Cần giải pháp đối phó với buôn lậu

09/11/2013 08:28 AM |

Việc vận chuyển hàng lậu bằng nhiều phương tiện, hoạt động không kể ngày đêm. Đặc biệt, đối tượng vận chuyển hàng lậu rất manh động khi bị kiểm tra, bắt giữ thì sẵn sàng tìm mọi cách chống đối, giật lại hàng

Đó là những nhận định chung được đưa ra tại Hội thảo “Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” do Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cùng Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 8-11, tại TP Đà Nẵng.

Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, cho hay hoạt động buôn lậu diễn ra trên toàn tuyến biên giới giáp Campuchia (Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Phước Tân...). Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại, các mặt hàng rượu chai, đường cát, nông sản, động vật hoang dã và xăng dầu.

“Đối tượng đầu nậu tổ chức đường dây, điều hành rất chặt chẽ. Thuê người thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó. Việc vận chuyển hàng lậu bằng nhiều phương tiện, hoạt động không kể ngày đêm. Đặc biệt, đối tượng vận chuyển hàng lậu rất manh động khi bị kiểm tra, bắt giữ thì sẵn sàng tìm mọi cách chống đối, giật lại hàng” - ông Phong cho biết.

Ông Nguyễn Chí Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, cho biết buôn lậu diễn ra khá mạnh ở địa phương. “Khi gặp lực lượng kiểm tra thì đối tượng nhảy xuống dọc đường, có trường hợp sẵn sàng lao thẳng vào lực lượng kiểm tra. Chưa bao giờ Đồng Tháp lại khởi tố hình sự nhiều vụ liên quan đến hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhiều đến như vậy. Năm 2012 khởi tố sáu vụ, từ đầu năm đến nay thêm 16 vụ nữa, trong đó có năm vụ là do tái phạm” - ông Bắc nói.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nhận định tình hình buôn lậu mang tính chất xuyên quốc gia và đang gia tăng mạnh mẽ làm cho lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nam thông tin: “Chỉ qua tám tháng năm 2013, các lực lượng quản lý thị trường Việt Nam đã xử lý tới 8.359 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm hàng nhập lậu, 9.036 vụ vi phạm về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng”.

Ông Phạm Tiến Nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng: “Nguyên nhân một phần của việc nhập lậu này là do công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa thực hiện thường xuyên và chưa phối hợp đồng bộ, tập trung vào trọng tâm, điểm nóng. Vai trò của chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt”.

Theo Lê Phi

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM