Hãng điện tử Việt tăng trưởng ấn tượng trong thế trận “căng sức” giữ thị phần của các ông lớn

17/01/2018 15:30 PM | Kinh doanh

Asanzo chính thức là đại diện duy nhất của Việt Nam thuộc danh sách dẫn đầu làng điện tử với 16% thị phần, bám đuổi sát nút các “ông lớn” như LG, Sony, Samsung.

Tại hội nghị khách hàng tổ chức tại Hà Nội, Asanzo công bố đến tháng 12/2017 chiếm thị phần 16%, sau LG (17%), Sony (25%) và Samsung (35%), chính thức lọt Top thị trường Tivi tại Việt Nam.

Hãng ngoại sung sức “sân nhà”, đuối sức “sân khách”

Mặc dù chiếm giữ 60% thị phần Tivi cao cấp tại Mỹ, 40% tại Châu Âu, 48% tại Ấn Độ và có xu hướng tăng trưởng nhờ ra mắt dòng Tivi QLED mới nhưng tại thị trường Việt Nam, Samsung mất gần 4% thị phần trong giai đoạn 2016-2017.

Trong khi đó, Sony vẫn lại ngậm ngùi chia sẻ 10% thị phần vào tay các thương hiệu nội trên “sân khách”, dù tự hào với mức tăng trưởng vượt trội với 39% thị phần Tivi toàn cầu nửa đầu năm 2017, cao gấp đôi so với năm ngoái (theo số liệu của IHS). Những động thái đánh mạnh vào dòng hàng Tivi từ cao cấp tới bình dân thời gian gần đây tại Việt Nam là dấu hiệu cho thấy thương hiệu đến từ Nhật này đang “sốt vó” tái lập thị phần.

Thương hiệu LG củng cố ở mức 16-17% trong năm 2017, gồng mình bảo vệ “miếng bánh thị phần” bằng việc ra mắt các dòng OLED, UHD, Full HD cải tiến về công nghệ với các kích thước đa dạng.

Toshiba, Panasonic, TCL… cũng có hàng đều đặn tại các kênh bán lẻ nhưng cơ bản chỉ là loại sản phẩm thông thường, không có cải tiến đáng kể về công nghệ. Vì vậy, thị phần của các thương hiệu này chỉ làng nhàng ở mức từ 2 đến 5%.

Có thể thấy, các hãng đang căng sức giữ thị phần, vừa tung sản phẩm mới, vừa có những chính sách bán hàng để thu hút khách.

Sự trỗi dậy của thương hiệu điện tử Việt

Là DN đầu tiên của Việt Nam lọt vào Top, vốn là thế trận của các ông lớn nước ngoài, Asanzo đã làm nên “kỳ tích” mới cho hãng điện tử Việt, ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc về sản lượng và doanh thu. Thành tích này đến từ kết quả kinh doanh khả quan nhờ hàng loạt các hoạt động “nói là làm” của ông chủ Asanzo trong suốt năm vừa qua.

Hãng điện tử Việt tăng trưởng ấn tượng trong thế trận “căng sức” giữ thị phần của các ông lớn - Ảnh 1.

Doanh số và mức tăng trưởng các dòng sản phẩm của Asanzo qua các năm (2014-2017)

Về sản lượng, 710.000 chiếc tivi Asanzo đã được bán ra 12 tháng qua, gấp 1,5 lần so với 500.000 chiếc năm 2016. Đối với các sản phẩm gia dụng, lượng tiêu thụ khoảng 3 triệu. Riêng Smartphone Asanzo lần đầu ra mắt vào tháng 8/2017 cũng đã “chào sân thị trường” 8.000 chiếc.

Lượng tiêu thụ Tivi tăng mạnh cũng giúp Asanzo vượt doanh thu dự kiến của cả năm. Doanh thu 2017 cán mốc 4.620 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi mức 2.768 tỷ đồng của năm ngoái, vượt chỉ tiêu 12%.

Hãng điện tử Việt tăng trưởng ấn tượng trong thế trận “căng sức” giữ thị phần của các ông lớn - Ảnh 2.

Doanh thu của Asanzo tăng trưởng đột phá qua từng năm (2014-2017)

Bên cạnh đó, thương vụ đầu tư bạc tỷ vào dự án Kooda với các dòng Tivi cận cao cấp cũng giúp tập đoàn xác lập “địa phận” mới, bán được 12.000 sản phẩm chỉ sau hai tháng ra mắt nhờ vào hệ thống phân phối của Asanzo với 6.000 điểm bán và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc.

Các yếu tố làm nên thành tích ngoạn mục cho thương hiệu điện tử 4 năm tuổi đến từ sự đồng bộ, nhất quán từ chiến lược tới thực thi bao gồm sự tiết giản hóa trong sản phẩm, tập trung phân khúc bình dân, hệ thống phân phối rộng khắp, đầu tư nhà máy công suất lớn, các chính sách chăm sóc khách hàng đặc biệt và khả năng bám sát từng “căn cứ” mà DN đã nỗ lực xây dựng, linh hoạt theo nhịp thị trường.

Riêng chuyện tổ chức liên tục 20 hội nghị khách hàng lên tới hàng nghìn người khắp các tỉnh thành trong vòng 2 tháng là một “kỷ lục” mà hiếm có hãng điện tử ngoại nào có thể vượt mặt.

“Doanh nghiệp nhỏ cũng có lợi thế riêng của mình. Đó là khả năng thay đổi nhanh nhất có thể và sự linh hoạt, thích ứng với mọi hoàn cảnh, văn hóa”, ông Phạm Văn Tam, ông chủ hãng điện tử Asanzo chia sẻ.

Hãng điện tử Việt tăng trưởng ấn tượng trong thế trận “căng sức” giữ thị phần của các ông lớn - Ảnh 3.

“Doanh nghiệp nhỏ cũng có lợi thế riêng của mình”- ông Tam khẳng định.

Quyết tâm bứt phá trong năm 2018, Asanzo mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu tăng 1,8%, lên 8.316 tỷ đồng. Hai chiến dịch trọng tâm là mở rộng xây dựng nhà máy và phủ rộng thị trường miền Bắc đồng thời thúc đẩy lộ trình “Việt hóa” bằng việc bắt tay với nhiều DN phát triển ứng dụng công nghệ tại Việt Nam.

Nếu mục tiêu hoàn tất, Asanzo hoàn toàn có thể nâng mức thị phần Tivi lên 22% và mục tiêu Top 3 tại thị trường Việt Nam là giấc mơ không xa.

A.D

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM