Hàng loạt điểm nghẽn kinh tế chuyên gia mong Quốc hội tháo gỡ trong kỳ họp này là gì?

23/10/2017 16:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong 2 ngày 23 – 24/10, Quốc hội sẽ trình bày và thảo luận về kết quả thực hiện tình hình kinh tế xã hội trong năm 2017. PGS.TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ mối lo ngại không mới về tăng trưởng phụ thuộc quá lớn và FDI cũng như vấn đề chi ngân sách.

Đến nay, kinh tế Việt Nam đã đi gần hết chặng đường. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/9, GDP 9 tháng năm 2017 ước đạt 6,41%, trong đó, quý I đạt 5,15%, quý II đạt 6,28%, quý III đạt 7,46% - mức tăng kỷ lục sau nhiều năm.

Theo lý giải của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, có ba nguyên nhân cho mức tăng ngoạn mục của quý III, bao gồm: nông nghiệp; chế biến chế tạo với mức tăng 12,8% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó góp phần không nhỏ là Samsung và Formosa; dịch vụ với mức tăng 9,2% so với năm ngoái (loại trừ yếu tố giá).

Với đà tăng trưởng này, đến cuối năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% là có thể đạt được, dù kịch bản cho quý IV phải đạt mức cao là 7,31%. Điều này đi ngược lại với hầu hết các dự báo của các tổ chức kinh tế trước và ngay cả sau khi số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra hôm 29/9.

Dù vậy, PGS. TS. Phạm Thế Anh, giảng viên kinh tế ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh Chính phủ cần tập trung cho những chính sách dài hạn thay vì theo đuổi những chính sách ngắn hạn.

Theo ông, con số tăng trưởng hơn 7% có thể là điểm sáng nhưng đằng sau nó chứa đựng nhiều yếu tố không bền vững.

Đó là việc Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI nhưng giá trị lại phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp FDI mà cụ thể là Samsung. Trong quý III/2017, Samsung ra mắt mẫu điện thoại mới là Galaxy Note 8 khiến cho các hoạt động đầu tư, sản xuất tăng mạnh. Dù vậy, sản phẩm của công ty này mang tính chu kỳ, không phải lúc nào cũng có sản phẩm mới, đóng bán xuất khẩu lớn. Như vậy để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như hiện tại là rất khó, theo ông Thế Anh.

Thứ hai là lưu ý về vấn đề ngân sách. Ngân sách và nợ công là vấn đề dài hạn của vĩ mô không được giải quyết trong nhiều năm qua. Hai năm nay, Chính phủ chủ yếu xoay quanh biện pháp là tăng thu, nhưng nó chỉ giải quyết được phần ngọn, còn gốc rễ vẫn nằm ở chi chứ không nằm ở thu. Hiện chi ngân sách vừa tăng cao, vừa mất cân đối giữa chi tiêu dùng và chi đầu tư phát triển. Nếu cứ loay hoay như vậy, nền kinh tế sẽ khó khăn trong tương lai.

Bên cạnh đó, chuyên gia Thế Anh cho rằng định hướng chính sách của Chính phủ đang có một số vấn đề, “đặc biệt là việc theo đuổi một số mục tiêu không thực tế, không đúng thuần tuý về mặt kinh tế”, ông nói. Cụ thể như mục tiêu tăng trưởng hay mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

“Điểm sáng của con số báo cáo tăng trưởng của Việt Nam trong quý III là cao, hi vọng rằng với mức tăng trưởng cao đấy, Chính phủ sẽ giảm đi những động cơ theo đuổi các chính sách ngắn hạn. Ví dụ như chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hay thúc ép thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công để đạt tăng trưởng cao”, ông Thế Anh cho biết.

Nói về tăng trưởng quý III, TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định chỉ số tăng trưởng kinh tế quý III rất khó hiểu và khó lường. Ông cho rằng điều này không có thông lệ trong lịch sử, cũng không đúng với lý thuyết kinh tế nhưng lại thực tế qua số liệu của Tổng cục Thống kê.

"Chúng ta phấn khởi nhưng cũng ngỡ ngàng trước những con số này. Song cần tiếp tục theo dõi những diễn biến kinh tế trong thời gian tới trước khi đưa ra kết luận", TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

TS. Lưu Bích Hồ cũng đồng quan điểm với TS. Phạm Thế Anh về yếu tố không bền vững khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa quá nhiều vào khu vực FDI. Còn với điểm sáng nông nghiệp, theo ông, mới chỉ là bước đầu với sự chuyển biến từ trồng lúa gạo sang thuỷ sản, vẫn còn cần thời gian để chứng minh thêm.

“Các ngành khác chưa có gì là sáng hoặc đặc biệt lắm. Nếu chưa có tái cơ cấu cơ bản một ngành nào thì chưa thể có tăng trưởng vọt lên được”, ông Hồ đánh giá.

Đối với kỳ họp Quốc hội lần này, ông TS. Lưu Bích Hồ bày tỏ mong muốn Quốc hội tập trung giải quyết các điểm nghẽn chính của nền kinh tế. Trong đó, ông nhấn mạnh vào việc khống chế mức tăng tín dụng một cách hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt trong giải ngân vốn đầu đầu tư công – vốn được xem là điểm tắc bấy lâu nay. Ông Hồ cũng hi vọng Quốc hội xem xét cẩn trọng việc sửa đối các sắc thuế. Theo đó, tăng thuế suất theo hướng hài hoà các mặt, gắn với cơ cấu lại chi ngân sách. Đồng thời đẩy mạnh việc giải quyết nợ xấu, khẩn trương giải quyết cơ bản các dự án thua lỗ và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

“Trong ngắn hạn cần phải khai thông những điểm nghẽn trên, cùng với đó là gia tăng tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế”, ông nói.

Còn về trung hạn, theo TS. Hồ, tiếp tục là câu chuyện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vốn còn chậm kể cả về mặt thể chế kinh tế thị trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, vận dụng thành quả và đổi mới sáng tạo KHCN.

“Gắn với đó là đổi mới bộ máy quản lý kinh tế, hành chính theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII mới đây”, ông nói thêm.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM