh ở châu Á và châu Phi năm ngoái.

Con đường trở thành “thiên thần hộ mệnh”

[A Tùng] Hành trình thành thiên thần hộ mệnh của một phụ nữ Việt Nam chotrẻ sơ sinh tại 25 quốc gia trên thế giới - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội sau chiến tranh, thời điểm mà hầu như mọi thứ đều thiếu thốn, kể cả việc tiếp cận với chăm sóc sức khỏe cơ bản, Ngà mang trong mình ước muốn tạo ra sự khác biệt. Người con gái Hà Nội có nhiều ý tưởng, nhưng vào thời điểm đó lại không có nguồn lực.

Nhờ bạn, cô nhận được học bổng để học tập tại Đan Mạch. Tại đây, Ngà được chứng kiến cách thức mọi thứ hoạt động, và cô muốn Việt Nam cũng có thể như vậy trong tương lai. Sau khi chia quay trở về Việt Nam và chia sẻ suy nghĩ với những người bạn của mình ở Hà Nội, không ai trong số họ đã tin rằng họ có thể tạo ra điều khác biệt. Ai cũng nói rằng không thể làm gì nếu không có tiền. Đan Mạch có điều kiện xã hội tốt như vậy vì đó là một đất nước giàu có, nhưng Ngà đã đáp lại rằng nếu muốn thay đổi, thì họ phải bắt đầu từ đâu đó.

Trang Tuyết Ngà luôn quan tâm đặc biệt đến chăm sóc sức khỏe, nhưng không học qua các trường chính quy liên quan đến y tế vì hoàn cảnh gia đình. Dù không thể trở thành bác sĩ hay y tá, nhưng không vì thế cô từ bỏ mong muốn cứu mạng sống của các bệnh nhân theo một cách khác.

Do không có kiến thức kỹ thuật, nên cô đã thuyết phục một người bạn là một kỹ sư y sinh học người Mỹ để giúp mình. Nhờ mối quan hệ tốt với Bệnh viện Nhi TW ở Hà Nội, Ngà đã biết được tình hình nghiêm trọng đến mức nào: gần như không có máy móc nào giúp bác sĩ chữa trị trẻ sơ sinh. Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi đã cố gắng để ứng biến nhưng việc thiếu các thiết bị phù hợp khiến cho công việc của họ vô cùng khó khăn. Kết quả là rất nhiều bệnh nhân đã tử vong vì những căn bệnh dễ ngăn ngừa.

Trẻ sơ sinh không nên tử vong vì những lý do như cảm lạnh, vàng da, hoặc các vấn đề về hô hấp. Nhưng những công nghệ có sẵn ở phương Tây – chẳng hạn như máy sưởi ấm cho trẻ sinh non hay trẻ sơ sinh bị ốm – không thể đến với hàng triệu người ở những khu vực nghèo khó trên thế giới.

Mang trong mình suy nghĩ này và quyết tâm đem lại sự thay đổi, cuối cùng, tháng 6 năm 2004, MTTS – doanh nghiệp xã hội thiết kế, sản xuất và phân phối các thiết bị y tế phù hợp cho trẻ sơ sinh cần được chăm sóc tích cực – do Trang Tuyết Ngà và Gregory Dajer sáng lập ra đời.

Nhờ đã trao cơ hội sống cho rất nhiều những đứa trẻ sơ sinh, công ty công nghệ y tế của cô được đề cử cho giải thưởng Doanh nghiệp xã hội của năm 2017 do Schwab Foundation tổ chức.

Bí quyết sản xuất thiết bị y tế rẻ bằng 1/8 so với ở máy móc từ 1000 USD đến 3000 USD ở phương Tây

[A Tùng] Hành trình thành thiên thần hộ mệnh của một phụ nữ Việt Nam chotrẻ sơ sinh tại 25 quốc gia trên thế giới - Ảnh 2.

Hoạt động của các thiết bị y tế là vô cùng phức tạp và tinh vi. Khi nhìn vào hóa đơn về nguyên liệu làm ra một chiếc máy như vậy, bạn có thể nghĩ rằng rất rẻ để làm ra chúng, nhưng sự thật là chúng ta đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao và quy mô thì tương đối nhỏ.

Theo chia sẻ của Ngà, hầu hết các công ty không kiếm được nhiều tiền từ việc bán những thiết bị này. Họ thường bán ngang với giá vốn bỏ ra và kiếm lãi từ bán các phụ kiện thay thế hay dịch vụ đi kèm với sản phẩm. Một chút giống như máy in và mực in vậy.

Ngà nhận thức được rằng chi phí hoạt động cao là vấn đề thực sự với các thiết bị y tế ở các nước đang phát triển, và các chi phí này thường dồn lên vai của những bệnh nhân không có khả năng chi trả. Do đó, cô đã dùng các cách khác nhau để giảm chi phí sản xuất mà vẫn khiến các thiết bị y tế dễ sử dụng và bền bỉ kể cả ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới: chỉ thuê nhân công trong nước, các chuyên gia tình nguyện viên nước ngoài thì làm việc miễn phí, xin trợ cấp phát triển công nghệ cho R&D và thỉnh thoảng là chi phí trang bị máy móc.

Những khó khăn trong quá trình cho ra mắt và mở rộng MTTS

[A Tùng] Hành trình thành thiên thần hộ mệnh của một phụ nữ Việt Nam chotrẻ sơ sinh tại 25 quốc gia trên thế giới - Ảnh 3.

Quá trình mở đầu luôn luôn là thời điểm khó khăn nhất. Nguồn vốn ban đầu để mở công ty công nghệ sinh học MTTS chỉ là vài nghìn USD. Thêm vào đó vào năm 2004, do gần như không có quy định của chính phủ nên chính MTTS và các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW đã phải tự xây dựng các quy định an toàn.

Tại thời điểm đó, do Việt Nam không có thị trường cho các thiết bị y tế nên toàn bộ lĩnh vực này phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Ngà và đồng nghiệp đã phải dành ra nhiều thời gian để gây quỹ và thuyết phục mọi người rằng hướng đi của MTTS đáng để đầu tư.

Khi đã có thể đảm bảo về sản xuất với số lượng lớn, những vấn đề khác mà Ngà phải đối mặt là sự ổn định và kiểm soát chất lượng, cũng như kho hàng, nguồn nhân lực, vốn lưu động, lựa chọn nhà cung cấp.

Vấn đề lớn nhất cho tới tận bây giờ là không gian. Hà Nội là một thành phố đông đúc và bị tắc nghẽn. Rời ra ngoài trung tâm Hà Nội sẽ cho phép MTTS có một nhà kho và một dây chuyền lắp ráp phù hợp. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng vì công ty sẽ mất đi phần lớn nhân viên, những người đã và đang là chìa khóa thành công của họ.

Tuy gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng doanh nhân Hà Nội vẫn khẳng định cô chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ MTTS vì đó là cuộc sống của cô.

Tham vọng trong 5 năm tới

[A Tùng] Hành trình thành thiên thần hộ mệnh của một phụ nữ Việt Nam chotrẻ sơ sinh tại 25 quốc gia trên thế giới - Ảnh 4.

Ngà chia sẻ công ty MTTS muốn tiếp tục tăng cường ảnh hưởng. Mỗi đứa trẻ được cứu sống đều rất quý giá. Và vì đặc điểm thị trường của hoạt động kinh doanh của MTTS, công ty cần vươn tới nhiều nơi hơn nữa. Hiện tại, MTTS đã hoạt động tại 25 quốc gia ở 3 châu lục. Trong 5 năm, Ngà mong muốn công ty của cô có thể hoạt động trên toàn cầu.

Cô cũng có lời khuyên cho những doanh nhân mong muốn thay đổi thế giới rằng: “Đừng nản lòng bởi những lời chỉ trích. Cuối cùng, ý tưởng là của bạn, bạn tin tưởng vào nó và bắt tay vào thực hiện. Thuyết phục các nhà đầu tư hoặc các nhà tài trợ sẽ dễ dàng hơn sau khi bạn đã tự thuyết phục được bản thân mình.”

K.Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM