Hàng loạt nhà cung ứng cho Samsung đang 'ôm mộng' phục vụ cả cho Vingroup và Asanzo sản xuất smartphone

24/07/2018 08:14 AM | Xã hội

Theo hãng tin Nikkei, sau một thập niên Samsung tuyên bố sản xuất điện thoại tại Việt Nam, giờ đây những hãng cung cấp địa phương cho tập đoàn này bắt đầu mở rộng đầu tư sang những lĩnh vực mới với ưu thế kinh nghiệm nhiều năm làm việc với đối tác Hàn Quốc.

Năm 2014, chỉ có 4 công ty cung ứng địa phương tại Việt Nam làm việc với Samsung thì con số này hiện đã đạt 29 công ty. Nhiều dự đoán cho rằng Việt Nam có thể có đến 50 công ty cung ứng vào năm 2020. Theo Nikkei, những doanh nghiệp này đang mở rộng kinh doanh sang những ngành công nghiệp mới như xe hơi nhằm tận dụng ưu thế công nghệ mà họ đã có khi hợp tác với Samsung.

Mới đây, hãng cung ứng địa phương Meiko Electronics ở Việt Nam có trụ sở tại Nhật đã quyết định đầu tư hơn 100 triệu USD để mua thêm máy móc cho phân xưởng Hà Nội. Meiko vốn là hãng chuyên ngành sản xuất bảng vi mạch và từng hợp tác với Samsung trước đó.

Với khoản đầu tư mới này, Meiko dự kiến sẽ sản xuất những bảng vi mạch tương tự như sản phẩm cũ nhưng nhỏ gọn hơn, phù hợp với lối thiết kế smartphone mỏng ngày nay. Ngoài ra, Meiko cũng sẽ sản xuất bảng vi mạch cho hệ thống liên lạc trên ô tô, hay còn gọi là hệ điều hành 5G cho dòng xe hơi tự động thế hệ mới, nhằm phục vụ các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và Nhật Bản.

"Những công nhân Việt Nam gắn bó với công việc nhiều hơn các lao động nước khác, ví dụ như Trung Quốc, và trình độ của họ cũng đang ngày càng cải thiện", Giám đốc Shuji Ida của Meiko Electronicsc Vietnam cho biết.

Hàng loạt nhà cung ứng cho Samsung đang ôm mộng phục vụ cả cho Vingroup và Asanzo sản xuất smartphone - Ảnh 1.

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Công ty đã đổ 50,5 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 1988 đến nay, tương đương 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào đây.

Hiện Samsung đang thuê khoảng 160.000 lao động Việt Nam để lắp ráp phần lớn smartphone cho hãng, tương đương hơn 200 triệu chiếc điện thoại mỗi năm. Năm 2013, điện thoại di động là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ban đầu Samsung sử dụng một số nhà cung cấp từ nước ngoài như Meiko. Tuy nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công ty chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam, Samsung đã bắt đầu đào tạo các nhà cung cấp địa phương.

Tập đoàn Samsung sử dụng chính những kỹ thuật viên của họ để đào tạo cho các nhà cung cấp cũng như đặt tiêu chuẩn sản phẩm cho họ, qua đó gián tiếp nâng số công ty cung cấp địa phương cho hãng lên con số 29 như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc phát triển các nhà cung cấp địa phương cũng tác động đến thị trường lao động khi nhiều nhân viên có kinh nghiệm làm việc quốc tế chuyển hướng sang các công ty địa phương khi có cơ hội việc làm tốt hơn.

Ngoài ra, các tập đoàn nội địa của Việt Nam cũng bắt đầu hướng sự chú ý đến thị trường smartphone trong nước nhờ có nền tảng kỹ thuật cũng như lao động trình độ cao. Tập đoàn Vingroup mới đây đã tuyên bố dự án VinSmart trị giá 131 triệu USD sản xuất smartphone. Nhà máy của tập đoàn dự kiến được đặt ở khu công nghiệp phía Bắc Hải Phòng.

Không chịu kém cạnh, hãng sản xuất thiết bị điện tử Asanzo cũng đã đầu tư 8,67 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất điện thoại của công ty tại Việt Nam. Tham gia thị trường smartphone từ năm 2017, hãng đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới vào mỗi quý và dự kiến tăng sản lượng lên 600.000 chiếc trong năm 2018. Thậm chí Chủ tịch Phạm Văn Tam của hãng đang xem xét khả năng sản xuất dòng điện thoại giá siêu rẻ, chỉ vào khoảng 1 triệu đông, tương đương 43 USD cho thị trường Việt Nam.

Việc Việt Nam trở thành một phương án cho xu thế dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã tác động tích cực lên thị trường. Cho tới thời điểm hiện tại, phần lớn các nhà máy ở Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào lao động và việc có chuyển đổi lên mô hình sản xuất công nghệ cao thành công hay không chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quá trình xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành smartphone hiện nay.

Kể từ năm 2012, việc xuất khẩu điện thoại của Samsung đã khiến Việt Nam đạt thặng dư thương mại. Chính phủ đặt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020, bởi vậy Việt Nam đã chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng ngành công nghiệp địa phương, đặc biệt là việc hợp tác với những công ty công nghệ nước ngoài.

Những nhà đầu tư nước ngoài hiện đang bị thu hút với thị trường 94 triệu dân tại Việt Nam, với độ tuổi bình quân 30 tuổi. Hãng General Motors mới đây đã tuyên bố hợp tác với Vingroup để sản xuất ô tô nội địa. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc như LG cũng đang tấn công thị trường điện tử, bán lẻ, bất động sản, tài chính và sản xuất tại Việt Nam.

AB

Cùng chuyên mục
XEM