Hiệp hội Mía đường mất dần “bảo bối“

05/12/2013 19:37 PM |

Điều đáng nói là sau cái "giãy nãy" với thông tin tạm nhập tái xuất đường của HAGL, VSSA vẫn chưa có động thái nào giúp giải bài toán chi phí giá đường.

Thông tin cho nhập đường thô do Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào về đã khiến Hiệp hội Mía đường “giãy nãy” vì cho rằng ảnh hưởng đến sự sống còn của mình. Tuy nhiên, dư luận lại nghĩ việc quá ỷ lại vào chính sách bảo hộ mới là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng của ngành này.

Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã lên tiếng phản đối kịch liệt về việc đồng thuận cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa nhập đường thô do HAGL sản xuất từ Lào về Việt Nam, gia công và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

VSSA cho rằng, việc HAGL xin tạm nhập tái xuất 30.000 tấn đường là đường do HAGL sản xuất tại Lào có giá rẻ hơn rất nhiều so với đường nội địa. Mà kể cả tái xuất hay không đều khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước lo ngại, nhất là khi đường đang tồn kho rất lớn.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho biết niên vụ mía đường 2013-2014, các nhà máy đường cả nước dự kiến sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 1,3 triệu tấn.

Như vậy về cơ bản đã thừa 300.000 tấn đường, chưa kể đường tồn kho từ vụ trước và một lượng đường lớn nhập lậu qua biên giới Tây Nam. Ngoài ra, Bộ Công Thương vừa cấp quota cho các doanh nghiệp nhập 73.000 tấn đường theo lộ trình cam kết với WTO. Điều này càng cho thấy chuyện thừa đường đang ở mức báo động.

Khi được hỏi về chuyện giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới và cách giải quyết ổn thỏa thì đại diện VSSA trả lời: ngành mía đường Việt Nam đang thua thiệt trăm bề so với nhiều nước về năng suất, sản lượng, chất lượng… Từ đó dẫn đến giá thành cao, làm giảm năng lực cạnh. Hầu hết các điểm sản xuất còn dạng nhỏ lẻ, manh mún, cơ giới hóa yếu, liên kết giữa nhà máy với nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ đường lỏng lẻo.

Điều đáng nói là sau cái "giãy nãy" với thông tin tạm nhập tái xuất đường của HAGL, VSSA vẫn chưa có động thái nào giúp giải bài toán chi phí giá đường. Thay vào đó chỉ thấy động thái quen thuộc: chờ Nhà nước "cứu rỗi" bằng các biện pháp hành chính. Ngăn cấm hành chính vốn không phải là giải pháp lâu dài.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng: “Người tiêu dùng bức xúc ở khía cạnh trong khi đường trong nước không thiếu, thậm chí đang tồn kho rất lớn nhưng lại phải trả một cái giá cao ngất ngưởng. Đây là bài toán lý ra ngành mía đường phải tập trung làm cho đến nơi đến chốn để kéo giá đường xuống, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, tăng chất lượng đường. Chứ không phải chờ khi đụng chuyện lại quyết liệt phản đối như thế!”.

Nhìn nhận xa hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại đang đến hồi hiệu lực thực thi toàn phần thì sản xuất trong nước cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, giảm chi phí, đổi mới công nghệ để giảm giá thành, chuẩn bị đón đầu cạnh tranh sòng phẳng.

Thế nhưng câu chuyện của ngành mía đường đã cho thấy nỗi thất vọng đối với sự chuẩn bị quá hời hợt của các doanh nghiệp trong nước.

Có một thực tế nữa là nhiều năm qua, ngành này được bảo hộ bằng hạn ngạch, thuế... để nâng cao sức cạnh tranh. Đến nay, sản phẩm đường trong nước vẫn tiếp tục thua nhiều mặt so với ngành đường các nước. 
Bảo hộ khi sản xuất trong nước chưa đủ mạnh khi hội nhập kinh tế toàn cầu là cần thiết, nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời để các doanh nghiệp xây dựng nội lực đủ mạnh. Vậy mà có không ít doanh nghiệp đang coi bảo hộ là bảo bối để ỷ lại vào Nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Việt Lê 

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM